Gợi ý 5 món ngon, hấp dẫn để ông xã nhậu xem bóng đá Euro 2024

Google News

Những món ăn này cực dễ làm mà hương vị thơm ngon, hấp dẫn, nhậu xem bóng đá siêu cuốn.

1. CHÂN GÀ NGÂM SẢ ỚT

Nguyên liệu:

- 10-12 chân gà

- 10-12 củ hành tím

- 8-10 củ sả; 4-5 quả ớt sừng (cho đẹp và tạo hương vị);

- 1 quả chanh; 1 mẩu gừng; 200g quất (nhỏ, không cần to)

- 2 củ tỏi

Cách làm:

- Sơ chế: Cắt bỏ phần móng ở chân gà, nhìn vừa đẹp và lại tiện lợi khi ăn. Sau đó cho chân gà vào luộc ngay từ khi nước lạnh, không quên bỏ thêm vài mẩu gừng đập dập để chân gà thơm hơn.

Trong lúc đợi chân gà chín, tiến hành thái sả, thái xéo cho đẹp, còn độ dày mỏng thế nào tuỳ vào sở thích mỗi người.

Hành tím bóc vỏ, cắt đôi. Tỏi cũng bóc vỏ và thái lát mỏng. Bổ đôi ½ lượng quất, bớt lại 2 quả để pha nước chấm, còn lại vắt lấy nước cốt. Ớt xắt lát dày khoảng 1-1,5cm.

- Thời gian luộc chân gà từ lúc bắt đầu sôi là khoảng 10 phút, trong quá trình luộc thỉnh thoảng cần đảo nhẹ để chân được chin đều và chịu khó vớt bọt nếu có.

- Sau khi chân gà sôi được 10 phút thì tắt bếp, đậy vung và ngâm châm gà thêm 5 phút nữa rồi vớt ra ngâm ngay vào bát nước lạnh chừng 5 phút. Việc này sẽ giúp cho chân gà sạch hết váng mỡ và trắng hơn.

- Đến đây thì cần một công đoạn quan trọng, đó là cho chân gà vào tủ lạnh, nếu cho vào ngăn mát cần chờ 1 tiếng, còn ngăn đá thì chỉ cần 20 phút. Da gà khi gặp lạnh sẽ se lại giúp cho chân gà khi ngâm có độ giòn. Nếu bỏ qua việc làm lạnh thì chân gà rất dễ bị bở và không để được lâu.

- Pha nước sả ớt ngâm chân gà: Tỉ lệ 4 thìa canh đường, 3 thìa canh muối, 10 thìa canh nước, 8 thìa canh dấm, 2 thìa canh nước mắm. Tất cả cho vào nồi đun sôi cùng tỏi và sả rồi đợi thật nguội.

- Để thuận tiện hơn cho việc thưởng thức thì có thể cắt chân gà làm 3. Cắt đúng khớp thì rất dễ, đồ nghề chỉ cần 1 chiếc kéo là đủ.

- Cho quất, nước quất, hành tím và ớt vào hỗn hợp đã chuẩn bị, rồi rưới lên chân gà, thỉnh thoảng trộn đều cho chân gà ngấm.

- Ngâm chân gà trong tủ lạnh từ 2-3 ngày trước khi thưởng thức.

2. LẠC RANG NGŨ VỊ

Nguyên liệu:

- 2 bát lạc

- Dầu để chiên

- 5-7 quả ớt khô, bỏ hạt (có thể ít hoặc nhiều hơn tùy khẩu vị)

- 1 muỗng cà phê tiêu Tứ Xuyên (nguyên vỏ chưa xay - không có cũng được)

- 1 muỗng cà phê ngũ vị hương

- 1 muỗng cà phê hạt tiêu xay

- 1 muỗng cà phê đường

- ½ muỗng cà phê hạt tiêu trắng

- 1.5 muỗng cà phê muối

Cách làm:

- Ngâm lạc vào nước qua đêm hoặc cho đến khi bạn tách bỏ được vảy của hạt lạc.

- Sau đó, vớt lạc ra để hơi ráo rồi chà mạnh tay vào hạt lạc cho phần vảy tách ra hết. Sau đó rửa lại lạc cho sạch.

- Cho lạc vào một túi nilon có dán mép (túi ziploc), cho vào ngăn đá để 3-4 giờ. Đây là bước quan trọng để món lạc này thêm ngon, bùi.

- Sau đó, cho lạc vào chảo cùng với một lượng lớn dầu ăn để chiên. Lửa chiên để ở mức vừa cho đến khi lạc nổi lên bề mặt dầu. Vớt lạc ra ngoài, để cho ráo dầu.

- Cho một ít dầu vào chảo, thêm ớt khô, tiêu Tứ Xuyên (không có cũng được) vào đảo cho thơm. Cho lạc vào, thêm muối, ngũ vị hương, tiêu, đường, tiêu trắng, rang đều cho gia vị ngấm đều vào lạc là được.

- Để lạc nguội bớt rồi cho vào hộp kín hoặc lọ thủy tinh, để từ 2-3 ngày cho hương vị của món lạc rang ngũ vị thêm hấp dẫn rồi thưởng thức.

3. NEM NẮM

Nguyên liệu:

- Thịt mông sấn: 500gr (nếu thích ăn nhiều bì thì thêm khoảng 200gr bì)

- Tỏi: 1 củ to

- Lá sung, thính gạo, nước mắm, gia vị…

Cách làm:

- Thịt lợn rửa sạch, luộc với lượng nước vừa đủ. Luộc vừa chín tới, vớt ra đĩa để thịt nguội.

- Tách riêng bì ra, phần thịt và mỡ để nguyên. Lưu ý không lạng bớt phần mỡ đi vì nếu bỏ mỡ đi nhiều thì nem sẽ bị khô.

- Thái sợi phần bì và băm nhỏ thịt, mỡ. Tỏi bóc vỏ, giã nhỏ, thêm thính, 1 thìa nước mắm ngon, 1 thìa gia vị (hoặc hạt nêm) vào rồi trộn đều với bì và thịt băm nhỏ. Nắm nem thành từng nắm chặt tay, ăn cùng với nước mắm nguyên chất hoặc nước mắm pha chua ngọt đều ngon.

4. LÒNG NON XÀO DƯA

Nguyên liệu:

- 200gr lòng non
- 1 bát con dưa chua
- 1 quả cà chua
- Hành lá, tỏi băm, gừng
- Gia vị, bột nêm, nước mắm.

Cách làm:

Cắt 1 miếng gừng nhỏ có thể cho lọt vào bên trong đoạn lòng non, nhét miếng gừng vào trong đoạn lòng non dùng 1 tay cầm lấy đầu của đoạn lòng non, 1 tay vuốt cho miếng gừng chạy dọc theo đoạn lòng non cho đến đầu kia. Làm như thế 2 lần sau đó bóp lòng non với giấm và muối rồi rửa sạch lại với nước để lòng không bị tanh.

- Đun sôi 1 nồi nước với chút muối, gừng băm nhỏ khi nước sôi bạn cho lòng non vào chần nhanh khoảng 30 giây, vớt lòng non ra thả ngay vào bát nước lạnh để lòng được trắng và giòn.

- Thái lòng non thành những miếng vừa ăn và ướp với gia vị, hành khô.

Dưa chua thái khúc, hành lá thái khúc, gừng thái lát mỏng, cà chua thái múi cau.

Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa dầu đun nóng rồi cho hành, tỏi băm vào phi thơm cùng với gừng sau đó cho lòng non vào xào, thêm 1 chút nước mắm xào cho tới khi lòng non chín tới thì xúc ra đĩa.

Vẫn cái chảo ấy cho 1 thìa dầu vào đun nóng rồi cho hành, tỏi băm vào phi thơm sau đó cho cà chua vào xào cho chín mềm mới cho dưa chua vào xào cho dưa chín.  Cho thêm chút bột nêm rồi đổ đĩa lòng non vào xào cùng dưa khoảng 1 phút rồi nêm lại gia vị cho vừa ăn.

Cho hành lá thái khúc vào đảo đều là tắt bếp, xúc ra đĩa ăn cùng cơm nóng rất ngon.

5. GỎI BÒ CÀ PHÁO

Nguyên liệu:

- Cà pháo.

- Thịt bò mềm (vai hoặc diềm thăn).

- Cà rốt.

- Dưa chuột.

- Rau húng bạc hà (Nên có thểm 1 quả chua, khế hoặc xoài).

Cách làm gỏi bò cà pháo

Bước 1: Sơ chế cà pháo

- Cà pháo chọn loại quả non xanh, có thể là cà pháo trắng hoặc cà pháo xanh. Cà đem cắt bỏ cuống, rửa sạch. Sau đó thái cà pháo thành các lát hơi dày một chút rồi ngâm ngay vào trong chậu nước pha muối và chanh. Phải ngâm ngay để cà ra nhựa và không bị thâm.

Bước 2: Xào thịt bò

Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng rồi ướp với một chút bột canh. Phi thơm tỏi và gừng băm nhỏ, cho thịt bò vào xào chín rồi để nguội. 

Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu còn lại

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi.

- Dưa chuột rửa sạch, cắt bỏ đầu và đuôi, bổ dọc quả rồi nạo sạch ruột, đem thái sợi.

- Rau húng bạc hà nhặt lấy ngọn non, rửa sạch, thái dối.

Bước 4: Pha nước mắm trộn gỏi

Pha nước mắm với đường, chanh, tỏi, ớt theo khẩu vị. 

Bước 5: Trộn gỏi

- Cà rửa lại với nước sạch, sau đó để ráo nước, rồi cho vào bát. Thêm thịt bò đã nguội vào. Trộn tất cả với nước trộn gỏi vừa pha. Để 10-15 phút cho ngấm là ăn được.

Khi ăn, bạn có thể thưởng thức kèm bánh đa hoặc phồng tôm đều rất ngon! Cà pháo giòn giòn quyện lẫn với thịt bò đậm đà, thơm ngon, có vị chua cay mặn ngọt vô cùng hấp dẫn.

MINH NGỌC