Muôn trùng điều… bất ngờ!
Khoảng 9 giờ sáng, anh Trần Thanh Vũ, chủ xe Camry đời 2016 chạy ra khỏi cổng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5004V, Khu công nghiệp Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, liền dừng xe, bước xuống, vẻ mặt lầm bầm. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh kể, sau 4 tiếng đồng hồ chờ đợi đến lượt thì được nhân viên thông báo, tất cả các tiêu chí kỹ thuật đều đạt, riêng hệ thống bóng đèn phải thay lại nguyên bản.
|
Nhiều xe trước khi đăng kiểm phải thay lại "đồ zin" |
Anh Vũ cho biết, trước đây thay toàn bộ dàn đèn bằng đèn LED sáng hơn. Ba năm qua vẫn đăng kiểm bình thường, nay lại bắt thay?! Trong khi các xe ô tô đời mới hiện nay đều trang bị đèn bi LED 100%, vậy lý do gì xe mới thì được sử dụng, xe cũ lại không? “Lắp đèn bi LED sáng, góc cắt sáng gọn gàng không chói mắt người điều khiển phương tiện đối diện, tăng thêm tầm quan sát và an toàn khi đi ban đêm mà lại không cho đăng kiểm, bắt thay bóng đèn cũ tối tù mù thì rất vô lý”, anh Vũ bức xúc. Dù vậy, anh Vũ cũng phải đưa xe ra garage quen để thay lại dàn đèn.
Điều đáng nói là, bóng đèn cũ theo xe trước đây chỉ vài trăm ngàn, nay tăng hơn 2 triệu đồng, còn phải chờ đợi mấy hôm.
Tốn công sức bốc số chờ đợi mấy ngày đến lượt đăng kiểm nhưng cuối cùng anh Nguyễn Quang Đức, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh lại bất ngờ về chi tiết bắt buộc phải đi làm lại! Theo đó, chiếc Corolla Altis đời 2005 của anh buộc phải thay bánh mâm 8 chấu về lại mâm 4 chấu.
Thở dài, anh kể: “Bánh mâm này cách đây 6 năm bị hư đem ra garage họ tự thay. Mình đâu có muốn độ chế, nâng đời gì đâu, chưa kể 12 lần đăng kiểm trước đây vẫn ngon lành. Tôi gọi cho garage quen nhờ thay nhưng họ bảo loại bánh mâm zin theo xe đã hết hàng, 1 tuần nữa mới có, hiện chỉ có hàng Trung Quốc giá 8 triệu/cặp, bình thường hơn 4 triệu/cặp. Chủ garage giới thiệu, nếu thuê gắn tạm thời để đăng kiểm thì 2 triệu/ngày. Nghe thật choáng!”.
Chúng tôi bám theo chiếc xe Toyota Camry chạy chầm chậm rồi dừng lại trước một tiệm ô tô trên đường trên đường An Dương Vương (quận 5). Bước xuống xe là một người đàn ông trung niên, hỏi dịch vụ hạ đời xe (vì xe sản xuất năm 2011 nhưng “lên đời” 2018) để đi đăng kiểm. Thế nhưng, giá lại khá “chát”! Để trả lại nguyên trạng theo đúng đời tốn tầm khoảng 200 triệu đồng, vì chiếc xe đã lên đời tất cả “dàn áo”. Vẻ mặt người đàn ông khá khổ sở vì đây đã là nơi thứ tư hỏi giá, garage nào cũng tầm tầm như vậy.
Garage trúng đậm
Những ngày này, trên các tuyến đường chuyên kinh doanh phụ kiện ô tô như Trần Bình Trọng, An Dương Vương, Trần Phú… tấp nập người mua kẻ bán, nhiều cửa hàng không có để bán dù giá tăng gấp nhiều lần so với trước đó.
|
Ô tô xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6001S, tỉnh Đồng Nai |
Anh Trần Anh Tuấn, chủ garage trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình cho biết, mấy ngày gần đây nhu cầu thay thế phụ kiện, phụ tùng, sửa chữa rất cao, lúc nào garage cũng rơi vào tình trạng quá tải. Đồng thời, số lượng xe đến làm dịch vụ tháo gỡ các chi tiết vốn “độ” thêm tăng đột biến. Bản thân anh Tuấn cũng rất bất ngờ bởi vào quãng này hàng năm, xe đến garage chủ yếu dặm vá, tút làm đẹp là chính. Nhưng nay, phần lớn khách hàng yêu cầu tháo gỡ các phụ kiện như bodykit, các mẫu đèn, mâm, la-zăng xe vốn được nâng cấp để lắp lại theo chuẩn nguyên bản của xe.
Nhiều xe ô tô “độ” quá nhiều có khi phải chờ cả tuần, thậm chí 2 tuần mới có. Do cận ngày đăng kiểm, garage hỗ trợ khách quen mượn hoặc thuê lại phụ tùng nguyên bản để khách đăng kiểm. Tùy theo số lượng chi tiết, linh kiện và độ phức tạp khi tháo lắp, garage sẽ tính phí.
|
Thuê dịch vụ thay vỏ xe với giá 2 triệu đồng để đủ điều kiện đăng kiểm |
“Với các chi tiết đơn giản như đèn xe, cánh gió, la-zăng… chi phí tháo ráp từ 1 đến 2 triệu đồng. Với những xe độ nhiều, việc tháo, lắp các món phụ kiện mất nhiều thời gian có thể lên tới nửa ngày hoặc thậm chí hơn 1 ngày”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Thời điểm này, các thợ săn đồ cũ cũng “hét giá” rất cao, tầm vài chục triệu đồng cho một “dàn áo” - làm lại xe trở về nguyên bản. Tùy theo yêu cầu của khách, nếu một số phụ tùng thông dụng dễ kiếm, các garage cho thuê trung bình từ 2-5 triệu đồng, mang đến lắp ráp tận nơi.
“Khó khăn nhất là những dòng xe nhập khẩu, phải đặt hàng tầm 3 tháng mới có. Khổ sở hơn với những phụ tùng dòng xe cũ từ 10 năm trước, vì đa số hãng xe ngưng sản xuất. Chủ yếu các chủ garage phải đặt hàng mua từ chợ xe cũ ở Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Singapore…, săn lùng từ các bãi xe nghĩa địa”, anh Nguyễn, chủ một garage tại khu vực Tên Lửa (quận Bình Tân), cho biết.
Tình trạng quá tải lan rộng
Ngày 28-12, theo ghi nhận của PV báo SGGP từ các trung tâm, trạm đăng kiểm tại TPHCM, tình hình kiểm định đã “dễ thở” hơn. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT giải thích, hiện nay hầu như các phương tiện không còn xếp hàng dài trước các trung tâm đăng kiểm do đổi mới các thủ tục như đăng ký trước qua điện thoại, phát số thứ tự, đến hẹn mới đưa xe tới đăng kiểm. Đồng thời, sở khuyến cáo chủ phương tiện còn hạn đăng kiểm trên 3 ngày không cần thiết phải đăng ký làm kiểm định. Ngoài ra, người dân chủ động sửa chữa lại các hư hỏng hoặc chỉnh lại các chi tiết độ chế nên việc đăng kiểm thuận tiện hơn.
Thế nhưng, tại nhiều tỉnh tình trạng quá tải vẫn tiếp diễn. Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62-01S (tỉnh Long An), hàng trăm phương tiện xếp hàng dài chờ đến lượt kiểm định. Trung tâm phải cho nhân viên tăng thời gian làm việc lên 12 giờ/ngày. Vì lượng xe quá đông nên trung tâm đã phân công lực lượng bảo vệ túc trực bên ngoài để điều tiết, Thanh tra giao thông và CSGT cũng hỗ trợ giữ gìn trật tự khu vực. Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62-02D (cũng trên địa bàn tỉnh Long An) cũng xảy ra tình trạng tương tự, lượng xe đến đăng kiểm xếp hàng từ trong trung tâm kéo dài ra cặp theo tuyến quốc lộ 1A.
Tại tỉnh Sóc Trăng, phía trước Chi cục Đăng kiểm xe cơ giới 83-0V rất nhiều ô tô đậu nối đuôi, xếp hàng dài hơn 1km trên đường Trần Hưng Đạo để chờ vào đăng kiểm. Nhiều tài xế cho biết phải xếp hàng từ ngày hôm trước hoặc đến đợi từ 3-4 giờ sáng. Nguyên nhân của tình trạng quá tải là do trước đó Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị đăng kiểm 83-02D. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 2 đơn vị đăng kiểm, nên khi đơn vị đăng kiểm 83-02D bị đình chỉ các phương tiện sẽ đổ dồn về Chi cục Đăng kiểm xe cơ giới 83-01V dẫn tới ùn tắc.
Tỉnh Đồng Nai hiện có 6 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động nhưng do lượng xe từ TPHCM, Bình Dương đưa xe về đăng kiểm tăng đột biến nên xếp hàng dài. Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6005D, từ sáng sớm đã có hàng trăm xe ô tô các loại xếp thành 2 hàng dài chờ đăng kiểm. Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 6001S, lượng xe đăng kiểm lên tới khoảng 300 xe/ngày, tăng hơn 50% so với ngày bình thường. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo 6 trung tâm đăng kiểm làm tăng ca, tăng giờ từ sáng sớm đến 19 giờ tối để đảm bảo công tác đăng kiểm cho người dân; khuyến cáo đến các chủ xe, doanh nghiệp nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đến đăng kiểm.
Trong khi đó, tình trạng tại tỉnh Bình Dương cũng tương tự. Tại Trung tâm Đăng kiểm 61-6D những ngày gần đây, số lượng phương tiện đăng kiểm tăng đột biến, có nơi tăng đến 150% so với ngày thường, trung tâm phải tăng giờ làm từ 6 giờ 30, nghỉ lúc 19 giờ tối. Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 61-03D cho biết, lượng xe tới đăng kiểm trong ngày 27-12 là 140 phương tiện, tăng hơn gấp đôi so với trước đó, trong đó có cả các xe mang biển số từ TPHCM và các tỉnh. Bình Dương có 12 trung tâm đăng kiểm, chủ yếu trên địa bàn TP Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, trong những ngày qua được yêu cầu hoạt động tối đa công suất, sắp xếp nhân sự phù hợp để làm thêm giờ và làm thêm ngày thứ bảy…
HOÀNG BẮC - XUÂN TRUNG
Khám xét trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam
Ngày 28-12, Công an TPHCM cho biết, đơn vị chủ trì phối hợp với Công an TP Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam liên quan sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới ở TPHCM và nhiều tỉnh thành.
Quá trình khám xét công an thu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ, máy móc… Công an TPHCM cho biết, đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 43 đối tượng để điều tra về các hành vi “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”.
Như Báo SGGP đã thông tin, từ việc phát hiện nhiều xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật (cơi nới thùng, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, Công an TPHCM đã điều tra phát hiện dấu hiệu tội phạm tại nhiều TTĐK ở TPHCM và một số tỉnh thành. Từ đó, công an đã khám xét tại các TTĐK gồm: 60-03D (tỉnh Long An), 71-02D (tỉnh Bến Tre), 83-02D (tỉnh Sóc Trăng), 66-02D (tỉnh Đồng Tháp), 63-03D (tỉnh Tiền Giang) và các TTĐK ở TPHCM: 50-15D (TP Thủ Đức), 50-07V (quận Bình Tân), 50-10D (huyện Củ Chi), 50-17D (huyện Nhà Bè), qua đó xác định, giám đốc các TTĐK trên chỉ đạo nhân viên trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông, thu lợi gần 10 tỷ đồng.
CHÍ THẠCH
Quốc Hùng - Thanh Hải/SGGP