Lớp học “số phận” chốn thâm sơn

Google News

(Kiến Thức) - Sau tai nạn thập tử nhất sinh, từ chàng trai khoẻ mạnh trở thành một người tật nguyền và tưởng chừng tương lai phía trước đã vĩnh viễn đóng sập cánh cửa...

Từ TP Yên Bái, phải mất 3 tiếng đồng hồ đi xe máy hoặc một tiếng đi đò qua hồ Ba Bể mới có thể đến được xã Cảm Nhân của huyện Yên Bình. Một xã nghèo với đa số là người dân tộc Tày sinh sống trong những bản làng vẫn còn heo hút nên nhiều trẻ em phải bỏ học giữa chừng vì không thể theo đuổi con chữ. Nếu có đi chăng nữa, thì con chữ cũng rơi rụng dần theo những cung đường trơn trượt miền sơn cước. Ấy vậy, mà ở chốn cùng cốc này lại có một lớp học đặc biệt.
Thầy giáo Lý Xuân Tuyến và các em học sinh trong một giờ học tiếng Anh.  
Lớp học đặc biệt
Và người thầy cũng vô cùng đặc biệt. Đặc biệt bởi nếu những người thầy khác đứng trên bục giảng để dạy cho học sinh con chữ thì người thầy trong lớp học này lại phải nằm yên một chỗ. 
Ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng ở bản Phạ là lớp học của thầy Lý Xuân Tuyến. Thầy Tuyến là người dân tộc Tày, sau một tai nạn xe máy, từ chàng trai khoẻ mạnh được nhiều cô gái đem lòng yêu mến theo đuổi, bỗng chốc thành tật nguyền với đôi chân ngày càng teo lại không thể đi lại được.
Tưởng mọi chuyện với Tuyến đến đây là kết thúc, nhưng không ngờ anh lại mở ra được một lớp học đặc biệt cho trẻ em miền núi ở Cảm Nhân. Hôm chúng tôi đến, có hàng chục học sinh đang quây quần bên những chiếc bàn trong ngôi nhà đơn sơ ấy. Người thầy nằm trên giường, điều khiển vi tính dạy tiếng Anh và môn Toán cho học sinh. 
Anh Tuyến cho hay, lớp học được mở từ năm 2010 tức là sau 4 năm chữa trị không thành công và vĩnh viễn trở thành tật nguyền. Qua nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết tâm mở cho kỳ được lớp học này để dạy cho các em những kiến thức mới. 
Lớp học của anh Tuyến đến nay gồm hàng trăm học sinh từ khắp các xã của huyện Yên Bình. Vì nhà chật nên anh Tuyến chia ra theo các giờ học khác nhau, mỗi lớp với hơn chục học sinh để dễ dàng trong việc dạy và học. Tuy vậy, học sinh trong lớp học đặc biệt này đều rất đông đủ và đúng giờ. Thầy dạy đến đâu, trò hiểu đến đó. Nhiều em trong số học sinh của anh Tuyến đại diện cho trường đi thi cấp huyện, cấp tỉnh đều đạt những giải thưởng cao.
Nhiều phụ huynh thấy thế thì đến nhờ anh kèm cặp con em với mức thù lao khá hậu hĩnh. Nhưng anh đều từ chối tiền bạc, bởi với anh dạy học là một công việc không thể đo đếm bằng tiền. Dù khó, dù khổ nhưng mục đích cuối cùng của anh là dạy cho học sinh miền quê nghèo cái chữ, để các em không thua bạn kém bè, nhất là với các em miền xuôi hay thành phố. 
Sau tai nạn, anh Tuyến phải nằm một chỗ.
Vẫn còn đôi tay
Khi lớp học tan, cũng là lúc những nụ cười trên môi người thầy tật nguyền tắt lịm. Anh chính thức trở về đúng nghĩa với tâm trạng chán chường. Anh kể, sinh năm 1975 khi đất nước vừa giải phóng. Gia đình đông anh chị em nhưng vẫn cố cho Tuyến theo học Đại học Nông lâm tại Thái Nguyên.
Ra trường, Tuyến xung phong lên tận Lào Cai công tác. Với chuyên môn cao, lại am hiểu nhiều ngoại ngữ nên tương lai với Tuyến rất sáng lạn. Nhưng rồi, định mệnh xảy đến với anh trong một đêm mưa phùn gió bấc năm 2006. Tuyến bị tai nạn dẫn đến chấn thương tủy sống, liệt đến đốt C4 nên các bác sĩ đành bó tay.
Là người Tày, với nhiều phương thuốc gia truyền cũng không làm anh trở lại bình thường. Nhiều đêm nằm trong ngôi nhà rách nát, anh nghe rõ tiếng thở dài thương con của cha mẹ già. Anh không khóc nhưng nước mắt như chảy ngược vào trong. Anh bảo: "Đã nhiều lần tôi nghĩ đến cái chết để kết thúc tất cả. Tuổi đời còn trẻ, người yêu cũng đã bỏ đi lấy chồng vì không thể cả đời sống với người tàn tật. Thế là mất tất cả, sống ngày nào là còn làm khổ người khác ngày ấy".
Nhưng đứng trước quyết định giải thoát mang tính tiêu cực ấy, Tuyến lại không đủ can đảm. Anh thổ lộ: "Mình chết thì dễ thôi, nhưng mà sống mới khó. Cha mẹ đã cho ta thân thể, vậy phải sống để cha mẹ không buồn lòng. Đôi chân bị liệt chẳng qua chỉ là một thử thách, ta vẫn còn đôi tay lành lặn cơ mà. Thế là tôi ngừng quyết định phải chết để bắt đầu với đôi tay này". 
Nói rồi, Tuyến giơ đôi tay bủng sũng trắng xanh xao vì thiếu nắng nhưng trong đôi mắt anh toát ra một nghị lực phi thường. Người ta gọi đó là nghị lực vượt lên số phận. Ánh mắt ấy, thật không phải dễ dàng mà có được.  
Ông Lý Xuân Cương và bức ảnh duy nhất về con trai khi chưa xảy ra tai nạn. 
Niềm vui còn lại
Sẵn có hai bằng ngoại ngữ, lại từng là sinh viên giỏi về Toán học nên anh Tuyến nghĩ ngay đến việc mở lớp học bồi dưỡng cho học sinh. Lúc đầu mở lớp, dân bản không ít người dè bỉu, rằng người lành lặn còn chẳng dạy được huống hồ người tàn tật. Có mở lớp thì cũng chỉ là thu tiền học sinh mà thôi.
Ấy vậy mà lớp học vẫn thành công, lúc cao điểm có hàng trăm học sinh đến với anh. Có những em cách xa tới vài chục cây số vẫn lẽo đẽo đạp xe đi tìm con chữ. Tất cả những kiến thức sư phạm đều được anh Tuyến cập nhật từng giờ. Vì thế, học sinh của anh đều thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích.
Anh Tuyến bảo: "Học thầy không tày học bạn, cho nên mình dạy học sinh theo phong cách "bạn dạy bạn". Mình biết cái gì, dạy cái đó từ dễ đến khó. Cái gì học sinh chưa hiểu có thể hỏi lại nhiều lần và vì mỗi lớp chỉ gồm hơn chục học sinh nên việc dạy và học cũng dễ dàng hiệu quả hơn".
Trong số những học sinh của anh, nhiều em đạt được những giải thưởng cao trong các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh. Em Hà Thủy Tiên, người dân tộc Tày là một trong những học sinh đạt giải cấp tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi vừa qua cho hay: "Học thầy Tuyến có những điểm hay là tiếp xúc với cách học hiện đại, được nghe người nước ngoài phát âm thông qua băng đĩa và được làm bài tập ngay trên máy tính nên rất dễ học".
Anh Tuyến thổ lộ rằng, học sinh càng tiếp thu được nhiều kiến thức thì anh càng vui, càng có nhiều động lực để tiếp tục duy trì lớp học. Với anh, giờ đây niềm vui không phải là những lời động viên an ủi từ gia đình hay bạn bè. Càng không bao giờ hy vọng vào một gia đình với hạnh phúc viên mãn, vì anh ví mình như một "vầng trăng khuyết". Niềm vui còn lại duy nhất của anh là những em học sinh trong lớp học đặc biệt như lời anh nói: "Các em học sinh là niềm động viên tích cực nhất với một người thầy tàn tật như tôi".
"Người đang ốm yếu mà khỏi bệnh thì là niềm vui lớn. Nhưng người đang bình thường lại bị tàn phế thì sự suy sụp là không tránh khỏi. Giống như con chim đang bay bị gẫy cánh mà thôi. Nếu không có nghị lực để chấp nhận số phận và vượt qua nó thì bạn sẽ mãi chìm trong bóng tối. May mắn của tôi là mở được lớp học dạy cho các em, cũng là cách để làm việc và trả nợ đời".
Thầy giáo Lý Xuân Tuyến
Trần Hoà