VUSTA ưu tiên số hóa dữ liệu cho chuyển đổi số

Google News

Việc số hóa và quản lý hiệu quả dữ liệu là một trong những ưu tiên chuyển đổi số của VUSTA giai đoạn đến 2030.

Với 156 hội thành viên, 3 đơn vị sự nghiệp, 575 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc cùng khoảng 2,2 triệu hội viên, dữ liệu là tài sản lớn nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Vì vậy, việc số hóa và quản lý hiệu quả dữ liệu này là một trong những ưu tiên chuyển đổi số của VUSTA giai đoạn đến 2030.
Nhiều đơn vị VUSTA tham gia chuyển đổi số mạnh mẽ
Chiều 18/12, VUSTA tổ chức hội thảo “Định hướng công tác chuyển đổi số của VUSTA”. Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Ban Khoa học công nghệ và môi trường VUSTA cho biết, công tác chuyển đổi số tại VUSTA đã được quan tâm thực hiện từ nhiều năm qua.
VUSTA uu tien so hoa du lieu cho chuyen doi so
 TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Ban Khoa học công nghệ và môi trường VUSTA phát biểu tại buổi hội thảo.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-LHHVN ngày 28.12.2020 của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) VUSTA đã thống nhất thông qua nội dung Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII “Phát huy tinh thần đoàn kết và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển VUSTA vững mạnh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong đó có nêu: “Tăng cường quản trị nội bộ, từng bước tin học hóa công tác quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ”.
VUSTA uu tien so hoa du lieu cho chuyen doi so-Hinh-2
 Quang cảnh hội thảo.
Hiện, VUSTA có 156 hội thành viên (bao gồm 93 hội ngành toàn quốc, 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); 03 đơn vị sự nghiệp và 575 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.
Hầu hết các liên hiệp hội tỉnh/thành phố đều có trang web để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; một số liên hiệp hội tỉnh/thành phố đã kết nối trực tiếp với Trục liên thông văn bản Quốc gia thông qua UBND cấp tỉnh như Bắc Giang, Phú Thọ...
Không chỉ trang bị hệ thống hạ tầng số, các cơ quan của VUSTA đã ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều hoạt động. Trong đó, VUSTA đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hội thành viên, đơn vị trực thuộc, các hội nghị quốc tế bằng hình thức trực tuyến; nhiều cuộc họp, hội thảo của VUSTA trong 4 năm qua đã sử dụng mã QR in trên tờ chương trình để quét tài liệu, không in ấn tài liệu nhằm thực hiện chuyển đổi số, góp phần tiết kiệm kinh phí, giấy in và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản (không phải văn bản mật) đã được các Ban, Văn phòng VUSTA scan gửi tới các tổ chức, cá nhân liên quan thông qua email, zalo để thông tin kịp thời và từng bước hạn chế gửi văn bản qua đường bưu điện.
Một số hội thành viên, đơn vị sự nghiệp và tổ chức tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc VUSTA đã có những hoạt động tham gia chuyển đổi số khá mạnh mẽ, như: Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số….
Đáng chú ý, trong hệ thống VUSTA có nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số. “Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Liên hiệp hội Việt Nam tập hợp chuyên gia, phát huy thế mạnh của nội bộ hệ thống, phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp có thế mạnh, kinh nghiệm về công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xây dựng đề án, kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới”, TS. Lê Công Lương cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Lê Công Lương, chuyển đổi số trong hệ thống vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, có việc chưa trang bị phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc của Cơ quan VUSTA; các văn bản, giấy tờ hành chính vẫn chiếm phần lớn trong các hoạt động quản lý, điều hành và thực hiện công việc của cơ quan.
Mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin của VUSTA còn thấp và thiếu, chưa đủ điều kiện để kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện, VUSTA chưa có chiến lược hoặc kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2030; chưa xây dựng đề án chuyển đổi số để đề nghị Nhà nước bố trí cấp kinh phí đầu tư cho công tác chuyển đổi số của VUSTA…
Ngoài ra, chưa có khảo sát, đánh giá thực trạng công tác chuyển đổi số tại các liên hiệp hội cấp tỉnh, các hội ngành toàn quốc, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.
Đưa ra định hướng trong thời gian tới, ông Lê Công Lương cho biết, VUSTA xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, trong đó có một số nội dung cần được quan tâm nghiên cứu triển khai.
Cụ thể, số hóa và quản lý dữ liệu các hội thành viên, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ cùng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong hệ thống; số hóa và quản lý cơ sở dữ liệu chuyên gia tham gia các hoạt động tư vấn phản biện giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức; phổ biến tri thức khoa học và công nghệ thông qua thư viện số, cổng thông tin tri thức của VUSTA; đào tạo và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, người lao động và hội viên trong hệ thống.
Đồng thời, VUSTA xác định trang bị phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc của Cơ quan VUSTA; kết nối Trục liên thông văn bản Quốc gia; xây dựng, hoàn thiện các văn bản từ chủ trương đến kế hoạch, chiến lược, phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực, đào tạo, nâng cao nhận thức và thống nhất hành động để thực hiện thành công chuyển đổi số tại Liên hiệp hội Việt Nam.
Đề xuất 3 giai đoạn chuyển đổi số
PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho hay, với hơn 2,2 triệu hội viên cùng 86 hội ngành toàn quốc, 63 liên hiệp hội địa phương và gần 580 tổ chức trực thuộc, dữ liệu là tài sản lớn nhất của VUSTA, tuy nhiên, dữ liệu này hiện phân tán và khó khai thác hiệu quả. Do vậy, cần số hóa và quản lý hiệu quả dữ liệu trí thức và tổ chức.
VUSTA uu tien so hoa du lieu cho chuyen doi so-Hinh-3
 PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số.
Theo PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh, trong giai đoạn 2025 – 2030, chuyển đổi số của VUSTA nên chia theo lộ trình với 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (2025 – 2026) - giai đoạn nền móng, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số chi tiết; triển khai số hóa dữ liệu và hệ thống quản lý; đào tạo đội ngũ nòng cốt chuyển đổi số trong toàn hệ thống.
Giai đoạn 2 (2026 – 2028) – giai đoạn tích hợp và mở rộng, cần phát triển các công cụ phục vụ phản biện và phổ biến tri thức; hoàn thiện thư viện số và cổng thông tin khoa học; tăng cường kết nối và hợp tác quốc tế qua nền tảng số.
Giai đoạn 3 (2029 – 2030) – giai đoạn hoàn thiện và mở rộng; theo đó, đồng bộ hóa toàn bộ hệ sinh thái số VUSTA, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa VUSTA trở thành trung tâm khoa học số hóa năng động.
Ông Nguyễn Minh Dũng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, theo quan điểm tại quyết định 36 của Chính phủ, hạ tầng thông tin và truyền thông, trong đó có hạ tầng số hay hạ tầng công nghệ là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian so với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ưu tiên phát triển theo định hướng Make in Viet Nam, sử dụng sản phẩm, giải pháp do người Việt Nam làm chủ nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia. Phát triển nền tảng số như một hạ tầng mới nhằm triển khai nhanh, toàn dân, toàn diện các hoạt động thiết yếu của xã hội trên mới trường số.
Dữ liệu là tài nguyên, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo ra vùng động lực mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ưu tiên nguồn lực phát triển điện toán đám mây, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực.
Đưa ra khuyến nghị triển khai tại VUSTA, theo ông Dũng, cần tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hạ tầng thông tin nội bộ có xử lý một lượng lớn thông tin cá nhân hoặc triển khai trên diện rộng. Trong đó, ưu tiên triển khai hệ thống thông tin trên các hạ tầng số (như Trung tâm dữ liệu, dịch vụ Điện toán đám mây) đã được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin ở cấp độ bằng hoặc cao hơn với cấp độ của hạ tầng thông tin để kế thừa các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin đã có.
 
Mai Loan