Vượt ngục tìm vũ khí giải thoát đồng đội
Côn Đảo không chỉ là những trận đòn tra tấn hiểm ác về thể xác của kẻ thù mà đau đớn hơn cả là sự tra tấn về tinh thần, tư tưởng. Những tháng năm quằn quại sống trong lao tù, hầu hết các anh em tù không ai dám nghĩ đến chuyện vượt ngục, bởi một nhà tù được xây dựng kiên cố giữa biển khơi thì chuyện vượt ngục quả là xa vời.
Tuy nhiên, ngày 2/10/1966, người tử tù Lê Hồng Tư và đồng đội đã gây ra một sự kiện trở thành dấu ấn đậm nét trong lịch sử tồn tại của nhà tù này. Về sau, người ta vẫn thường nhắc đến như một minh chứng cho ý chí quật cường của các chiến sỹ cộng sản. Đó là sự kiện vượt ngục của 3 tử tù.
Đêm tháng 2 năm ấy, người sinh viên yêu nước Lê Hồng Tư đã cùng đồng chí Lê Văn Việt (lính biệt động lừng danh phá hủy tòa đại sứ Mỹ) và chiến sĩ đặc công Phạm Văn Dẩu đã dũng cảm trổ mái ngói khám tử hình vượt ngục. Dù bị còng chặt chân, nóc phòng tù tử hình lại cao chót vót, thế mà những người tử tù ấy đã tìm cách tháo cùm, công kênh nhau trổ nóc phòng giam, vượt tường đầy mảnh chai, kẽm gai đào thoát để đi tìm vũ khí giải thoát đồng đội.
Đưa mắt nhìn xa xăm, nhớ lại những ngày tháng lao khổ, ông kể lại: "Lúc đấy, 3 anh em lên kế hoạch vượt ngục để đi tìm vũ khí giải thoát đồng đội, chứ không phải muốn bỏ trốn khỏi đây. Nhiều anh em cùng buồng giam khi thấy chúng tôi vươt ngục cũng có ý định xin đi theo, nhưng nghĩ đi đông mà không có vũ khí thì càng dễ chết, nên động viên anh em ở lại để chúng tôi đi trước tìm vũ khí.
|
Sinh viên yêu nước Lê Hồng Tư năm 1975. |
Khoảng 1 giờ đêm, khi bọn lính ngủ say, 3 anh em chúng tôi trèo tường lên dỡ ngói, lấy ống quần thắt lại làm dây leo qua tường để ra ngoài. Khi thoát ra ngoài, 3 anh em tìm thang trèo lên tháp canh thủ tiêu tên lính gác để vượt hàng rào cao hơn 5m ra ngoài nữa.
Sau khi vượt tường mảnh chai, ra hẳn được bên ngoài thì lúc đó trời tối thui như mực, không thấy đường đi. Đang đi thì tôi vô tình đạp phải cái lon gây tiếng động, thế là địch phát hiện. Chúng gõ kẻng báo động ầm ĩ và xua quân đi truy bắt 3 anh em chúng tôi. Thấy chúng đuổi theo sát quá, tôi phải rẽ hướng khác để đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho anh Việt và anh Dẫu chạy lên núi".
Thất lạc 2 đồng đội, Lê Hồng Tư chỉ biết nhìn hướng núi để chạy. Tuy nhiên, chạy chưa được bao lâu thì phải tìm chỗ ẩn nấp vì bị phục kích quá nhiều. Bọn chúng ném đá, đưa chó săn đi lùng sục từng bụi cây, vách đá. Sau 2 ngày ẩn nấp dưới mương, rồi nằm bẹp bên bờ suối, bắt cua đá và nhái để ăn sống, cuối cùng ông cũng bị địch bắt được.
|
Tái hiện cảnh đánh đập tử tù tại nhà tù Côn Đảo. |
Đồng chí Lê Văn Việt và Phạm Văn Dẫu sau khi thất lạc, Lê Hồng Tư thì tìm được nơi ẩn náu tại chùa Hòa Sơn Tự ngay trong thị trấn. 8 ngày sau cuộc vượt ngục, 2 đồng chí cũng bị bắt trong lúc đột nhập vào một trạm gác để kiếm vũ khí và đồ ăn.
Chúng đưa tất cả về hầm đá Trại 2 tra tấn dã man để trả thù những ngày truy lùng vất vả, đồng thời khủng bố tinh thần những tù nhân khác. Do biết Lê Văn Việt là biệt động Sài Gòn nổi tiếng, lại cầm đầu chuyến vượt ngục nên địch tra tấn ông dã man, đánh đến hộc máu, chết ngay trên tay đồng đội ngày 12/10/1966.
Trước khi mất, Lê Văn Việt vẫn dùng hơi thở cuối dùng để dặn dò những người còn sống: "Khi về nhớ báo cáo lại với Đảng là Nguyễn Văn Hai đã giữ tròn khí tiết người cộng sản".
Cái chết của người tù kiên cường đã làm nổ ra một cuộc đấu tranh lớn ở Trại 2. Bọn địch đàn áp rất mạnh tay, Lê Hồng Tư và Phạm Văn Dẫu bị đánh không thể đứng nổi, bất tỉnh nằm la liệt, bị bọn chúng kéo lết trên đá rồi tống vào hầm biệt giam.
"Sau khi bắt chúng tôi về rồi tra tấn bằng đủ thứ roi đòn, bọn chúng tống chúng tôi vào phòng biệt giam, không cho mặc quần áo, chỉ cho mấy lá bàng để làm vệ sinh. Bọn chúng tăng cường cảnh giác, rải thêm mảnh chai và thép gai trên mái nhà để đề phòng chúng tôi lại vượt ngục", nói đến đây, ông Lê Hồng Tư lại rùng mình.
"Học để trở thành người chết có văn hoá"
Nhắc lại những bi thảm của chiến tranh không bao giờ là chuyện vui. Nhưng có những điều thỉnh thoảng nhắc lại, nó khiến chúng ta tự hào và cảm thấy đáng học hỏi.
Đối với cựu tử tù Lê Hồng Tư, ngoài những lần hiên ngang chất vấn bảo vệ Đảng trước nguỵ quyền, những cuộc vượt ngục làm nên lịch sử, thì lớp học trong thời khắc "không biết sống chết khi nào" là ký ức không thể nào quên.
Trong những ngày tháng tại Côn Đảo, tranh thủ thời gian rảnh những người tử tù vẫn cố gắng lén lút, giấu quản ngục để tổ chức học văn hoá và chính trị, với mong muốn phổ biến kiến thức.
Thời ấy, Lê Hồng Tư cùng Lê Quang Vịnh và Lê Văn Thành trở thành những người thầy "bất đắc dĩ". Vì phần lớn anh em tử tù đều là chiến sĩ cơ sở nên trình độ văn hoá thấp, nắm rõ được điều đó nên các "thầy" tổ chức lớp học văn hoá từ 5 - 10 người, dạy theo trình độ tương đương.
Nhắc lại các giờ học trong buồng giam, cựu tử tù Lê Hồng Tư cười hiền: "Hồi đó, tôi với anh Vịnh và anh Thành là người Sài Gòn nên trình độ khá hơn. Anh Vịnh trước khi bị bắt giam là giáo viên dạy cấp 3, tôi thì dạy cấp 2, rồi anh Thành thì dạy cấp 1, nên tổ chức dạy để giúp đỡ anh em học tập. Lúc nào rảnh rang không bị quản ngục giám sát gắt gao thì lại trốn để học.
Học thì không có dụng cụ gì, phải nhặt những cục san hô hoặc miếng ngói bên ngoài, vào viết trên nền xi măng để học. May mắn là anh em cũng tích cực học tập, người đi trước thì chỉ nguời đi sau. Tuy nhiên, cũng có nhiều người ngán ngại, vì bản thân là tù tử hình, biết sống chết ngày nào mà học".
Khi thấy một số anh em sắp buông xuôi không chịu học, Lê Hồng Tư đã lấy câu chuyện của anh "Chín heo", trước kia là tù tử hình thời Pháp ra kể để động viên: "Lúc trước anh Chín heo cũng học như tụi mình giờ vậy, khi anh ấy đang học thì tên quản ngục người Pháp mới hỏi sắp chết rồi còn học làm gì? Lúc này anh ấy mới trả lời "Học nếu không chết sẽ trở thành người có ích hơn, nếu chết sẽ là người chết có văn hoá", vì thế mọi người phải cố lên".
Sau khi Lê Hồng Tư lấy câu chuyện anh "Chín heo" ra động viên, tất cả tử tù lại bừng ý chí học tập trở lại. Những ngày tháng bị giam cầm và tù đày tại Côn Đảo, những tử tù chưa từng biết đọc viết nãy đã có thể đánh vần, viết chữ.
Theo Thy Huệ/VTC News