Ngành nghiên cứu về địa chất, khoáng sản, điểm chuẩn vừa sức
Là ngành học nghiên cứu về cấu tạo của trái đất, các loại khoáng sản, Địa chất học - mang đến nhiều cơ hội việc làm mà nhiều người không nghĩ đến. Hiện nay, ở Việt Nam ngành Địa chất học vẫn còn mới lạ so với nhiều sinh viên. Song, ngành học này đã bắt đầu từ hơn 50 năm về trước, đào tạo nhiều thế hệ cử nhân đóng góp sức mình cho nghiên cứu, tìm hiểu và khai thác địa chất.
Ngành Địa chất học (hay còn gọi là Khoa học Địa chất) là một lĩnh vực nghiên cứu về cấu trúc, thành phần và quá trình hình thành của trái đất. Sau khi ra trường, các nhà địa chất học sử dụng các phương pháp khoa học như địa chất học, địa vật lý, địa hoá học, địa lý học và địa chất tài nguyên để khám phá, giải thích các hiện tượng liên quan đến địa chất như: sự phát triển của núi lửa, dịch chuyển của các mảng kiến tạo, thiên tai, khí tượng thuỷ văn…
Các ứng dụng của ngành Địa chất học rất đa dạng, từ việc tìm kiếm tài nguyên khoáng sản, năng lượng đến việc nghiên cứu và dự báo các hiện tượng địa chấn động đất, cung cấp thông tin cho xây dựng đường sắt, đường cao tốc...
Đặc biệt, trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và các khu vực, lãnh thổ có tài nguyên khoáng sản như than, vàng, dầu khí... thì cử nhân ngành Địa chất học càng đóng vai trò quan trọng để khai thác có hiệu quả. Đồng thời, có thể bảo tồn, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngày nay, trước sự diễn biến khó lường của các cơn bão lũ, động đất, sóng thần… người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu địa chất sẽ có thể đưa ra những dự đoán để con người giảm thiểu thiệt hại trong các đợt thiên tai.
Để theo đuổi ngành học đặc biệt này, học sinh có thể lựa chọn các trường có kinh nghiệm lâu năm trong đào tạo lĩnh vực Địa chất như trường ĐH Khoa học Tự nhiên ở 2 cơ sở TP.HCM và Hà Nội, trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội, trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM…
Năm 2024, điểm chuẩn của ngành này dao động từ 15-20 điểm dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là mức điểm được đánh giá là vừa sức với nhiều học sinh.
- Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) có mức điểm chuẩn ngành Địa chất học là 20 điểm, xét tuyển dựa trên tổng điểm thi của các tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Lý - Anh), D07 (Toán - Hoá - Anh), D10 (Toán - Địa - Anh). Còn tại cơ sở TP.HCM, điểm chuẩn ngành này đạt mốc 19,5 điểm.
- Trường ĐH Mỏ Địa chất - cơ sở giáo dục chuyên về lĩnh vực nghiên cứu địa chất có mức điểm chuẩn 16 điểm cho ngành Địa chất học.
- Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường có điểm chuẩn là 15 điểm. Ngoài hai tổ hợp A00, A01, trường còn xét tuyển thêm khối B00 (Toán - Hoá - Sinh), D01 (Toán - Văn - Anh).
Đầu ra rộng mở, dễ "săn" học bổng
Ngành Địa chất học trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng và chuyên sâu về cấu tạo địa chất ở Việt Nam và trên thế giới. Khi theo học lĩnh vực này, sinh viên sẽ được rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng tổ chức hợp tác thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày, báo cáo các kết quả trong quá trình thu thập, xử lý số liệu về địa chất.
Nhờ kiến thức về phương pháp nghiên cứu ngành Địa chất, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành chuyên viên quản lý khoáng sản, chuyên gia kiểm định đá quý, chuyên viên tư vấn và quản lý các dự án điều tra, khảo sát địa chất và tìm kiếm, thăm dò và khai thác khoáng sản, chuyên gia đánh giá tác động môi trường...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng (trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội) chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Địa chất học: "Trước đây, sinh viên tốt nghiệp ngành Địa chất học thường hướng đến các cơ quan, tổ chức như các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất, Cục Địa chất và Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Ngoài ra còn có các đơn vị quản lý khác tại địa phương.
Gần đây, xu thế lựa chọn làm việc trong các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng tăng. Ngoài ra, sinh viên có thể quan tâm đến việc tìm kiếm học bổng sau đại học để du học ở nước ngoài".
Sinh viên sau khi ra trường có thể kiếm được từ 8-15 triệu đồng/tháng tuỳ theo năng lực và vị trí nghề nghiệp. Song, hiện nay cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Địa chất học rộng mở do nhu cầu nhân lực cao nhưng ít người có thể đáp ứng các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng.
Ngày nay, một số trường đại học bắt đầu giản lược những nội dung nặng về lý thuyết, tập trung cho sinh viên thực hành, cọ xát thực tế, trải nghiệm tại doanh nghiệp để tăng kinh nghiệm và tạo sự mới mẻ trong quá trình đào tạo. Học phí để theo đuổi lĩnh vực này dao động từ 15-25 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các trường đào tạo ngành Địa chất học còn khích lệ sự nỗ lực, miệt mài nghiên cứu của sinh viên thông qua những suất học bổng tiếp sức tài năng. Từ đó, sinh viên có thể theo đuổi ngành học đầy thú vị này mà không cần quan tâm nhiều đến học phí.
TẤN PHƯỚC