Quyết định số 385/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Gọi tắt là Đề án) đặt mục tiêu đánh giá đúng thực trạng mức phát thải nhà kính trên địa bàn tỉnh này, từ đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm carbon, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đó, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện Đề án này.
Bảy lĩnh vực trọng điểm là công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và bất động sản.
Đối với công nghiệp, tập trung vào các ngành sản xuất lớn như thép, xi măng, gỗ, và dệt may.
Đối với giao thông vận tải, tập trung tối ưu hóa hệ thống giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và xe điện.
Đối với nông nghiệp và lâm nghiệp, áp dụng phương pháp canh tác thông minh, tăng cường quản lý rừng bền vững.
Đối với xây dựng và bất động sản, thúc đẩy xây dựng nhà xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
|
Đồng Nai còn nhiều khu vực có đa dạng sinh học cao. (Ảnh: Lam Jiang/Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai) |
Bốn giai đoạn thực hiện Đề án là: Giai đoạn 1 (từ năm 2025-2030): Giảm 20% phát thải khí nhà kính; giai đoạn 2 (từ năm 2030-2035): Giảm 45% phát thải khí nhà kính; giai đoạn 3 (từ năm 2035-2045): Trung hòa carbon; giai đoạn 4 (từ năm 2045-2050): Đạt phát thải khí nhà kính bằng 0.
Đồng Nai được xem là có nhiều lợi thế để thực hiện giảm khí thải carbon như quỹ đất rừng hơn 181.000 ha với nhiều khu vực có đa dạng sinh học cao; hệ thống sông, hồ với diện tích mặt nước và không gian sinh thái rộng.
Tỉnh này hiện có hơn 250 cơ sở sản xuất công nghiệp và nhiều cơ sở xử lý chất thải phải kiểm kê, xây dựng lộ trình, thực hiện giảm phát thải nhà kính theo quy định. Bên cạnh đó là yêu cầu về tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm phát thải trong sản phẩm của thị trường nước ngoài.
Xuân Khánh