Cụ Trịnh Thị Khơng (SN 1905) sinh ra tại Thanh Hóa, chứng kiến nhiều thăng trầm, thay đổi của đất nước. Đến năm 2014, bà theo con gái thứ 2 - bà Đỗ Thị Ninh (82 tuổi) vào TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai sinh sống.
Theo bà Ninh, mẹ của bà có 7 người con (4 trai, 3 con gái), trong đó có 2 người con trai vào Nam sinh sống. Người con trai đầu của cụ Khơng hơn 90 tuổi, hiện vẫn sống ở quê nhà. Cụ Khơng có đến 150 con, cháu, đến chắt, chút, chít.
Dù phần chân đã suy yếu do di chứng té ngã vào vài năm trước nhưng cụ rất minh mẫn, mắt tinh, tai vẫn nghe tốt, nói năng rành mạch. Đặc biệt, tóc của cụ ngả màu muối tiêu, một số sợi mới mọc ra cũng có màu đen hoặc xám chứ không bị bạc.
Chị Tư - cháu ngoại của bà Khơng chia sẻ: “Vào 3 năm trước, trong nhà tổ chức hỷ sự cho con cháu trong gia đình. Thế nhưng, lúc này sức khỏe của bà yếu dần, gia đình cũng đã sắp xếp chu toàn, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Sau khi đám cưới diễn ra ba ngày, bất ngờ bà tỉnh táo, khỏe mạnh trở lại”.
Con cháu trong gia đình cho biết sau cơn “thập tử nhất sinh” sức khỏe của bà tiến triển rõ rệt, tóc đen trở lại khiến nhiều thành viên trong gia đình không khỏi ngạc nhiên.
Là người con trực tiếp chăm sóc cho cụ Khơng trong suốt chục năm qua, bà Ninh cho biết bí quyết để mẹ có sức khỏe dồi dào, minh mẫn dù đã bước sang tuổi 120: “Quan trọng nhất là chế độ ăn uống đủ 4 bữa/ngày. Những thứ bổ dưỡng như nước yến, nhân sâm, thường xuyên cung cấp chất xơ như rau, củ và các loại trái cây để bổ sung dưỡng chất”. Hơn hết, bà Ninh khẳng định một phần yếu tố giúp cụ Khơng có thể sống thọ như hiện tại là nhờ tinh thần vui tươi, lạc quan và yêu đời.
Bà Ninh tâm sự sau khi ba bà qua đời, một mình cụ Khơng phải vừa làm mẹ, vừa làm ba để chăm lo chu toàn cho các con. Thời điểm này, cụ Khơng đặt trên vai đôi quang gánh nặng trĩu, cuốc bộ hơn 40km để mưu sinh, kiếm tiền nuôi con.
“Lúc đó, tôi lên 3 tuổi nhưng chưa biết đi. Bà cố mới khuyên mẹ tôi nếu nuôi không được thì đưa tôi sang gia đình khác dạy dỗ. Mẹ tôi nhất quyết giữ con, vì nếu trao con cho người khác, sợ sau này khi lớn lên không lấy lại được” - bà Ninh nhớ lại tuổi thơ đầy cơ cực.
Bà Ninh (bên trái) là người trực tiếp chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho cụ Khơng. Bà tiết lộ thực đơn ăn uống thay đổi liên tục để đảm bảo dinh dưỡng và không thấy ngán.
Cụ Khơng quan niệm chỉ có giáo dục mới giúp các con nên người. Vì thế, lúc khó khăn nhất, bà vẫn cố gắng dành dụm, cho con đi học đầy đủ. Hiện tại, tất cả con, cháu vẫn giữ truyền thống hiếu học, đều có công việc, địa vị ổn định làm cụ bà rất đỗi tự hào.
Hằng năm, cứ đến mùng 4 Tết, con cháu lại tập trung về thăm cụ Khơng. Nhà chật kín người, tìm chỗ ngồi cũng khó. Thế nhưng, cảm giác quây quần đó là điều hạnh phúc nhất mà bà Ninh mong muốn.
Các thế hệ con cháu của cụ Khơng luôn biết cách giữ hòa khí trong gia đình. Khi đến giờ cơm, các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần, tạo không khí vui tươi và để cụ bà 120 tuổi không chán ăn, bỏ bữa (báo Đồng Nai online).
Hiện tại, con cháu sinh sống trong địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn thường tranh thủ về thăm cụ hàng tuần. Những lúc như vậy, cụ phấn chấn hẳn. Có hôm khỏe và tỉnh táo, cụ ngồi nói chuyện với mấy đứa cháu từ chiều đến tối.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương
TẤN PHƯỚC