Quần thể khu sinh thái Cà Đam, huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) - nơi ông Hồ Văn Châu dựng chòi sống lẻ loi giữa rừng sâu suốt 20 năm qua. Căn chòi của ông Châu nằm giữa rừng sâu ở thôn Tang, xã Trà Bùi. Theo người dân địa phương, 20 năm trước, người đàn ông này rời làng vào sống cô độc trong rừng sâu mãi cho đến nay.
Ông Châu là người đồng bào dân tộc Cor nhưng biết được ba ngôn ngữ: Kinh, H’re và Cor. “Tôi sống ở rừng quen rồi nên ở làng đông đúc ồn ào không chịu được. Từ ngày vào đây, tôi dựng tổng cộng 5 cái chòi trên núi để ở, trong đó chủ yếu là lợp bằng lá sộp, mây, lồ ô... Hai năm trước, dân làng hỗ trợ vài tấm tôn để tôi làm lại chòi thứ 5 này để ở đến nay”, ông Châu nói.
|
Ông Hồ Văn Châu sống vui trong rừng sâu. |
Tận dụng thế núi tự nhiên, ông dựng chòi theo kiểu nhà sàn tựa trên ba tảng đá vững chãi. Gian bếp được ông bố trí trên tảng đá bằng phẳng vừa để nấu ăn, nước chè để uống vừa là nơi ngủ bên bếp lửa ấm áp về đêm.
Thời chiến tranh, dân làng nơi đây di tản vào sống ở rừng sâu, sau khi đất nước giải phóng đồng bào được đưa về định cư ở khu vực trung tâm xã. Khoảng năm 1996, lần đầu tiên nhìn thấy xe đào, xe ủi của Lâm trường Trà Tân san ủi mở đường, ông Châu phát hoảng đã rời khu định cư vào lại rừng sâu làm chòi lá sinh sống mãi đến nay. Ông Châu từng là du kích tham gia mở đường, vận chuyển vũ khí... hoạt động sôi nổi ở vùng căn cứ cách mạng Cà Đam, huyện Trà Bồng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Để vượt qua những mùa đông giá rét, ông Châu đã ủ lửa trong chòi và hút thuốc lá để làm ấm cơ thể. Thú rừng săn bắt được, ông luộc rồi phơi khô để dành ăn dần. “Người rừng mới” này còn dùng mật của nhiều loài thú hoặc trồng một số loại cây mai gan trên khu rẫy quanh căn chòi để chữa bệnh, giải độc.
Thương hoàn cảnh neo đơn của ông Châu, năm 2016, dân làng phát rẫy, tỉa lúa hay tặng một số giống rau giúp ông có thêm lương thực để sống giữa núi rừng. Mùa thu hoạch, ông tuốt lúa bằng đôi bàn tay sau đó mang về “mái ấm” của mình để trên giàn bếp sấy khô, dự trữ ăn dần. Người đàn ông đặc biệt này còn nghĩ cách dùng thân cây lồ ô, một số loại dây rừng làm bẫy thú để cải thiện bữa ăn và lấy mật làm thuốc chữa bệnh để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt giữa vùng sâu. Khu rẫy xung quanh căn chòi, ông Châu trồng nhiều loại rau lang, khoai mì, gừng, nghệ, ớt, quế, bầu bí, chuối...và nhiều loại cây mát gan dùng làm thuốc chữa bệnh, giải độc.
Hàng ngày, ông Châu chỉ ăn hai bữa chủ yếu là cơm gạo rẫy và rau rừng. Để có nguồn nước uống, nấu ăn, tắm rửa hàng ngày, ông dùng ống lồ ô kết nối làm máng dẫn nước từ suối về trước căn chòi sử dụng. Để chống chọi với tiết trời giá lạnh mùa đông giữa rừng sâu, ông Châu tích trữ thuốc lá, ớt và cây long pot (mỗi khúc củi long pot bằng sải tay có thể giữ lửa âm ỉ đến 3 đêm mà không tắt) vừa giữ lửa vừa sưởi ấm. Ông Châu cho rằng, niềm vui lớn nhất là thỉnh thoảng dân làng lên rừng thăm hỏi trò chuyện vui vẻ và hỗ trợ cho mình muối, bột ngọt, quần áo...
Ông Hồ Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Trà Bùi, cho hay trong kháng chiến chống Mỹ, ông Hồ Văn Châu từng tham gia du kích hoạt động cách mạng ở địa phương. Đất nước hòa bình, Nhà nước vận động bà con từ rừng sâu về định canh, định cư sinh sống ở khu vực trung tâm xã. Khoảng năm 1996, ông Châu rời làng lên sống ở rừng sâu mãi cho đến nay. Ông không có vợ, con và là em út trong gia đình có ba anh em trai. Vị chủ tịch xã cho biết thêm nhiều lần chính quyền địa phương lên rừng vận động về sống cùng người thân ở khu vực trung tâm xã nhưng ông quả quyết không chịu về với lý do “ở rừng quen rồi”. Xã đã giải quyết chế độ chính sách một lần đối với người từng là du kích, thanh niên xung phong; ngoài ra hàng tháng hỗ trợ chế độ neo đơn 405.000 đồng cho ông. Cháu ruột là Hồ Văn Nhồng đến xã nhận tiền, sau đó mua gạo, muối mang lên rừng cho ông.
Theo Sức khỏe và Đời sống