Giá đất Thủ Thiêm 55 lô còn lại chỉ hơn 10 triệu/m2: Rẻ... không thể tưởng?

Google News

(Kiến Thức) - Dù biết rằng, giá khởi điểm dự kiến không thể bằng giá thị trường được và phải thấp hơn giá thị trường nhưng ở một mức độ nhất định chứ không phải giá thị trường 200 đến 300 triệu/m2 mà giá dự kiến đấu giá chỉ từ 11 đến 30 triệu đồng/m2.

Ước tính 55 lô đất còn lại ở Thủ Thiêm hơn 793.000 m2 nếu đấu giá sẽ thu về ít nhất 22.000 tỷ đồng (chưa đến 1 tỷ USD).
Đó là thông tin khiến dư luận chú ý trong báo cáo của Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trình UBND TP HCM về việc lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng các dự án tại các lô đất còn lại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Số tiền này là căn cứ trên giá đất các đơn vị tư vấn đề xuất hồi năm 2016-2017 (chưa có giá hiện tại), trên tổng quỹ đất còn lại của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đáng chú ý, 55 lô đất được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 đã hoàn tất công tác GPMB và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có thể đấu giá quyền sử dụng đất trong quý 4 năm 2019 với diện tích hơn 158.000 m2 và nguồn thu dự kiến gần 4.789 tỷ đồng, bình quân khoảng 30 triệu/m2.
Nhóm 2 với diện tích hơn 269.100 m2, nguồn thu dự kiến hơn 8.125 tỷ đồng, bình quân cũng khoảng 30 triệu/m2.
Gia dat Thu Thiem 55 lo con lai chi hon 10 trieu/m2: Re... khong the tuong?
 Cận cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Báo Giao thông.
Nhóm 3 (dự kiến sẽ đấu giá trong quý 1.2020 và cuối năm 2020) gồm 23 lô đất với diện tích hơn 365.200 m2, nguồn thu dự kiến hơn 9.012 tỷ đồng, bình quân khoảng 25 triệu/m2.
Tuy nhiên, trong nhóm 3, có lô đất ký hiệu 3-17 diện tích 17.975, nguồn thu dự kiến hơn 197 tỷ đồng, bình quân gần 11 triệu/m2. Lô ký hiệu 5-3 diện tích 1.146 m2, nguồn thu dự kiến hơn 13 tỷ, bình quân hơn 11 triệu đồng/m2.
Ngay khi thông tin trên được công bố, nhiều chuyên gia bất động sản đã lên tiếng cho rằng mức giá hơn 10 triệu đồng/m2 tại Thủ Thiêm là quá rẻ so với mặt bằng hiện tại. Bởi so với mặt bằng chung tại khu vực quận 2, giá đất tuỳ vị trí giao động từ 200 đến 300 triệu/m2.
Trong khi đó, khu đô thị Thủ Thiêm được đánh giá nằm ở vị trí đắc địa, được ví như “đất kim cương” của TP HCM và sẽ phát triển mạnh trong tương lai nên giá không thể thấp hơn đến hàng chục lần so với đất lân cận. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì tổng nguồn thu dự kiến không thể nào chỉ 1 tỷ USD mà phải gấp 10 lần con số ấy. Nếu chỉ thu được chưa đến 1 tỷ USD từ việc khai thác quỹ đất này rõ ràng là sự bất hợp lý.
Trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, bao giờ khi xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng các dự án tại các lô đất thì đều dự kiến mức giá khởi điểm, còn mức giá tối đa thì không quy định, càng nhiều càng tốt.
“Việc đưa ra mức giá 22.000 tỷ đồng cho 55 lô đất còn ở Thủ Thiêm có diện tích lên đến hơn 793.000 m2 khiến người ta phải đặt câu hỏi, ai là người xây dựng lên mức giá ấy, căn cứ vào cơ sở nào để đưa ra mức giá dự kiến như vậy? Rõ ràng, có sự bất hợp lý khi giá trung bình tại khu vực lân cận giao động từ 200 đến 300 triệu/m2 còn tại khu vực Thủ Thiêm lại đưa ra mức giá có chỗ chỉ hơn 11 triệu đồng/m2. Đó là sự vô lý. Dù biết rằng, giá khởi điểm dự kiến không thể bằng giá thị trường được, phải thấp hơn giá thị trường nhưng thấp hơn ở một mức độ nào đó, chứ không thể thấp hơn mấy chục lần như vậy”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, đối với giá đất dùng phương pháp so sánh với giá thị trường là đúng nhưng phải tùy từng vị trí. Trong 793.000 m2 phải xem vị trí ở đâu, đấu như thế nào nhưng nếu chỉ từ 11 đến 30 triệu/m2 từng vị trí thì rõ ràng là khó hiểu.
“Với giá thị trường khu vực lân cận khoảng 200 đến 300 triệu/m2 mà đưa ra mức giá khởi điểm từ 11 đến 30 triệu là bất hợp lý. Điều này thể hiện một là năng lực đánh giá, hai là có ý đồ gì đó trong việc này”, PGS.TS Ngô Trí Long.
Trong khi đó, không bàn về mức giá cao hay thấp và khi trao đổi với PV Kiến Thức, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói rằng bản thân ông ủng hộ phương thức đấu giá, bởi đấu giá công khai thì mới đạt được mức giá thị trường, còn giá thị trường như thế nào thì ai cũng đều biết.
“Nhưng trong đấu giá phải đảm bảo các nguyên tắc, phải đề phòng quân xanh, quân đỏ bắt tay nhau trong đấu giá. Còn đấu thầu thì phải đề phòng tình trạng “chân gỗ”. Đối với đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi, thậm chí đấu thầu quốc tế là rất tốt. Bởi việc đấu giá phải đảm bảo công khai, minh bạch thì mới có thể đạt được mức giá thị trường”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết.
>>> Xem thêm: 4 lô đất Thủ Thiêm được đấu giá để rút kinh nghiệm
  
Hải Ninh