Kiến là loài côn trùng thường gặp ở Việt Nam, nhưng ít ai biết được rằng, ở Tây Nguyên có một loại kiến làm thành những món ăn vô cùng độc đáo, đó là con kiến vàng.
Theo tìm hiểu, kiến vàng có màu đỏ hoặc vàng nhạt thường làm tổ trên cây, hay được tìm thấy ở những vùng núi hoặc trong rừng. Không chỉ có công dụng diệt trừ sâu hại, kiến vàng còn được bà con ở Gia Lai sử dụng như một thứ gia vị cay cay pha chút chua chua.
Anh Hòa (ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai) cho biết kiến vàng có quanh năm nhưng ngon nhất là thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Lúc này, các gia đình rủ nhau đi rừng "săn" kiến vàng về ăn hoặc bán.
"Kiến vàng thích làm tổ trên những loài cây có lá lớn ở rừng. Những người có kinh nghiệm nhìn qua sẽ biết ngay tổ kiến có trứng mẩy hay không có trứng. Phải mất cả tháng tổ kiến vàng mới hồi sinh và tạo ra lứa mới. Vì thế, phải nắm được quy luật này thì người đi săn mới thu hoạch được mẻ kiến ngon nhất.
Thường người dân sẽ chọn đi săn kiến vào ngày nắng. Khi chặt những cành cây có tổ kiến phải nhẹ nhàng, khéo léo và không được rung nhằm hạn chế đàn kiến bò ra khỏi tổ, tránh bị đốt. Lấy xong tổ kiến, phải tiến hành nhặt bỏ dần cành, lá cây trước khi bỏ vào gùi. Sau đó, đem đổ vào thau nước sạch để lấy tạp chất", anh Hòa chia sẻ.
Kiến là loài bé tí nhưng vừa ngon vừa lạ, lại còn bổ dưỡng. Theo đó, kiến vàng có thành phần dinh dưỡng cao như: đạm từ 42 - 67%, có 28 loại acid amin và rất nhiều khoáng chất. Trên thị trường, kiến vàng được bán với giá khoảng 150.000-200.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Từ kiến vàng có thể làm thành nhiều món ăn dân dã vô cùng độc đáo của người dân địa phương khiến du khách thích thú, trong đó phải kể tới gỏi đu đủ giã kiến vàng. Để làm món này phải chọn quả đu đủ xanh, như vậy mới giữ được độ giòn ngọt để làm nên món gỏi đu đủ kiến vàng chuẩn vị. Đu đủ đem bào sợi mỏng rồi ngâm nước muối để cho ra hết nhựa và tạo độ giòn, sau đó vớt ra để ráo.
Muối ớt đem giã ra, có thể cho thêm mùi tàu, lá chanh cùng các gia vị tùy thích như: đường, bột ngọt… sao cho vừa ăn, tiếp đến cho kiến vàng vào rồi sau cùng mới cho từng nắm đu đủ vào giã lần lượt. Khi giã phải đều tay, sao cho các nguyên liệu trộn đều, hòa quyện vào nhau. Khi ăn có thể cảm nhận rất rõ cái vị chan chát của đu đủ hòa với vị chua thanh của kiến vàng, vị cay xè của ớt và thơm bùi của lá é.
Ngoài ra nơi đây còn nổi tiếng với món lẩu kiến vàng. Nguồn gốc của món ăn này bắt nguồn từ Campuchia. Những người dân ở vùng biên giới khi đi làm ở Campuchia đã học hỏi công thức và mang về chế biến lại. Nguyên liệu để chế biến món ăn này khá dân dã, gồm có kiến vàng, thịt gà hoặc thịt bò, thịt vịt, mắm bồ hóc, lá mắc mật, lá giang…
Sau khi có đủ nguyên liệu, người ta mang kiến vàng đi rửa sạch cho ráo nước rồi rang sơ lên. Các loại rau và thịt sẽ được thái thành miếng nhỏ cho vừa ăn cho vào trong lẩu. Để làm nên hương vị đặc trưng của một nồi lẩu kiến vàng không thể không kể đến là kiến vàng và mắm bồ hóc. Nhờ nguyên liệu đặc biệt, lại được nêm nếm theo công thức riêng nên lẩu kiến vàng có hương vị rất lạ, khiến ai ăn vào cũng phải xuýt xoa.
Trong nhiều nhà hàng, quán ăn ở Tây Nguyên, món lẩu kiến vàng hay gỏi đu đủ giã kiến vàng được đưa vào thực đơn. Lần đầu nghe thấy tên, nhiều người tỏ ra e dè nhưng nếu lấy hết can đảm để thử, đảm bảo bạn sẽ bị mê hoặc bởi cái hương vị thơm ngon khó cưỡng từ con kiến vàng.
H.A