Tuyến đê sông Cầu Chày dài hàng km qua huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa dù mới được tu bổ, sửa chữa, đưa vào sử dụng chưa lâu đã có dấu hiệu nứt vỡ, nhiều đoạn xuống cấp. Tình trạng trên khiến hàng ngàn hộ dân sống ven đê không khỏi bất an, lo lắng trước mùa mưa lũ.
Ghi nhận thực tế cho thấy tuyến đê hư hỏng, lún nứt mặt bê tông khắp nơi. Đặc biệt, nhiều vết nứt nằm giữa thân đê chạy dài, tạo thành những khe lớn. Ngoài ra, nhiều nơi mặt đê vỡ nát, xuất hiện những điểm lún trên mặt đê.
|
Đây là một trong những tuyến đê xung yếu của huyện Thọ Xuân |
Theo người dân địa phương, dọc tuyến đê sông Cầu Chày thường ngày có rất nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng chạy ầm ầm trên tuyến đê. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho tuyến đê hư hỏng, xuống cấp, mặc dù ở dọc các điểm giao nhau trên đê, vẫn có gắn barie kiểm soát tải trọng.
Một mặt khác, cũng có nhiều nghi vấn về chất lượng thi công của nhà thầu đối với tuyến đê này.
Tuyến đê cấp IV này thuộc Dự án tu bổ, nâng cấp đê tả, hữu sông Cầu Chày huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng với mục tiêu là đảm bảo an toàn, ổn định cho tuyến đê và công trình trên đê theo tiêu chuẩn thiết kế; chủ động phòng chống lũ, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng hưởng lợi của dự án.
|
Quyết định số 4870/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa |
Dự án do UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2018-2022, nguồn vốn huy động từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác (ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách huyện Thọ Xuân và các nguồn khác – nếu có), theo Quyết định số 4870/QĐ-UBND ngày 14/12/2017 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, ký.
Được biết, đê sông Cầu Chày là một trong những tuyến đê xung yếu của huyện Thọ Xuân, bảo vệ an toàn cho các xã dọc theo dòng sông.
|
Chiếc máy xúc hàng trăm triệu đồng của Công ty Miền Tây được đẩy xuống cứu đê trong trận lụt năm 2017 Ảnh tư liệu |
Trận lụt năm 2017, một đoạn đê thuộc địa bàn xã Xuân Minh bất ngờ rạn nứt và vỡ. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, bộ đội, dân quân tự vệ, lãnh đạo các địa phương, trong đó có ông Lê Anh Xuân, Bí thư Huyện ủy; ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cũng mặc áo phao trực tiếp chỉ đạo xe ô tô đổ đất, đá, cọc tre, luồng, rọ sắt tìm cách ngăn chặn dòng nước lũ. Thậm chí, 1 chiếc máy múc trị giá hàng trăm triệu đồng của Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Đầu Tư Phát Triển Nông Thôn - Miền Tây (Công ty Miền Tây) cũng được đẩy xuống dòng nước lũ vá đê, cứu hàng ngàn người dân đang bị đe dọa.
Sau đó, Dự án tu bổ, nâng cấp đê tả, hữu sông Cầu Chày huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã được phê duyệt. Những thông tin cụ thể về dự án này, chúng tôi sẽ chuyển tiếp tới quý vị độc giả trong những bài viết tiếp theo.
Cận cảnh tuyến đê sông Cầu Chày bị bị hư hỏng, xuống cấp khiến người dân bất an ở Thọ Xuân, Thanh Hóa:
|
Mặt đê bị bong tróc, nham nhở |
|
Nhiều đoạn mặt đê sụt lún |
|
Những vết nứt toác chạy dài |
|
Barie kiểm soát tải trọng được lắp nhiều điểm trên đê. Tuy nhiên, dù chuyện xe chở vật liệu xây dựng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đê xuống cấp, vẫn có những nghi ngờ về chất lượng thi công công trình |
|
Không chỉ nứt toác, sụt lún, bê tông mặt đê còn vỡ nhiều nơi |
|
Có những đoạn đê được chắp vá, tạm bợ |
|
Tuyến đê này được đánh giá là một trong những tuyến đê xung yếu của huyện Thọ Xuân, bị thiệt hại nặng trong trận lũ năm 2017. Sau đó, dự án tu bổ, nâng cấp được phê duyệt với tổng giá trị trên 119 tỷ đồng theo Quyết định số 4870/QĐ-UBND |
|
Thân đê có dấu hiệu nứt vỡ, đoạn giáp với địa bàn huyện Thiệu Hóa |
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin
Nhóm PV