Còn tiêu tiền vào 5 khoản này là bạn còn lãng phí

Google News

Bằng cách dừng chi tiêu theo 5 cách này, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn, mở ra cho mình cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

1. Thanh toán tối thiểu bằng thẻ tín dụng khi bạn có đủ khả năng chi trả

Nếu bạn có đủ khả năng để thực hiện các khoản thanh toán lớn hơn cho các hóa đơn thẻ tín dụng hoặc thậm chí thanh toán hết số dư của mình thì bạn nên làm như vậy. Khi bạn có thói quen chỉ thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu và mang theo số dư hàng tháng, bạn sẽ phải trả lãi suất cao, số dư thẻ tín dụng nhanh chóng phình to.

Nợ lãi suất cao có thể nhanh chóng khiến mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Nếu bạn có các khoản nợ khác ngoài nợ thẻ tín dụng, hãy ưu tiên khoản có lãi suất cao nhất và xử lý chúng trước. Nếu lãi suất ở mức hai con số, bạn nên thu xếp để trả nhiều hơn mức tối thiểu nhằm nhanh chóng loại bỏ nợ. Trong trường hợp không đủ khả năng thanh toán nhiều hơn mức tối thiểu, hãy đảm bảo rằng ít nhất bạn đang thanh toán những gì có thể đúng hạn.

2. Chi tiêu theo cảm xúc

Đôi khi chúng ta cũng chi tiêu theo cảm xúc để tìm kiếm sự thoải mái. Tuy nhiên, khi điều này hình thành thói quen, cho dù đó là theo cảm xúc tích cực hay tiêu cực hoặc cả hai thì nó đều có thể gây hại đến tình hình tài chính của bạn.

Tất nhiên, sẽ có lúc bạn muốn chiêu đãi bản thân và mua một thứ gì đó mới bởi đó là bản chất con người. Nhưng cảm xúc luôn thay đổi và bạn không nên để chúng kéo mình đi bất kỳ đâu. Điều này sẽ khiến bạn cạn kiệt tài nguyên, nhanh chóng rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh.

Nếu bạn thấy vấn đề của mình là luôn chi tiêu theo cảm xúc, điều đó không ổn chút nào và bạn cần sớm thay đổi. Thay vì chiều theo mọi cảm xúc thôi thúc, hãy cố gắng chi tiêu cho những thứ bạn cần hoặc thứ gì đó cụ thể mà bạn đã lên ngân sách từ trước. Đừng quên chính sách hoàn trả để đảm bảo bạn có thể trả lại hàng khi trót mua theo cảm xúc.

Cùng với đó, mỗi khi muốn ăn mừng chiến thắng như được thăng chức hoặc đạt được thành tích lớn, hãy thử tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào trong vài ngày tới nếu hôm nay vung tiền cho một bữa tối thịnh soạn. Nếu điều đó ổn và ngân sách của bạn cho phép, bạn có thể làm. Nếu cảm thấy có gì đó không ổn, hãy dừng lại.

Để giúp giảm bớt sự cám dỗ trong việc chi tiêu, bạn có thể xóa các ứng dụng mua sắm khỏi điện thoại của mình, hủy đăng ký nhận email của các nhà bán lẻ. Trước khi mua hàng, hãy thử viết tên sản phẩm đó ra cùng với giá, chờ 48 giờ trước khi mua để có thể chắc chắn rằng nó nằm trong ngân sách của bạn và thực sự cần thiết với cuộc sống. Nếu bạn nhanh chóng quên món đồ đó, rất có thể bạn không thực sự cần mua mà chỉ là muốn xoa dịu bản thân vào ngày hôm đó.

3. Thanh toán cho các đăng ký không sử dụng

Trước khi trả tiền đầy đủ cho một gói dịch vụ, bạn có thể đăng ký bản dùng thử miễn phí để biết liệu chúng có thực sự phù hợp với mình. Tuy nhiên, việc dễ dàng đăng ký cũng dễ khiến chúng ta quên và chuyển sang sử dụng gói cước mất tiền khi nào không hay. Hãy ghi chú lại để đảm bảo bạn không bỏ lỡ hay quên điều gì.

Cùng với đó, hãy rà soát lại một lượt xem bạn đang sử dụng các gói đăng ký nào phải trả tiền và chúng có thực sự xứng đáng hay không. Đó có thể là gói truyền hình cáp, internet hay cước điện thoại, thẻ tập phòng gym… Đừng trả tiền cho những gì bạn không sử dụng, bất kể khoản tiền đó lớn hay bé.

4. Trả tiền cho sự thuận tiện

Lập kế hoạch trước có thể giúp bạn tiết kiệm tiền cho tất cả mọi thứ. Ví dụ: Nếu có sự chuẩn bị trước đồ ăn vặt từ nhà, bạn sẽ tiết kiệm hơn so với việc mua đồ tại các trạm dừng, trạm nghỉ.

Dưới đây là một số cách bạn có thể lên kế hoạch trước tốt hơn, để không phải trả tiền cho các “yếu tố thuận tiện” mỗi khi đi du lịch:

Chuẩn bị trước những đồ khô, đồ ăn vặt cần thiết.

Thanh toán trước phí hành lý ký gửi khi sử dụng dịch vụ hàng không thay vì để phát sinh gần giờ bay.

Đặt dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp thay vì thông qua bên thứ ba. Các bên thứ 3 có thể cho phép bạn so sánh giá dễ dàng hơn nhưng thường sẽ có các khoản phí khác trong quá trình bạn đặt dịch vụ.

5. Chi tiêu cho bằng bạn bằng bè

Chi tiêu cho bằng bạn bằng bè, sống vượt quá khả năng của bạn là một cách rất phổ biến mà mọi người đang lãng phí tiền bạc. Bạn dễ cảm thấy áp lực rằng mình phải mua một số thứ nhất định khi những người xung quanh bạn đều có chúng. Tâm lý so sánh bản thân với người khác là lý do khiến nhiều người mắc nợ.

Chúng ta khó tránh khỏi việc so sánh cuộc sống của mình với người khác trong một thế giới tràn ngập mạng xã hội nhưng hãy cố gắng thành thật với bản thân, lối sống và ngân sách của bạn. Không có hai mục tiêu tài chính nào giống nhau và con đường đạt được mục tiêu đó có thể rất khác nhau. Mỗi chúng ta đều đến từ những con đường khác nhau, những gì người hàng xóm của bạn cần để đạt được cột mốc tài chính nào đó có thể khác với những gì bạn cần và ngược lại. Hãy giữ vững mục tiêu, nhu cầu và ưu tiên cá nhân của bạn, đó chính là cách để bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn và mở ra cuộc sống hạnh phúc hơn.

BẢO ANH.