Loại lá mọc bờ bụi có hương vị đặc biệt, xưa không ai biết đến nay thành đặc sản lạ ở thành phố, 40.000 đồng/kg

Google News

Loại lá này có vị chua, là nguyên liệu để làm các món canh chua cá thanh mát mùa hè. Tại một số nhà hàng ở Hà Nội, món ăn từ lá bông vang được người thành phố ưa chuộng.

Trong các loại cây cỏ mọc hoang dại ở các miền quê có một loại cây là nguyên liệu tạo vị chua cho các món ăn mà ít người biết tới, đó là lá bông vang. 

Những người sinh ra và lớn lên tại các vùng quê tại miền Trung, lá bông vang là hình ảnh quen thuộc. Vào những ngày hè, bát canh cá bông vang, hay cá kho lá bông vang là những món ăn gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ. 

Lá bông vang là nguyên liệu để làm các món canh chua

Theo tìm hiểu, cây bông vang thuộc họ Malvaceae, là cây thảo sống một năm hoặc hai năm, thường có chiều cao cây khoảng 60 đến 120 cm và toàn bộ vỏ có lông thô. Lá bông vang có hình mũi mác hoặc hình tam giác, có răng cưa không đều. Chúng thường mọc hoang dại ở vùng đồng bằng, thung lũng, suối hoặc các bụi cây ven sườn đồi. Ngoài Việt Nam, ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ cũng tìm thấy cây bông vang.

"Ngày trước, ở quanh nhà mình, cứ chỗ nào có bờ bụi thì ở đó có lá bông vang. Lá này có vị chua thanh khá giống với cây chua me. Hồi bé, cứ bất cứ khi nào bố mẹ đi ra đồng, mang về những mớ cá đồng, cá vặt thì chị em tôi lại mang rổ ra sau vườn hái lá bông vang. Cây này thấp nên rất dễ hái. Để nấu canh ngon, người ta chọn những lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Lá quá già sẽ xơ, còn lá non thì chưa đủ độ chua.

Canh lá bông vang chua chua, ngọt ngọt không hề bị gắt.

Sau khi hái vào, lá được đem vò sơ để lớp lông kia mềm nhão và rụng bớt; đến khi ăn sẽ không bị nhám lưỡi", bạn Thanh Hằng (ở Thanh Chương, Nghệ An) chia sẻ. 

Bạn Hằng cho biết bông vang có thể nấu với nhiều loại cá khác nhau nhưng ngon nhất là cá bớp hay cá mú. Canh cá nấu với rau bông vang có vị chua chua, thanh thanh cực kỳ đưa cơm. Vị tanh của cá hoàn toàn được khử đi, thay vào đó là mùi thơm hơi beo béo hòa quyện với phần rau bông vang có vị chua nhưng không hề gắt. Ngoài cá, lá bông vang nấu cùng mực ống, thịt bò, thịt gà... cũng rất ngon.

Từ món ăn nhà nghèo, giờ đây lá bông vang trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Thậm chí, một số nhà hàng ở thành phố còn sử dụng lá này làm nguyên liệu làm nên những món canh thanh mát mùa hè. Canh lá bông vang chua chua, ngọt ngọt không hề bị gắt.

Canh cá tầm nấu lá bông vang trong một nhà hàng ở Hà Nội

Tại các chợ quê, thỉnh thoảng có người mang lá bông vang ra bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Người bán cho biết cây bông vang bây giờ hiếm hơn xưa, phải vào bìa rừng mới có. Trên sàn thương mại điện tử, lá bông vang được đóng túi zip để bán nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn.

Không chỉ là một món ăn ngon, về mặt dược liệu, cả lá rễ lẫn hạt cây bông vang đều có công dụng. Lá bông vang thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô, có vị nhạt, nhiều nhớt, tính mát. Nó có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc.

H.A