Trong thời gian cách ly toàn xã hội, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh…đã yêu cầu cách ly tập trung đối với những người đến, đi qua vùng dịch. Đáng chú ý, các địa phương cũng yêu cầu chi phí cách ly sẽ do người buộc phải cách ly tự chi trả.
Dư luận đặt câu hỏi, việc thu phí cách ly như trên có đúng theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm cho biết, đến ngày 7/4, Việt Nam đã có hơn 100.000 ca được yêu cầu cách ly tập trung trên toàn quốc. Dù dịch bệnh đã kéo theo nhiều thiệt hại với nền kinh tế nhưng Chính phủ vẫn “không bỏ lại ai phía sau” khi đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước, thực hiện cách ly tập trung và điều trị miễn phí cho Công dân Việt Nam. Đó là chính sách nhân đạo mà ít có quốc gia nào trên thế giới thực hiện được. Chính phủ đã dùng mọi khả năng để chống đỡ, bảo vệ công dân trên tất cả các mặt trận.
|
Hải Phòng quyết định chi trả cho người cách ly tập trung thay vì bắt họ phải tự trả chi phí. |
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, chi phí điều trị người mắc bệnh nhóm A được điều trị miễn phí. Nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được lấy từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn viện trợ, nguồn dự trữ quốc gia về phòng, chống dịch, Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Hàng năm, Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác. Quỹ hỗ trợ phòng, chống được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống dịch khác.
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Nguồn kinh phí này được cấp về từng địa phương, giao cho địa phương phân bổ sử dụng, giám sát. Trên cơ sở các nguồn kinh phí này, ngày 29/3/2020, Chính phủ đã ban hàng Nghị quyết số 37/NQ-CP.
Theo đó, mỗi người cách ly tập trung được “hỗ trợ” tiền ăn với mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế. Đây là mức Chính phủ có thể hỗ trợ người dân trong suốt quá trình cách ly.
Cùng với đó chi phí khám chữa bệnh miễn phí và còn rất nhiều khoản chi phí khác để đảm bảo đời sống của người dân bị cách ly, ví dụ các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ, phụ cấp chống dịch 200.000 đồng/ngày, 300.000đồng/ngày hoàn toàn miễn phí.
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, số người cách ly tập trung ngày càng tăng lên, nguồn kinh phí dự trữ và nguồn kinh phí viện trợ sẽ càng ngày càng cạn kiệt, Nhà nước sẽ vô cùng khó khăn. Tuỳ vào tình hình kinh phí của địa phương, có thể xem xét thu tiền ăn của người cách ly tập trung là hoàn toàn phù hợp.
Theo các quy định tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP, Thông tư 32/2012/TT-BTC hướng dẫn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đối với các trường hợp cách ly y tế, người cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Được cấp không thu tiền về nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành.
Đối với tiền ăn trong thời gian cách ly, đơn vị thực hiện cưỡng chế cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bảo đảm kịp thời, thuận lợi.
Tuy nhiên, chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả, ngân sách nhà nước hỗ trợ miễn phí tiền ăn cho các đối tượng là người nghèo.
|
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm. |
Do đó, việc một số tỉnh thành thu “tiền ăn” đối với các trường hợp bị cách ly tập trung thì không vi phạm quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 37/NQ-CP định hướng “hỗ trợ” tiền ăn, nhưng không rõ là hỗ trợ toàn bộ hay một phần. Để cẩn trọng, thiết nghĩ các tỉnh cũng nên xin ý kiến Chính phủ trước khi quyết định, đảm bảo tính thống nhất trong công tác phòng chống dịch.. tránh gây thắc mắc cho người dân.
“Đối với việc thu phí cách ly đối với người ngoại tỉnh thì không rõ căn cứ quy định nào, bởi luật chỉ quy định công dân Việt Nam hay người phải cách ly mà không quy định riêng người địa phương nào, hơn nữa việc thu toàn bộ phí cách ly cũng là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành”, Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết.
Hải Phòng quyết định chi trả phí cho người phải cách ly tập trung:
Ngày 6/4, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã ký quyết định 2496 về việc điều chỉnh một số nội dung đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Đáng chú ý, trong đó nêu rõ, đối với những trường hợp cách ly tập trung thuộc diện phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng tại văn bản 2449 và 2455, Thành phố quyết định sẽ chi trả phí phục vụ cách ly tập trung đối với người trước đây thuộc diện phải tự chi trả phí cách ly kể trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày
Tâm Đức