Hải Phòng cách ly tập trung người về từ vùng dịch: Địa phương nào là vùng dịch?

Google News

(Kiến Thức) - Người cách ly tập trung tại Hải Phòng không thuộc diện quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly. Theo quy định pháp luật, hiểu thế nào cho đúng?

Hải Phòng đã đưa 10 người từ Hà Nội vào khu cách ly tập trung
Tại Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện Chỉ thị số 26 và 27 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng sáng 5/4, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh khẳng định, việc thành phố ban hành văn bản chỉ đạo 2449 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 rất kịp thời. Sau thành phố cũng có một số tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Bắc Ninh… triển khai chỉ đạo tương tự.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến đêm 4/4, có 230 người vào khu cách ly tập trung của thành phố, trong đó có 10 người đi từ Hà Nội về liên quan đến triển khai chỉ đạo tại văn bản 2449, có xe công an dẫn đường vào khu cách ly.
Trước đó ngày 4/4, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản 2449 đã yêu cầu tổ chức cách ly y tế tập trung đối với tất cả những người từ các vùng dịch về Hải Phòng từ ngày 3/4. Người cách ly (những người vào Hải Phòng không thuộc diện quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ) phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly.
Hai Phong cach ly tap trung nguoi ve tu vung dich: Dia phuong nao la vung dich?
 Hải Phòng tổ chức cách ly y tế tập trung đối với tất cả những người từ các vùng dịch về Hải Phòng từ ngày 3/4
Đối với những trường hợp từ Hải Phòng đi đến các tỉnh, thành phố khác phải có giấy xác nhận cho phương tiện ra ngoài thành phố của Chủ tịch UBND các quận, huyện. Khi trở về từ các địa phương có dịch phải thực hiện các ly y tế tập trung theo quy định.
Vùng dịch là những địa phương nào?
Dù biết rằng, việc đưa tất cả những người từ các vùng dịch về Hải Phòng và những người từ Hải Phòng đi đến các tỉnh, thành phố khác, khi trở về từ các địa phương có dịch phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định là một trong những biện pháp mạnh mà Hải Phòng đang triển khai nhằm ngăn chặn dịch bệnh vào thành phố. Hiện Hải Phòng là địa phương chưa có trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố nên việc kiểm soát chặt chẽ là cần thiết.
Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn như vùng dịch là vùng dịch nào, những địa phương nào được coi là vùng dịch? Dù mới đây, khi trao đổi với báo chí, lãnh đạo TP Hải Phòng cho rằng, người ở các vùng dịch là những nơi đã có dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, hiện nay chưa tỉnh nào công bố dịch bệnh theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, vậy hiểu các địa phương có dịch COVID-19 là vùng dịch có đúng theo quy đinh pháp luật?
Hơn nữa, dư luận cũng băn khoăn việc Công văn có giá trị bắt buộc đối với tất cả người dân hay không hay phải ban hành quyết định hành chính? Cách ly y tế và cách ly xã hội là khác nhau, thực hiện cách ly y tế có trái với quy định không? Việc thu phí cách ly y tế với người ngoại tỉnh có trái với quy định tại điều 2, Thông tư 32/2012/TT-BTC hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, không chỉ Hải Phòng, hiện một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có quy định tương tự. Tuy nhiên vẫn còn một số quy định cần phải xem xét.
Cụ thể, Hải Phòng ban hành các quy định trên tại văn bản 2449 của UBND TP Hải Phòng tuy nhiên, công văn trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Nếu UBND TP Hải Phòng và các địa phương ban hành quyết định thì mới là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc đối với toàn thể nhân dân ở địa phương này. Còn công văn chỉ là văn bản chỉ đạo để thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, mệnh lệnh, chỉ thị khác của cấp trên. Nội dung thực hiện như thế nào phải căn cứ vào văn bản được nhắc tới trong công văn này.
Hai Phong cach ly tap trung nguoi ve tu vung dich: Dia phuong nao la vung dich?-Hinh-2
Ảnh: Vietnam + 
Bên cạnh đó, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg thì nhà nào ở tại nhà đó, thôn nào ở tại thôn đó, xã nào ở tại xã đó, huyện nào ở tại huyện đó, tỉnh nào ở tại định đó... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã nhiều lần giải thích trước báo chí về tinh thần này của Chính phủ, không phải là chỉ đạo “ngăn sông, cấm chợ” mà chỉ là hạn chế đi lại, tiếp xúc và có sự kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo vệ sinh phòng bệnh... Những đối tượng được phép đi lại, làm việc thì vẫn được đi lại, làm việc bình thường.
Nếu quy định như công văn ở một số địa phương hiện nay, có thể hiểu rằng tất cả những người đến làm việc ở địa phương này đều bị cách ly 14 ngày, như vậy là không đúng với tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg.
Luật sư Cường cho rằng, trong văn bản quy định, những người về từ vùng dịch sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày. Đây là nội dung này phù hợp với luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Tuy nhiên, theo khoản 14, Điều 2 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch”.
Theo Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 1/4, Việt Nam công bố dịch bệnh COVID-19 trên cả nước. Như vậy, trong quan hệ quốc tế, Việt Nam được xác định là nước đang có dịch bệnh COVID-19, việc xuất nhập cảnh, tham gia các hoạt động quốc tế liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh ở quốc gia có dịch bệnh. Đồng thời, các địa phương cũng được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm.
>>> Mời độc giả xem video Thủ tướng- Cách ly xã hội chưa phải là phong tỏa xã hội

Nguồn: VTC Now.

Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước chưa có tỉnh nào có quyết định riêng công bố dịch bệnh theo quy định tại Điều 38, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nên chưa có cơ sở để xác định địa phương nào được coi là “vùng dịch”.
“Hiện nay có hơn 200 ca nhiễm bệnh ở Việt Nam có quốc tịch khác nhau, hộ khẩu thường trú khác nhau, nơi anh ở, sinh sống, làm việc trước khi mắc bệnh khác nhau. Bởi vậy, không thể cho rằng nơi họ có hộ khẩu thường trú hoặc nơi phát hiện mắc bệnh là vùng dịch. Việc xác định vùng dịch là phải căn cứ vào công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cụ thể việc công bố dịch thuật thẩm quyền của trung ương hoặc của từng địa phương theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm tại điều Điều 38 quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch, điều 39 quy định về nội dung công bố dịch.
Nếu địa phương nào ở Việt Nam chưa căn cứ vào điều 38, điều 39 luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm để có quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 thì địa phương đó chưa được coi là “vùng dịch”, chỉ được có thể coi là điểm có dịch, ổ dịch, nơi phát hiện người mắc bệnh dịch... Bởi vậy, nội dung chỉ đạo trong công văn nêu trên rất khó để có thể thực hiện trên thực tế.
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định tại khoản 16, điều 2 của Luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm: “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.”
Đồng thời, tại điều 49, Luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm quy định về tổ chức cách ly tế như sau: “Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch”.
Tại điều 1, Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng hướng dẫn việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế.
Như vậy, việc cách ly tế chỉ được áp dụng theo quy định tại điều 49 Luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm và hướng dẫn tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP, trong đó những người thuộc trường hợp quy định tại Điều 49, mới bị cách ly, thẩm quyền cách ly, tổ chức cách ly phải đúng quy định của pháp luật.
“Một số địa phương đã ban hành văn bản về việc tổ chức cách ly y tế tại địa phương đối với một số đối tượng cần phải xem lại các quy định pháp luật này để thực hiện cho đúng và đồng bộ, đảm bảo việc phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm được thực hiện một cách có hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tránh phiền hà cho người dân”, Luật sư Cường cho hay.
Đồng thời cho rằng, việc tổ chức thực hiện các mệnh lệnh, Chỉ thị, quyết định của Chính phủ phải đúng tinh thần, đúng nội dung, có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương thì mới đạt hiệu quả. Những nội dung nào chưa rõ cần phải có ý kiến chỉ đạo, giải thích chứ không nên có những quy định nóng vội, khó hiểu như một vài địa phương thời gian gần đây.
Thu phí người cách ly y tế tập trung có đúng quy định?
Đối với việc, một số địa phương có văn bản quy định thu phí cách ly y tế với người không có hộ khẩu ở địa phương đó, Luật sư Cường cho rằng, không phù hợp với quy định tại điều 2, Thông tư 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cụ thể, theo nội dung văn bản này thì người bị cách ly y tế sẽ được miễn phí tất cả các khoản chi phí và tiền khám chữa bệnh nếu như mắc bệnh dịch, trừ tiền ăn hàng ngày.
Như vậy, nếu địa phương nào quy định thu phí cách ly y tế đối với người thuộc địa phương khác là một sự phân biệt đối xử và không phù hợp với quy định của pháp luật, có thể gây bức xúc trong dư luận. Việc thực hiện hoạt động cách ly y tế, tổ chức thực hiện hoạt động cách ly y tế trong thời điểm này là cần thiết nhưng phải đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục mà pháp luật đã quy định.
Hai Phong cach ly tap trung nguoi ve tu vung dich: Dia phuong nao la vung dich?-Hinh-3
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường cho rằng, đây là một hoạt động phòng chống dịch bệnh cần thiết trong thời điểm hiện nay nhưng hoạt động này cũng là hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân nên cần phải thực hiện đúng thủ tục, đúng thẩm quyền, có căn cứ theo quy định của pháp luật và đặc biệt là không thể dùng loại văn bản “công văn” để hạn chế quyền công dân để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra...
“Hiện nay một số địa phương rất quyết liệt, chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh, tinh thần này đáng biểu dương và cần phải duy trì. Tuy nhiên việc thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch bệnh phải có sự thống nhất, theo đúng nội dung các chỉ đạo, quyết định từ trung ương và phải phù hợp với các quy định của pháp luật để tránh những thiệt hại không cần thiết có thể xảy ra cho xã hội, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất, các nhu cầu thiết yếu của người dân”, Luật sư Cường cho hay.
Tâm Đức