5 ngành học đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, điểm chuẩn cao chót vót, mức lương hấp dẫn

Google News

Chọn ngành, chọn trường cần dựa trên đam mê, sở trường, hoàn cảnh gia đình. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần phải nhìn nhận vào xu thế phát triển, nhu cầu của thị trường lao động tương lai để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Dưới đây là 5 ngành nghề đang khát nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI

Báo cáo "Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị" của Google nhận định, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI đang là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số, đóng góp 30% GDP vào năm 2030. Trong đó, GenAI (hay còn gọi Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ, kinh tế, y khoa và đời sống. 

Báo cáo Statista Market Insights nhận định, tại Việt Nam, quy mô thị trường GenAI nội địa có mức tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 23%, đến năm 2030 sẽ ở mức gần một tỷ USD. "Đứng trước sự bùng nổ của GenAI, các công ty công nghệ, các ngân hàng hàng đầu đang đầu tư căn cơ về yếu tố con người, hạ tầng, công nghệ liên quan đến GenAI. Vì thế, việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GenAI là nhu cầu cấp thiết ", TS Đinh Viết Sang, Giám đốc chương trình đào tạo Kỹ sư GenAI, trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Hiện nay, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực GenAI còn hạn chế tại Việt Nam. Ngày 21/06/2024, trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc số ít đơn vị tiên phong trong việc cung cấp chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh đầu tiên tại Việt Nam.

Đây là chương trình đào tạo sau đại học với thời gian đào tạo 1,5 năm dành cho cử nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông hoặc các ngành toán tin, khoa học tính toán, cơ sở toán học cho tin học...

Thiết kế và phát triển game

Đánh giá về thực trạng ngành game Việt hiện nay, bà Vũ Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam cho biết, ngành sản xuất game đã vươn lên là ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng đều đặn khoảng 10%/năm. Công bố từ Báo cáo Data.ai 2021 cũng cho hay, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á năm 2020 về số lượt tải xuống, chiếm 22% tổng lượt tải xuống toàn khu vực.

Xét trên toàn cầu, số lượt tải về của các tựa game do Việt Nam phát hành xếp thứ 7 và cứ mỗi 25 game được tải thì sẽ có một cái tên do Việt Nam gia công. Dù đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như vậy nhưng theo bà Hạnh, ngành game Việt vẫn đang rất "khát" nhân lực. Thậm chí, sự thiếu hụt này có thể khiến mục tiêu đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD của ngành game trong 5 năm tới trở nên rất thách thức.

Trong khi đó, lập trình viên ngành game đang là ngành đứng top đầu trong danh mục tuyển dụng lương cao tại Việt Nam hiện nay. Mức lương khởi điểm cho lập trình, thiết kế game dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, đối với nhân sự có kinh nghiệm mức thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/tháng. 

Tại Việt Nam có khá ít trường đại học đào tạo ngành thiết kế và phát triển game. Năm 2024, trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông báo điểm chuẩn ngành Thiết kế và phát triển Game dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 24,97 điểm. 

ArtTech

Mặc dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng ngành học Công nghệ nghệ thuật (ArtTech) vẫn được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. ArtTech (Art and Technology) là ngành học bao gồm sự kết hợp của các lĩnh vực như nghệ thuật số, thiết kế đa phương tiện, thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), NFT, Robot Art, Virtual Human...

Mặc dù nghe có vẻ khá xa lạ bởi các yếu tố mang tính vĩ mô nhưng đây lại là ngành học nắm bắt kịp thời các nhu cầu của thời đại, đặc biệt trong các lĩnh vực truyền thông, marketing, quảng cáo, tổ chức sự kiện... ArtTech đang trở thành một xu hướng toàn cầu với 4 nhánh nổi bật: Nghệ thuật sắp đặt tương tác; phòng trưng bày nghệ thuật ảo; tái định hình giá trị của nghệ thuật ở khía cạnh số hóa và nghệ thuật sáng tạo bởi AI. 

Dù chưa thật sự quá nổi bật tại Việt Nam nhưng thực tế ngành ArtTech đã được ứng dụng trong nhiều sự kiện, hoạt động. Ngành ArtTech đang được đào tạo chính quy tại Việt Nam bởi duy nhất trường Đại học Kinh Tế TP.HCM. Năm 2024 này, trường Đại học Kinh Tế TP.HCM công bố chuẩn đầu vào xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 với ngành ArtTech là 26,23 điểm.

Kinh doanh thương mại Hàn Quốc

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay, có khoảng 9.800 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Sự phát triển này kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực thành thạo chuyên ngành tiếng Hàn. Chưa hết, trước xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng hiện nay, việc liên ngành sắp tới được xem là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp 50 - 50 kiến thức ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc và kinh doanh thương mại - luật. 

Từ đây, ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc ra đời, mở ra nhiều cơ hội việc làm, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt đối tác Hàn Quốc tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Nắm bắt được xu hướng tương lai, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp với trường Đại học Kinh tế - Luật đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Đây là chương trình đào tạo liên ngành, liên trường đầu tiên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2024, điểm chuẩn ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2024 của Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia TPHCM như sau: Khối D01 là 26,36 điểm; khối D14 là 26,96 điểm; khối D02 và khối DH5 là 24 điểm.

Thiết kế vi mạch

Thiết kế vi mạch là một lĩnh vực chuyên môn tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các chip điện tử, hay mạch tích hợp (IC – Integrated Circuit). Đây là một phân nhánh của Kỹ thuật Điện – Điện tử nhằm tạo ra các mạch tích hợp trên nền tảng các chip bán dẫn. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo ngành nghề, điển hình là logistics hay chip bán dẫn khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Dự báo trong 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới mỗi năm cần khoảng 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhằm đón đầu nhu cầu thị trường, đáp ứng "cơn khát" nhân lực, nhiều trường đại học đã tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo ngành này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại Đại học Bách khoa, điểm chuẩn theo phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của thiết kế vi mạch là 83,6/100 điểm; Đại học Công nghệ Thông tin theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn là 910/1.200; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM theo phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh đạt giải cấp tỉnh, giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia và phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, top 200 các trường THPT, ngành thiết kế vi mạch cùng có mức điểm chuẩn khá cao là 26,35 điểm...

H.A