Vụ việc cô gái 19 tuổi N.T.M quê Bình Định tố cáo thầy dạy yoga hiếp dâm đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh những vụ án hiếp dâm, dâm ô liên tục xảy ra trong thời gian qua.
Cụ thể, theo lời cô gái, thầy dạy yoga - một người quốc tịch Ấn Độ dùng vũ lực khống chế nữ học viên để thực hiện hành vi đồi bại ngay tại lớp học, đồng thời cũng là một căn hộ trong chung cư nằm trên đường Cao Đạt, phường 1, quận 5, TP HCM.
Sự việc xảy ra chiều 2/9 nhưng sau đó vài ngày, nữ học viên mới đến cơ quan công an để tố cáo người thầy Ấn Độ.
Dù theo lời khai của cô gái, việc sau nhiều ngày mới đến cơ quan công an tố cáo là do bị thầy dạy yoga uy hiếp đe dọa sau khi thực hiện hành vi đồi bại. Tuy nhiên, việc tố cáo chậm trễ của cô gái nhiều dư luận băn khoăn và có nhiều nghi vấn liên quan.
Bởi theo đơn trình báo của nữ học viên, thầy dạy yoga người Ấn Độ đã lợi dụng nạn nhân chỉ có một mình trong lớp học, dùng vũ lực khống chế để thực hiện quan hệ tình dục trái với ý muốn của nạn nhân. Hành vi này không chỉ có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm mà còn gây sự đau đớn bức xúc với cô gái về thể chất và tâm lý.
|
Ảnh minh họa. |
Lẽ ra trong sự bức xúc tột cùng khi bị cưỡng hiếp cô gái nên đến ngay cơ quan công an để trình báo sự việc bởi vụ việc đã xảy ra gần 1 tuần mới làm đơn tố cáo trong khi sự việc cũng không có nhân chứng sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra xác định người đàn ông có hành vi hiếp dâm hay không.
Tuy nhiên, phân tích về mặt tâm lý, rất có thể sau khi bị hiếp dâm, cô gái một phần do hoảng loạn, ảnh hưởng của tâm lý, một phần do xấu hổ và cảm thấy khó đối diện với những người xung quanh khi thông tin họ bị xâm hại tình dục được công khai, thậm chí họ thiếu niềm tin vào công lý, pháp luật, lo sợ vụ việc không được giải quyết đến cùng sẽ khiến bản thân phải tủi hổ, nhục nhã, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của chính họ. Bởi vậy, sau khi bị xâm hại, họ ngại ngần trong việc tố cáo để đưa sự thật ra ánh sáng.
Trường hợp này, cô gái cho biết, việc khai báo chậm là do bị uy hiếp, đe dọa, yêu cầu không được kể với ai. Đó cũng là tâm lý chung của đa số các nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục.
Chắc hẳn, cô gái ấy đã phải trải qua quá trình đấu tranh tâm lý và thấy cần phải tố cáo để "không để cô gái nào khác bị kịch bản hiếp dâm như mình" nên đã đến cơ quan công an tố cáo người thầy Ấn Độ có hành vi hiếp dâm mình.
Liên quan vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi, nếu sự thật đúng như lời cô gái tố cáo ông thầy Ấn Độ thì người này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây đang là giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm. Bởi vậy có thể cơ quan điều tra cấp quận huyện hoặc cơ quan điều tra Công an TP HCM đều có thể tham gia xác minh, làm rõ vụ việc.
Trường hợp nếu quá trình điều tra xác định hành vi phạm tội của người thầy dạy yoga là có thật như trong nội dung đơn tố cáo mà nếu khởi tố về tội hiếp dâm theo khoản 3, Điều 141 Bộ luật hình sự hình phạt có thể trên 15 năm tù thì thẩm quyền điều tra mới thuộc về cơ quan điều tra cấp tỉnh, thành phố.
“Theo quy định pháp luật thì thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện được điều tra, xử lý với tội phạm mà mức hình phạt tới 15 năm tù. Còn với tội phạm mà mức hình phạt trên 15 năm tù thì thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh không phụ thuộc người phạm tội là người Việt Nam hay người nước ngoài”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Luật sư Đặng Văn Cường dẫn điều 5 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được áp dụng pháp luật Việt Nam, do cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam xử lý, trừ trường hợp người phạm tội được miễn trừ ngoại giao hoặc có hiệp ước tương trợ tư pháp đa phương hoặc song phương có quy định về dẫn độ tội phạm hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên nếu Việt Nam và Ấn Độ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, chưa có thỏa thuận về dẫn độ thì khi khởi tố hình sự thì cơ quan điều tra Việt Nam sẽ tiếp tục điều tra, xử lý với đối tượng vi phạm.
Trường hợp xác định người thầy Ấn Độ có hành vi hiếp dâm thì theo quy định hình sự có thể bị phạt tù từ 2 năm tù giam đến tù chung thân.
Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hải Ninh