Thanh tra Chính phủ yêu cầu PVN kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về xăng dầu

Google News

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm về xăng dầu.

Tại Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa công bố, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra, nguồn xăng dầu trong nước chủ yếu do 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp, với sản lượng năm 2021 là 14,31 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng 63,3% thị trường tiêu thụ trong nước (năm 2021).
Thanh tra Chinh phu yeu cau PVN kiem diem, xu ly trach nhiem ve xang dau
 Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận Ủy quyền từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao tiêu sản phẩm) hiện tại bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (KDXD) theo phương thức đàm phán và phân loại khách hàng chưa theo phương thức đấu giá cạnh tranh. 
"Việc mua bán xăng dầu như trên là chưa khách quan, chưa đảm bảo cạnh tranh công khai, minh bạch.", kết luận nêu rõ.
Vì thế, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận ủy quyền từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, triển khai thực hiện việc đấu giá bán sản phẩm xăng dầu, bảo đảm việc mua bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch.
Kết luận cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, nhưng Bộ Công Thương không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối KDXD nhập khẩu xăng dầu theo Quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý; các thương nhân đầu mối KDXD nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị nên khi nhập khẩu xăng dầu về bán bị lỗ hoặc khó khăn, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã dừng không nhập khẩu xăng dầu.
Đến cuối năm, các đơn vị chưa nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức tối thiểu báo cáo Bộ Công Thương xin điều chỉnh. Mặc dù, các văn bản của thương nhân đầu mối KDXD không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định, nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận.
Các thương nhân đầu mối KDXD có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương, dẫn đến một số thương nhân đầu mối KDXD phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối KDXD còn lại, do đó nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết.
"Qua đó cho thấy, trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.", Thanh tra Chính phủ kết luận.
Trong một diễn biến khác, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc xác minh tài sản, thu nhập 56 người có chức vụ, quyền hạn tại một số cơ quan quản lý nhà nước và các tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Nội dung xác minh là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các bản kê khai tài sản, thu nhập tính đến ngày 31/12/2022; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với bản kê khai tài sản, thu nhập.
Thời hạn xác minh là 45 ngày kể từ ngày ban hành quyết định này. 
Bình Minh