Con dâu có bầu bị dọa sảy, tôi đã sang tên sổ đỏ cho con để động viên

Google News

Để động viên tinh thần lớn cho con dâu bầu, khi con bầu 4 tháng, tôi quyết định bàn với con trai sang tên sổ đỏ căn nhà và mảnh đất đang ở cho cả 2 con đứng tên.

Khi con trai lên 10 tuổi thì ông nhà mất, kể từ đó tôi một mình nuôi con khôn lớn. Bao năm vất vả làm lụng, tôi cũng xây được căn nhà 3 tầng khang trang rộng rãi cho 2 mẹ con ở. Con trai rất ngoan ngoãn, càng lớn lên con càng hiếu thảo, thương mẹ.

Lúc con đến tuổi lập gia đình, tôi cũng mong con tìm được một người vợ tốt, biết cách cư xử. Không phụ mong mỏi của mẹ, con cũng yêu và cưới vợ. Con dâu không xinh đẹp, thẳng thắn và là đồng nghiệp cũ của con trai tôi.

Hồi con dâu mới về làm dâu, nói thật tôi không ưng lắm. (Ảnh minh họa)

Hồi con dâu mới về làm dâu, nói thật tôi không ưng lắm. Hai mẹ con tính cách khác biệt. Con dâu ít nói, thẳng thắn, bộc trực còn tôi thích kiểu lạt mềm buộc chặt và hay nói hay cười. Nhưng dần dần mẹ con cũng dung hòa được, tôi học cách chấp nhận tính cách con dâu vì biết sẽ không thay đổi được.

Mong có cháu bế bồng sớm nhưng tôi không giục con dâu và con trai nhiều. Tôi chỉ xa gần bảo:

“Nhà mình neo người quá, giá 2 đứa sinh sớm 1 đứa cháu cho mẹ thì vui cửa vui nhà biết mấy”.

Con dâu thường bảo:

“Giờ chưa có cháu thì bà mong, mai này có cháu bà sẽ càng vất vả hơn đấy”.

“Mẹ đang mong vất vả như người ta còn chẳng được đây này”.

Sau hơn 1 năm cưới nhau thì con dâu tôi cũng có bầu. Con ốm nghén lắm nên hay mệt mỏi. 3 tháng đầu thai kỳ con hay bị ra máu dọa sảy nên tôi bắt nghỉ làm, nằm nghỉ ngơi tại nhà và chăm sóc cẩn thận. 2 mẹ con thường đưa nhau đi bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để được can thiệp ổn định. Tình cảm mẹ chồng con dâu thời gian này càng vì đứa cháu chưa chào đời mà gắn kết hơn.

Để động viên tinh thần lớn cho con dâu bầu, khi con bầu 4 tháng, tôi quyết định bàn với con trai sang tên sổ đỏ căn nhà và mảnh đất đang ở cho cả 2 con đứng tên. Biết chuyện con dâu liền khuyên can:

“Mẹ đừng vội sang tên nhà đất cho chúng con, để khi nào bà về già sang tên cũng được. Hoặc nếu muốn mẹ có thể sang tên cho mình chồng con thôi, dù gì con cũng chỉ là con dâu”.

Tôi cũng nói thẳng với con dâu:

“Con về nhà này thì cũng là con cháu trong nhà rồi. Về già mẹ cũng chỉ nương nhờ vào các con chứ nhờ cậy ai nữa”.

Tôi suy tính kỹ rồi, con dâu dù tính cách khác mẹ chồng song con cũng rất hiếu thảo. Đã vậy con còn mang bầu để sinh cháu nội cho thì tôi còn tiếc gì. 2 năm làm dâu trong nhà, khi tôi ốm đau cũng một tay con dâu lo lắng, chăm sóc.

Lại thêm mỗi ngày nhìn các con hòa thuận vui vẻ mà tôi cũng thấy an lòng. Cá nhân tôi nghĩ mẹ chồng thời đại nào cứ sống chân thành, yêu thương con dâu như con ruột thì sợ gì chúng không hiểu. Phương châm của tôi là trẻ cậy cha, già cứ cậy hết vào con, kể cả có tiền bạc chăng nữa tôi vẫn nương nhờ vào các con cho ấm áp.

Dù rất mong ngóng đón cháu chào đời nhưng tôi đang lo con dâu sẽ đi đẻ ở tuần 37 này quá. (Ảnh minh họa)

Do được chồng và mẹ chồng luôn ở bên đồng hành mà cuối cùng con dâu tôi cũng vượt qua những ngày bầu bí khó nhọc và đang ở tuần thứ 37. Đi siêu âm, em bé trong bụng đã được 2,6kg rồi mọi người ạ. Dù đã rất chú ý giữ gìn nhưng con dâu lại có dấu hiệu sắp chuyển dạ khi bụng bầu tụt hẳn xuống dưới, phù chân, khó ngủ rõ rệt. Con dâu cho biết thi thoảng con cũng có những cơn đau chuyển dạ khi các cơn co thắt ngày càng nhiều hơn.

Dù rất mong ngóng đón cháu chào đời nhưng tôi đang lo con dâu sẽ đi đẻ ở tuần 37 này quá. Không biết sinh con ở tuần 37 có sao không? Cả nhà tôi chỉ mong cháu nội ở trong bụng càng lâu càng tốt thôi. Ở thời điểm này tôi phải chăm sóc con dâu như thế nào đây?

Sinh con ở tuần thai thứ 37 có sao không?

Ở tuần 37, em bé đã sẵn sàng để “chui’ ra bất cứ lúc nào.

Không hề hiếm gặp trong thực tế các trường hợp phụ nữ mang thai sinh con ở tuần 37 vì lý do sức khỏe hoặc tình trạng bất khả kháng, cũng có những mẹ bầu chọn sinh mổ ở tuần 37 vì các lý do khác.

Thế nhưng việc sinh con ở tuần 37 vẫn được gọi là sinh sớm, em bé vẫn còn có thể phát triển não và phổi để hoàn thiện toàn bộ. Các chuyên gia và bác sĩ cũng khuyến cáo nên sinh sớm ở tuần 38 hoặc tuần 39 là tốt nhất trừ những trường hợp bất khả kháng.

Lưu ý cho phụ nữ mang thai ở tuần 37

Tuần thai 37 rất gần với thời điểm sinh, từ tuần này trở đi mẹ bầu cần cẩn thận vì em bé có thể ra đời bất cứ lúc nào.

Theo dõi chặt chẽ sức khỏe và biểu hiện của thai nhi thông qua thai máy để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé đều bình thường.

Cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, rỉ nước ối, dịch tiết âm đạo lẫn máu, màu dịch tiết âm đạo bất thường…

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để ổn định sức khỏe thai kỳ, cung cấp đủ dưỡng chất cho em bé phát triển hoàn thiện nhất.

Hạn chế căng thẳng, làm việc nặng hay quan hệ tình dục mạnh.

Chuẩn bị sẵn đồ sơ sinh, túi đồ đi sinh và vật dụng cần thiết khác cho sinh nở.

Hiểu biết rõ những dấu hiệu chuyển dạ để nhận biết dễ dàng nếu các dấu hiệu này xuất hiện.

Tuân thủ lịch khám thai trong những tuần cuối, đừng ngại trao đổi với bác sĩ về những thắc mắc, băn khoăn về sức khỏe thai kỳ.

Trừ những trường hợp bất khả kháng thì việc sinh con ở tuần 37 không phải là tốt vì có thể em bé chưa hoàn thiện hết về não bộ hoặc các chức năng của cơ thể. Mẹ hãy tích cực chăm sóc bản thân và giữ gìn thai kỳ an toàn nhất từ tuần 37 trở đi để con ra đời khỏe mạnh.

THẢO NGUYÊN