Cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung cho biết, 10 tỷ đồng là khoản tiền của gia đình bị cáo Chung vừa nộp nhằm bảo lãnh cho trường hợp nếu bị cáo Chung bị Hội đồng xét xử tuyên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền nộp bảo lãnh này, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.
Hiện cơ quan pháp luật đã kê biên 1 nhà đất và 2 căn hộ chung cư của bị cáo Nguyễn Đức Chung để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Thông qua khoản tiền 10 tỷ đồng này, gia đình bị cáo Chung cũng xin bảo lãnh cho việc kê biên số tài sản nhà, đất nói trên.
Luật sư Tú đề nghị việc xác định thiệt hại trong vụ án cần được giao cho cơ quan chuyên môn giám định.
|
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại tòa. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên xét xử, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra nhiều luận điểm phản bác lại bản luận tội của Viện Kiểm sát cáo buộc mình lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic. Ông Chung cho rằng, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà chưa tiếp thu những nội dung đã được bị cáo đề nghị làm rõ tại tòa.
Ông Chung phủ nhận việc chỉ đạo miệng tại cuộc thử nghiệm chế phẩm Redoxy 3C ở hồ Hoàn Kiếm ngày 31/7/2016.
“Quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm qua, tôi đã giải trình rõ rằng, toàn bộ nội dung câu nói này tôi không chấp nhận, không đồng ý. Đây là nội dung câu nói không đầy đủ. Nếu đã mua thì mua để làm gì, số lượng bao nhiêu, chứ không thể có chuyện chỉ đạo miệng như vậy. Lời khai của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng; nguyên Phó Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Trần Trọng Văn và bị cáo Võ Tiến Hùng không khách quan. Vì tại buổi thử nghiệm trên còn có một số người, trong đó có cán bộ kỹ thuật tên Hiền là người đứng đối diện ông để thuyết trình về quá trình thử nghiệm”, ông Chung nói.
Bị cáo Chung cho rằng, quá trình thực hiện việc mua chế phẩm Redoxy 3C, bị cáo Hùng cũng không sử dụng câu nói được cho là chỉ đạo miệng của ông Chung để chỉ đạo các nhân viên hoàn thiện hồ sơ, nhập những lô hàng đầu tiên. Việc mua bán được thực hiện theo luật pháp, theo chỉ định thầu, được sự nhất chí của Hội đồng thành viên Công ty Thoát nước Hà Nội.
Nói về các hợp đồng tiếp theo, theo ông Chung, bị cáo Hùng đã khai trước đó rằng thực hiện theo chỉ đạo của Thông báo số 308 ngày 22/8/2016 và theo hướng dẫn của các Sở, ngành của thành phố Hà Nội. Ông Chung đề nghị HĐXX công bố rõ nội dung Thông báo số 308 ngày 22/8/2016. Theo ông Chung, trong thông báo kết luận cuộc họp này, bị cáo không giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội đàm phán trực tiếp với hãng Watch Water để mua hay sử dụng trực tiếp chế phẩm Redoxy 3C mà chỉ giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội đàm phán với Hãng Watch Water để làm rõ quy trình sử dụng chát Redoxy 3C, từ đó xây dựng quy trình xử lý đối với chất thải.
Dẫn chứng lời khai của các bị cáo và những người liên quan khác, bị cáo Chung cho rằng, những người này đều căn cứ vào các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, điều lệ hoạt động của Công ty Thoát nước Hà Nội; căn cứ vào hướng dẫn của các Sở, ngành của thành phố Hà Nội để thực hiện đàm phán, ký kết các hợp đồng.
Bị cáo Chung cũng phủ nhận quy kết của đại diện Viện kiểm sát cho rằng, ý thức chủ quan của bị cáo là để bị cáo Nguyễn Trường Giang đi cùng đoàn công tác của UBND TP Hà Nội sang nước ngoài, đưa chế phẩm Redoxy 3C về Việt Nam. Bởi bị cáo Chung trực tiếp đề nghị ông Chopra (Tổng Giám đốc Hãng Watch Water) sản xuất loại chế phẩm xử lý nước sông hồ phù hợp với thực tiễn tại Hà Nội.
Liên quan hiệu quả của chất Redoxy 3C, bị cáo Chung mong HĐXX xem xét vì bị cáo làm công tác quản lý Nhà nước nên chỉ biết căn cứ vào đơn giá, định mức họ đang làm và thấy hiệu quả hơn thì phải chọn, với tiêu chí có lợi cho Nhà nước và cho dân. “Lợi cho nhà nước chúng tôi nhìn thấy về tài chính, lợi cho dân, trực tiếp những người dân chịu hôi thối hàng chục, hàng hai chục năm ở nhiều hồ trên địa bàn Hà Nội”, bị cáo Chung giải thích.
Tại tòa, ông Chung nói rằng chưa bao giờ đặt vấn đề với bị cáo Giang cho gửi phần trăm vào Công ty Arktic để được hưởng lợi.
“Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ bàn với anh Giang “đẻ” ra một công ty gọi là “sân sau” của mình. Vì gia đình tôi có công ty trách nhiệm hữu hạn từ năm 1996, đã kinh doanh được 20 năm, kinh doanh hàng chục nghìn mặt hàng. Nếu tôi muốn làm chế phẩm Redoxy 3C cho cá nhân mình, tôi chỉ cần nói với ông Chopra cho vợ tôi làm đại diện nhập về bán công khai, chứ không phải lằng nhằng như thế này”, ông Chung nói và mong HĐXX xem xét thấu đáo, minh bạch cho mình.
Về thiệt hại của vụ án, bị cáo Chung nói rằng, chúng tôi đem trí tuệ, công sức để cống hiến, đem lại cho người dân môi trường sạch sẽ, nhưng tại sao hôm nay lại quy cho tôi phải bỏ tiền nhà ra đền cho Nhà nước.
Quá trình tự bào chữa, bị cáo Chung cho rằng, mình không chỉ đạo bị cáo Giang vấn đề tặng quà cho các cơ quan tổ chức ở thành phố Hà Nội và tỉnh Sơn La. Cuối cùng, bị cáo Chung khẳng định “Nếu cơ quan chức năng chỉ rõ tôi thu nhập bất hợp pháp, thiệt hại này là hậu quả, nhân quả từ sự chỉ đạo của tôi thì tôi sẵn sàng mang tiền của gia đình ra khắc phục”.
Trước đó, VKSND thành phố Hà Nội đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Võ Tiến Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Arktic trong vụ chế phẩm Redoxy 3C. Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 10-12 năm tù, bị cáo Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang cùng mức 6-7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về hình phạt bổ sung, đại diện Viện kiểm sát đề nghị cấm ông Chung và ông Hùng giữ các chức vụ liên quan từ 3-4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Đồng thời, ông Chung và Giang phải liên đới bồi thường 36,1 tỷ đồng cho nguyên đơn dân sự là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy tố ông Nguyễn Đức Chung trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C:
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.
Tâm Đức