Tin tức 24h: Phụ huynh dự chi phong bì cho giáo viên dịp 20/11, hiệu trưởng kịp thời ngăn chặn

Google News

Hội phụ huynh lớp 8/1, Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp, TP.HCM) dự kiến dùng hơn 10 triệu đồng để chi phong bì cho giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và bảo mẫu.

Phụ huynh dự chi phong bì cho giáo viên dịp 20/11, hiệu trưởng kịp thời ngăn chặn

Một số phụ huynh có con học lớp 8/1, Trường THCS Phan Tây Hồ, phản ánh ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp này dự kiến chi 10,2 triệu đồng để tặng phong bì cho 17 giáo viên và một bảo mẫu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong đó, phong bì tặng cho giáo viên chủ nhiệm là 1 triệu đồng kèm một giỏ trái cây, các giáo viên bộ môn là 500.000 đồng.

Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: Anh Nhàn

Gửi tin nhắn vào nhóm của lớp, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh viết: “Cô chủ nhiệm không cho thu quỹ lớp nhưng lớp cũng cần chi phí hoạt động cho suốt năm học, kính mong anh chị đồng thuận, chúng ta sẽ đóng góp như những năm trước là 1 triệu đồng. Sắp tới 20/11 rồi lễ, Tết nên lớp mình cần chi tặng quà cho các giáo viên”.

Theo phụ huynh phản ánh, việc tặng phong bì cho giáo viên những dịp lễ, Tết không phải lần đầu tiên. Năm học trước, lớp này cũng dành 9 triệu đồng tặng cho 17 giáo viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, lớp cũng chi 1 triệu đồng quà Tết và 1 triệu đồng tri ân cô chủ nhiệm vào cuối năm. Số tiền này chiếm khoảng 1/3 quỹ phụ huynh.

Trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Tây Hồ cho hay, ngay khi nhận được phản ánh của phóng viên, ông đã liên hệ giáo viên chủ nhiệm lớp 8/1 để tìm hiểu sự việc.

Ban đầu, giáo viên chủ nhiệm cũng bất ngờ vì không nắm được sự việc. Từ đầu năm học, cô giáo này đã thông báo chủ trương không thu quỹ lớp đến toàn thể phụ huynh. Sau khi xác nhận lại từ phía Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8/1, ông Hiền khẳng định có sự việc kể trên.

"Vị Trưởng ban lý giải do phụ huynh yêu cầu nên mới đứng ra vận động. Uy tín nhà trường bị ảnh hưởng vì một bộ phận phụ huynh hiểu không đúng quy định. Nhà trường không chấp nhận việc này", ông Hiền nói.

Hiện ông Hiền đã yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8/1 trả lại tiền cho phụ huynh. Trường cũng ra thông báo yêu cầu các lớp không được vận động tiền để bồi dưỡng giáo viên các dịp lễ, Tết.

"Vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường có tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tri ân thầy cô. Các em cố gắng học tốt, đạt được nhiều hoa điểm 10 là món quà lớn nhất với thầy cô của mình", ông Hiền nói.

Đua nhau livestream bán vàng, khách hàng coi chừng mua nhầm hàng "dỏm"

Chỉ cần nhập từ khóa "vàng" lên thanh tìm kiếm của TikTok, nền tảng sẽ cho ra hàng loạt video giới thiệu các loại vàng gồm vàng đeo cổ, lắc tay, nhẫn loại 1 chỉ hoặc combo vàng cưới 3-4 món... và yêu cầu người mua đến cửa hàng mua nếu có nhu cầu.

Đáng chú ý, để thuận tiện hơn cho người mua, các chủ tiệm vàng còn lên livestream và gắn sản phẩm vàng vào giỏ hàng.

Cụ thể, tài khoản tiệm vàng M.V livestream bán hàng, gắn giỏ hàng với sản phẩm là dây chuyền vàng 610 cho em bé (dài 34cm - 37cm) giá từ 3,6 -5,7 triệu đồng/chiếc, cặp nhẫn đôi vàng 610 giá 7,2 triệu đồng... thu hút hàng trăm người xem cùng lúc.

Hay tài khoản tiệm vàng T.K.P livestream bán lắc xích vàng 18K, 8-9 phân dành cho nam giá 5,8 triệu đồng; phụ kiện nhẫn 1 hột đai vàng 610 giá 2,3 triệu đồng... và cam kết thời gian giao hàng chỉ 2-3 ngày kể từ khi đặt mua.

Ảnh minh họa

Truy cập vào cửa hàng này trên Tiktok Shop, gian hàng hiển thị rất nhiều kiểu vàng trang sức giá từ 2-7 triệu đồng/chiếc và đã có hơn 500 lượt mua sản phẩm.

Theo quan sát, các phiên livestream bán vàng của các tiệm vàng trên TikTok đã thu hút nhiều sự quan tâm từ phía người xem và sự tương tác giữa người bán và người mua, trong đó chủ yếu là hỏi về chất lượng sản phẩm, đổi trả hàng.

Tương tự, trên nền tảng Facebook, nhiều hội nhóm liên quan đến vàng như "Mua bán trang sức vàng, bạc uy tín" (68.800 thành viên), "Mua Bán Vàng Bạc, Trang Sức, Đá Quý" (57.400 thành viên) hằng ngày có nhiều bài đăng mua, bán vàng nhẫn, vàng miếng với giá chênh lệch tại các tiệm vàng khoảng 1-2 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia vàng cũng như Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh, việc mua bán vàng trên mạng sẽ khiến người dân gặp nhiều rủi ro như vàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lừa đảo...

Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã phối hợp với công an kinh tế địa bàn kiểm tra hai doanh nghiệp gồm Doanh nghiệp tư nhân Kinh doanh vàng và cầm đồ K.H tại xã Bà Điểm và Công ty TNHH Kinh doanh vàng K.B.N tại thị trấn Hóc Môn cùng ở huyện Hóc Môn, và đã tạm giữ 4 sản phẩm vàng trang sức có tổng trị giá trên 100 triệu đồng.

Sau đó, hai doanh nghiệp này đã bị xử phạt 200 triệu đồng do bán vàng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội (TikTok, Zalo).

10 tháng 2024, Hà Nội có ít nhất 3 vụ bạo lực liên quan đến trẻ em

Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, trên toàn thành phố hiện có trên 203.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Tổng kinh phí chi trả 10 tháng của năm 2024 cho các đối tượng bảo trợ xã hội là trên 1.469 tỷ đồng.

Các cơ sở trợ giúp xã hội của TP Hà Nội thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.080 đối tượng bảo trợ xã hội gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ khác.

Trong tháng 10, cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận 22 đối tượng bảo trợ xã hội; các Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận 63 đối tượng có hành vi xin ăn, xin tiền vào quản lý.

Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, 10 tháng năm 2024, TP Hà Nội có ít nhất 3 vụ bạo lực, trong đó 2 vụ tại quận Hai Bà Trưng và 1 vụ tại huyện Thạch Thất 1. Tất cả trẻ em trong các vụ việc đều được can thiệp, trợ giúp theo quy định. Ảnh minh họa

Sở LĐTB&XH Hà Nội đã hỗ trợ đột xuất cho 3 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai với tổng kinh phí trợ giúp 5 triệu đồng từ nguồn vận động. Tính từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ đột xuất của toàn TP là 870,2 triệu đồng.

Trong tháng 10, thông qua nhiều kênh khác nhau, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tiếp nhận 5 thông tin vụ việc liên quan đến trẻ em, chuyển thông tin đến các địa phương để xác minh, giải quyết.

Qua báo cáo có 3 vụ đúng phản ánh là bạo lực (quận Hai Bà Trưng 2 vụ, huyện Thạch Thất 1 vụ). Tất cả trẻ em trong các vụ việc đều được can thiệp, trợ giúp theo quy định.

10 tháng của năm 2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đã vận động được 304 đơn vị, cá nhân tài trợ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em TP với số tiền gần 8,3 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ cho 5.535 trẻ em với kinh phí trên 9 tỷ đồng.

Bị công an "dỏm" hù doạ, nữ sinh đại học mất 120 triệu đồng

Ngày 6-11, Phòng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã tiếp nhận tin báo từ em Nguyễn N (sinh viên một trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương) về việc bị lừa số tiền 120 triệu đồng.

Nữ sinh đại học bị công an "dỏm" lừa 120 triệu đồng. Ảnh minh họa: HẢI NHI

Theo trình báo, em N nhận được cuộc điện thoại tự xưng là Công an tỉnh Cà Mau thông báo em liên quan vụ án mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu em đến cơ quan công an để giải quyết.

Tuy nhiên, do đang ở xa nên kẻ lừa đảo gợi ý linh hoạt giải quyết bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời, yêu cầu em N tìm nơi yên tĩnh để nói chuyện và tuyệt đối giữ bí mật không được nói cho bất kỳ ai.

Sau đó, người này yêu cầu em phải chuyển đủ số tiền 120 triệu đồng vào tài khoản của kẻ lừa đảo để chứng minh mình có đủ khả năng tài chính. Sau khi chứng minh xong cơ quan công an sẽ trả lại.

Do bản thân hiện là sinh viên không đủ tiền, nên kẻ lừa đảo nói sẽ giúp bằng cách yêu cầu em N nói dối với gia đình đang cần tiền đóng tiền học phí, tiền làm hồ sơ du học.

Kẻ lừa đảo còn làm các văn bản giả thể hiện thông tin trúng tuyển làm hồ sơ du học gửi cho gia đình để gia đình em N tin tưởng chuyển tiền.

Sau khi có tiền từ gia đình, nữ sinh đại học đã chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản cho kẻ lừa đảo...

THẢO ANH