Việt Nam có đàm phán mua vaccine COVID-19 của Trung Quốc hay không?

Google News

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với các đối tác khác trên thế giới để có thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 25/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan vaccine COVID-19.
Khi nào thực hiện việc tiêm vaccine COVID-19 cho công dân đầu tiên của Việt Nam?
Trả lời câu hỏi khi nào Việt Nam sẽ thực hiện việc tiêm vaccine COVID-19 cho những công dân đầu tiên của Việt Nam?, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, những liều vaccine đầu tiên đã về đến Việt Nam vào ngày 24/2 vừa qua.
Song song với việc chuẩn bị các đề xuất, kiến nghị về các đối tượng được tiêm vaccine, Bộ Y tế cũng đang khẩn trương chuẩn bị các kế hoạch, các kịch bản và huy động tối đa các lực lượng, tập trung tối đa các nguồn lực để có thể triển khai tiêm vắc xin nhanh và đảm bảo độ bao phủ.
Viet Nam co dam phan mua vaccine COVID-19 cua Trung Quoc hay khong?
 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
“Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ Y tế về việc có thể tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài đến đưa tin việc tiêm vaccine cho người dân Việt Nam. Tất nhiên phải đảm bảo, thoả mãn các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ cũng như là phòng, chống dịch bệnh” – bà Hằng nói.
Việt Nam có kế hoạch cho phép tiêm người nước ngoài không?
Khi được hỏi về việc liệu chính quyền Việt Nam có kế hoạch cho phép tiêm người nước ngoài không, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Như báo chí Việt Nam đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình nghị quyết về tiêm vaccine và những đối tượng được ưu tiên.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam sáng 24/2 vừa qua, Bộ Y tế đã có đề xuất đầu tiên về các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm.
Trước tiên là các lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch bao gồm nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, kể cả báo chí...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; những người mắc các bệnh mạn tính; những người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Đây là những đề xuất ban đầu của Bộ Y tế do đó chúng ta sẽ phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ.
Viet Nam co dam phan mua vaccine COVID-19 cua Trung Quoc hay khong?-Hinh-2
 Lô vaccine COVID-19 đầu tiên về Việt Nam.
Việt Nam có đàm phán mua vaccine của Trung Quốc hay không?
Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng trả lời câu hỏi về việc hiện nay, một số nước trong khối Asean như Singapore, Philippines, Indonesia đã đặt mua vacccine COVID-19 của Trung Quốc, liệu Việt Nam có kế hoạch mua vaccine của Trung Quốc không.
"Ngoài những nguồn vaccine như tôi đã nêu ở trên, hiện nay Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với các đối tác khác trên thế giới để có thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước" - bà Hằng cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Việt Nam có đang xem xét khả năng mua vaccine của Nga, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã và đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất và các nguồn cung cấp vaccine trên thế giới, trong đó có COVAX Facility, nguồn vaccine của AstraZeneca, nguồn vaccine của Pfizer và nguồn vaccine Sputnik V của Nga, để có thể triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Ngày 24/2, lô 117.600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã về tới Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực cao để triển khai nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước.
Hiện nay, việc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trong nước vẫn đang theo đúng tiến độ. Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp và đảm bảo quá trình bảo quản theo điều kiện của Việt Nam.
Xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước một cách an toàn
Trả lời câu hỏi về kế hoạch mở lại các đường bay hồi hương công dân và các đường bay thương mại, Người Phát ngôn khẳng định: Vừa qua trong bối cảnh do những biến thể, những chủng mới của COVID-19, làn sóng phức tạp của COVID-19 ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như diễn biến phức tạp vào cuối tháng 1 vừa qua tại Việt Nam, Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước một cách an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, cũng như ở Việt Nam và đặc biệt là năng lực cách ly trong nước.
Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, cũng nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi với các đối tác ở các nước có hệ số an toàn cao về việc có thể nối lại các đường bay thương mại, thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này.
Đối với một số đối tác cũng có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng hàng không của Việt Nam cũng nghiên cứu và trao đổi về các quy trình và thời điểm cụ thể khi nào có thể tiến hành nối lại các chuyến bay.
13 người Việt Nam tại Campuchia mắc COVID-19
Khi được đề nghị thông tin thêm về tình hình người Việt mắc COVID-19 ở Campuchia trong đợt bùng phát mới nhất? Có bao nhiêu người bị lây nhiễm?, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, Campuchia, tính đến sáng ngày 25/2, Bộ Y tế Campuchia đã công bố có tổng số 195 ca nhiễm. Thông tin ban đầu cho biết trong số đó có 13 người Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ với chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng địa phương để xác minh thông tin, đề nghị quan tâm, tích cực cứu chữa, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
Theo thông tin được biết, ngay sau khi được xác định là dương tính với COVID-19, những bệnh nhân này đã được cách ly, nhập viện và điều trị kịp thời tại các bệnh viện và cơ sở y tế tại Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal theo chỉ định của Bộ Y tế Campuchia. Tình trạng sức khỏe đến nay đều ổn định.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh gần đây tại Campuchia, các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng chủ động liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt tại Campuchia, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia để kịp thời cập nhật các diễn biến và thông tin mới liên quan đến dịch bênh; đồng thời đẩy mạnh vận động, tuyên truyền và yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Campuchia cần thực hiện nghiêm các quy đinh phòng chống dịch bệnh của sở tại.
Đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia (+85-597-702-0561)cũng như đường dây nóng của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (84-981-848-484) luôn sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về các trường hợp cần trợ giúp hay các thông tin về người Việt Nam mắc bệnh hoặc gặp nạn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ Vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam

Nguồn: VTV1

Hải Ninh