Ai là thủ phạm “gây ngập”?
Trận lũ lụt lịch sử mới đây ở tỉnh Phú Yên đã gây thiệt hại nặng nề 9 người chết, gần 30.000 ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn ha hoa màu, gia súc, gia cầm, tài sản, lương thực, thực phẩm bị lũ cuốn trôi, hư hỏng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân một phần do Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) nâng lượng xả lũ từ 4.000 m3/s lên 9.000 m3/s chiều 30/11 khiến nước lũ lên nhanh, người dân không kịp trở tay.
Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ khi trao đổi với báo chí cho biết, việc xả lũ trên để điều tiết lượng nước trong hồ chứa khi hai thủy điện trên cao xả lũ, nước đổ về dồn dập. Ông Lý thừa nhận, việc hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với công suất lớn, liên tục tăng lưu lượng phần nào gây ngập nhà dân dưới hạ du.
|
Chiều ngày 30/11 hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả tràn và chạy máy là 9.400m3/s. (Ảnh: Báo Phú Yên). |
Tuy nhiên, theo ông Lý, những ngày qua xảy ra mưa lớn ở Tây Nguyên nên 2 thủy điện phía phía trên thủy điện sông Ba Hạ xả lũ và chảy qua tràn quá lớn với tổng lượng xả đạt 10.000 m3/s. Thủy điện sông Ba Hạ là thuỷ điện cuối cùng trong bậc thang nên khi thượng nguồn xả nước quá lớn, nhà máy này phải xả theo.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tại thời điểm ngày 30/11, do mưa rất to nên 2 hồ thủy điện phía trên xả nước về hồ Sông Ba Hạ một lượng quá lớn, khiến tỉnh bất ngờ. Từ đó, Phú Yên quyết định điều hành xả lũ linh hoạt, khi triều chưa đạt đỉnh thì cho xả tối đa và giảm dần để cân bằng lượng nước khi thủy triều lên. Nếu không điều hành xả lũ linh hoạt, để xả lũ liên tục khi triều cường đạt đỉnh thì vùng hạ du có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Phú Yên, cho biết, Gia Lai cho các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn xả lũ xuống hạ du với lưu lượng lớn nhưng không thông tin, thông báo dù theo quyết định của Thủ tướng, Gia Lai phải có trách nhiệm thông báo cho Phú Yên khi ban hành lệnh vận hành hồ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai khi trao đổi với báo chí lại cho rằng, các chủ hồ phải có trách nhiệm thông báo cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên và các huyện ven sông Ba.
Chuyên gia lý giải nguyên nhân
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho biết, bản thân ông đã từng nghiên cứu về việc xả lũ tại sông Ba Hạ.
Chuyên gia Đào Trọng Tứ dẫn lại nghiên cứu trước đây cho biết, theo báo cáo của Công ty Thủy điện sông Ba Hạ, thời điểm lũ lớn đến từ thượng lưu và trong khu vực, ngày 1/11/2009, hồ chứa đã đầy hồ và không có khả năng chứa thêm mà lẽ ra phải giảm mực nước chứa. Do đó, khi lũ tiếp tục đến đe dọa đến an toàn công trình buộc phải xả lũ. Thời điểm ấy lượng lũ xả lúc nửa đêm lên đến 13400m3/s, thiệt hại gây ra cho hạ lưu là không tránh khỏi.
Kết quả tính toán lũ cho thấy, hoàn nguyên lũ, thủy điện sông Ba Hạ đã tham gia làm tăng lên lưu lượng xả lũ khoảng 1780m3/s. Ngoài lưu lượng tự nhiên, thủy điện sông Ba Hạ cũng góp tăng vào lưu lượng xả lũ. Kết quả cũng cho thấy, xả lũ thủy điện sông Ba Hạ không phải nguyên nhân chính gây nên thiệt hại cho hạ lưu công trình, nguyên nhân chính do lũ lớn tuy nhiên do công trình không có dung tích phòng lũ hạ lưu và lũ lớn hồ chứa đã đầy không giúp cho giảm lũ hạ lưu bảo vệ công trình mà bản thân công trình lại xả thêm nước trong công trình ra hồ chứa làm gia tăng 10% lũ tự nhiên.
|
PGS.TS Đào Trọng Tứ. |
Chuyên gia Đào Trọng Tứ cho biết đã từng kiến nghị việc, sông Ba Hạ rất gần khu vực kinh tế dân cư đông đúc của Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên. Sự an toàn của công trình và vận hành thủy điện sông Ba đặc biệt mùa lũ có tầm quan trọng đối với sự toàn của vùng kinh tế quan trọng ,dân cư đông đúc. Để đảm bảo an toàn phải thực hiện giảm lũ cho hạ lưu khi xảy ra lũ lớn. Do đó, chủ đầu tư thủy điện sông Ba Hạ cần phải xem xét lại quy trình vận hành hồ chứa mùa lũ, hồ chứa phải có dự trữ dung tích nhất định để chống lũ cho hạ lưu, cần phải có quy trình vận hành liên hồ để bảo đảm phối hợp với các hồ chứa trên thượng nguồn.
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng, liên quan việc xả lũ mới đây của Thủy điện sông Ba Hạ để trả lời câu hỏi có phải bất khả kháng hay không, hồ chứa bao giờ cũng nói làm đúng quy trình. Vấn đề thủy điện sông Ba Hạ đã báo cho người dân biết chưa, hồ chứa trước khi lũ đến ở trong tình trạng nào? Nếu trước khi lũ đến mà vẫn trong tình trạng đầy hồ thì là câu chuyện khác. Dù hồ nhỏ hơn 300 triệu m3 nhưng vẫn có dung tích phòng lũ, vấn đề có để trống dung tích phòng lũ hay không, phối hợp với các hồ trên thượng nguồn như thế nào?
“Trường hợp bất khả kháng là khi anh đã làm đầy đủ chức trách mà lũ vẫn đến lớn nhưng đã làm câu chuyện đó chưa, báo cho địa phương trước bao tiếng trước khi xả lũ”, ông Tứ nói.
Chuyên gia Đào Trọng Tứ cho rằng, đây là một câu chuyện đã nói rất nhiều về vấn đề của các hồ chứa. Chuyện bất khả kháng là một phần nhưng câu chuyện vận hành của các hồ chứa trước lũ là vấn đề lớn.
"Trước lũ phải xả đi nhưng họ lại chứa đầy lên. Khi lũ về buộc phải xả không chỉ lượng nước đến tự nhiên do mưa mà phải xả cả lượng nước trong hồ. Rõ ràng gây nên tác động rất ghê gớm. Nếu hệ thống hồ chứa có dự báo trước thì hoàn toàn có thể chủ động, kể cả phải tháo cạn hồ để bảo đảm an toàn”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
Xả lũ không báo trước, không đúng quy định, gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu xả lũ không báo trước hoặc không đúng quy định mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của người dân thì đơn vị xả lũ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Lũ lụt là hiện tượng thiên nhiên theo mùa, năm nào cũng xảy ra. Mưa lũ mang đến những giá trị tích cực về phù sa, thủy sản, cân bằng sinh thái... Tuy nhiên những tác động tiêu cực mà lũ lụt mang đến cho con người là vấn đề mang tính xã hội, được xếp vào nhóm thiên tai. Bởi vậy, dự báo về tình hình lũ, đưa ra những giải pháp ứng phó với lũ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, những năm gần đây các đập thủy điện mọc lên rất nhiều trên các con sông khiến dòng chảy bị thay đổi, quy luật tự nhiên cũng bị tác động bởi con người. Khi mùa lũ tới thì dòng nước lũ không theo quy luật tự nhiên nữa mà sẽ bị tác động bởi việc xả lũ của các hồ chứa thủy điện. Để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người dân, để giảm bớt thiệt hại thì pháp luật quy định việc Xây dựng đập thủy điện, quản lý khai thác đập thủy điện, đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai phải theo quy trình, quy định. Việc xả nước hồ thủy điện phải có báo trước để người dân có công tác chuẩn bị, ứng phó.
Hiện nay, các quy định của pháp luật về quản lý hồ chứa nước, đặc biệt là quy định về việc giảm lượng nước trong hồ thủy điện để đảm bảo an toàn đập vẫn còn thiếu các quy định liên quan đến thủ tục xả nước, về quy trình quy định thông báo dẫn đến tình trạng việc thông báo với thời gian rất ngắn khiến người dân không kịp trở tay. Bởi vậy, Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần ra soát các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện các quy định về bảo vệ an toàn đập nước, bảo vệ tính mạng sức khỏe của người dân, tài sản của người dân khi giảm lượng nước trong các đồng hồ thủy điện làm ra tăng lưu lượng lũ trong mùa lũ.
Trường hợp đơn vị khai thác đập thủy điện vi phạm quy định về quản lý đập, vi phạm quy định về phòng chống thiên tai gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân thì phải bồi thường thiệt hại và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để xem xét trách nhiệm pháp lý, thu thập các thông tin dữ liệu làm cơ sở cho việc quản lý đê điều, phòng chống thiên tai, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong mùa lũ. Nếu phát hiện có sai phạm thì cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xử lý nghiêm thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép:
Hải Ninh