Phụ huynh đổ xô cho con theo học Toán tư duy, các giáo viên, chuyên gia chỉ ra một điều quan trọng cần lưu ý

Google News

“Xiêu lòng” trước hàng loạt bài đăng quảng cáo về Toán tư duy, chị Hương (Hà Nội) muốn đăng ký cho con theo học. Tuy nhiên chị cũng có một thắc mắc: Liệu có phải Toán tư duy nào cũng dạy trẻ… tư duy?

Cũng như chị Hương, rất nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 “đăng đàn” trên nhiều hội nhóm để xin ý kiến liệu có nên cho con theo học các chương trình Toán tư duy, và nếu học, thì nên học chương trình nào. Mỗi topic đều có đến hàng trăm bình luận với nhiều ý kiến trái chiều. 

Cơn sốt Toán tư duy không phải mới nhen nhóm, thế nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa hề “hạ nhiệt”. Chỉ cần gõ từ khóa này trên Google, phụ huynh sẽ được tiếp cận hàng loạt lời quảng cáo “có cánh” với rất nhiều trung tâm được giới thiệu chất lượng tốt, đa dạng mô hình của các quốc gia nổi tiếng. Nội dung cũng vô cùng phong phú: Có chương trình dạy trẻ thông qua các tình huống giáo dục, các trò chơi trí tuệ, mô hình Toán học, hoạt động ứng dụng… Có chương trình học thông qua bàn tính, ngón tay… 

Nhiều phương pháp được quảng cáo giúp trẻ thực hiện phép tính toán nhanh chóng và chuẩn xác hơn, giúp việc hoạt động của hai bán cầu não được phát triển hơn. Trẻ sẽ ghi nhớ và giải quyết bài Toán bằng cách sử dụng tư duy logic thay phải học thuộc lòng, ghi nhớ từng phép tính, từng công thức. Theo khảo sát thì học phí các khóa học này không hề thấp, có khóa lên tới hàng chục triệu đồng. 

Tự hào vì con mới lớp 1 đã tính nhanh hơn anh chị lớp 3, lớp 4

Cho con học một chương trình “Toán tư duy” qua bàn tính từ khi 5 tuổi, chị Ngọc Quyên cho biết, con chị tiến bộ khá rõ. Đặc biệt, chị khá bất ngờ khi thấy con có những phương pháp tính toán cho kết quả khá chính xác. Cùng một phép tính cộng trừ hai chữ số, trong khi anh chị học lớp 2 còn lẩm nhẩm hoặc phải đặt tính rồi tính thì con chị Quyên đã trả lời vanh vách. 

“So với một bạn hàng xóm không đi học thì con mình làm nhanh hơn hẳn”, chị Quyên nói. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là: “Biết sớm như thế để làm gì trong khi đến lớp 4 bé vẫn học lại chương trình đó?”. Chị Quyên và nhiều phụ huynh khác không trả lời được thắc mắc này.

Nhiều phụ huynh từng cho con học nhiều loại toán tính nhanh một thời gian ngộ ra việc “các con chỉ học tính nhẩm nhanh theo cách của chương trình nhưng không vì thế mà học giỏi Toán”. Việc kích thích bán cầu não trái để phát triển thông minh có vẻ quá mơ hồ mà không biết hiệu quả thực chất của nó ra sao. 

“Tôi nghĩ các loại tính toán nhanh chỉ là thủ thuật tính toán chứ không phải Toán tư duy. Nó không giúp tăng khả năng tư duy với trẻ nhỏ, chỉ giúp các bạn tăng phản xạ với các con số, làm ra kết quả nhưng lại không hiểu bản chất của phép tính và linh hoạt trong phép tính. (Ví dụ như tính hoán đổi trong phép tính). Nếu muốn học Toán tư duy thì tìm hiểu các bài Toán tư duy logic, tư duy hình học hay hơn rất nhiều”, một phụ huynh nhận xét.

Học Toán tư duy là học phương pháp, học tư duy sáng tạo

Nói về vấn đề này, Th.S Nguyễn Thị Hiền - cựu giảng viên một trường ĐH cho rằng: Toán tư duy là các dạng Toán tăng cường trí thông minh của trẻ. Ví dụ như các dạng Toán nhận dạng hình; đếm hình; nối số, các bài Toán áp dụng trong thực tế… giúp cho trẻ có khả năng quan sát, phân tích, tưởng tượng, sáng tạo… Với học sinh lớn hơn đó là tư duy phản biện, khả năng linh hoạt ứng phó với tình huống, giải quyết vấn đề. 

Nhiều phương pháp dạy Toán tư duy hiện nay rất tốt, tuy nhiên quan trọng là cách triển khai sáng tạo chứ không phải cộng nhanh, cộng các số lớn. Những thao tác rập khuôn như vậy sau này có máy tính thay con người giải quyết, trong sách giáo khoa cũng có bài hướng dẫn sử dụng máy tính cầm tay. Vào tiểu học con sẽ học các phương pháp cộng trừ nhân chia truyền thống. Khi đó con hãy học và làm theo ở trường để tránh lẫn lộn trong phương pháp làm bài, để các bài thi đạt kết quả tốt nhất. 

Theo cô Hiền, tư duy được thể hiện, đánh giá không chỉ qua kết quả làm bài của học sinh, mà còn ở khả năng trình bày sự hiểu biết, cách suy nghĩ, lập luận để giải quyết bài Toán theo cách tối ưu nhất. Vì vậy, phụ huynh cần biết con mình đang học gì và học đúng.

Cần cân nhắc là sau khi được tư vấn về chương trình đào tạo, lộ trình phát triển của con mà trung tâm đó vạch ra thì có hiểu được lộ trình đó? Nếu hiểu và thấy phù hợp thì hãy nên cho con học. Vì có như vậy mới biết trong thời gian học con có đi đúng với lộ trình đó không, thông qua việc tư duy con có thay đổi tốt lên hay không. 

Còn cô Hương Trà, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội đánh giá, những phương pháp dạy tính nhẩm cũng có mặt tích cực của nó. Thông qua phương pháp này, con được rèn luyện và phát huy hết khả năng tính toán nhanh nhẹn chính xác; bước đầu xây dựng nền tảng tư duy logic; khả năng ghi nhớ tập trung cao. 

Cô Trà cho biết, trong giai đoạn tiền tiểu học 5 tuổi đến 7 tuổi, bố mẹ có thể chọn thời điểm hè để con được tập trung học và có nhiều thời gian rèn luyện. Vào năm học con sẽ tự tin rất nhiều khi gặp những phép Toán, việc tự tin quyết định kết quả học tập của con đến 80%. 

“Mỗi chương trình đều có những điểm mạnh. Bố mẹ nghiên cứu kĩ, lựa chọn để áp dụng đúng thời điểm và phù hợp với con để con trẻ sẽ lĩnh hội được cái hay cái tốt của chương trình học bất kì. Cần xác định mục tiêu thời điểm này con thành thạo kĩ năng gì? Tuỳ bố mẹ quyết định con học chương trình nào và lộ trình như thế nào, phương pháp nào. Chỉ sai khi không đúng phương pháp và lựa chọn sai thời điểm. 

Trong quá trình dạy học, bản thân mình vẫn có thêm những mẹo tính toán nhanh, có quy luật để kích thích các con tìm tòi khám phá. Nhưng sau đó mình vẫn quay lại câu hỏi Tại sao? Mình chưa thấy một học sinh nào tư duy tốt mà không tính toán nhanh nhẹn”, cô Trà nói.

Đừng lạm dụng khái niệm “Toán Tư duy”

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Phương, Nguyên Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ phát triển tài năng (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam  (VUSTA), người thầy đào tạo gần 500 học sinh khối THCS nhận huy chương các kỳ thi Toán quốc tế uy tín cho rằng: 

Trước hết cần phải thống nhất chung định nghĩa: “Toán Tư duy” là tên gọi chung các loại hình Toán học dùng để dạy cho trẻ nhằm để phát triển tư duy Toán học trong đó có kỹ năng tính toán và tư duy logic. Trẻ được tương tác, trao đổi, thảo luận, vấn đáp, trình bày với giáo viên càng nhiều càng tốt; được học và làm các bài tập có tính tư duy và theo cách có tư duy - chứ không chỉ là tính toán cho ra kết quả. Các phương pháp Toán tư duy được giảng dạy theo cách này tất nhiên sẽ mang lại lợi ích cho trẻ.

Hiện nay, nhiều mô hình “Toán tư duy” mà một số tổ chức giáo dục đang triển khai theo dạng thức “tính nhẩm, tính nhanh” với các kiểu tính toán trên ngón tay; Bàn tính cơ học; Bàn tính giấy (Paper Card); Bàn tính ảo (Magic Card); Tính toán tư duy hỗn hợp. Với sự nâng cấp phương pháp “bàn tính ảo” đã giúp học sinh thấu hiểu có thể tính nhẩm một số dạng toán nhanh gấp từ 5 đến 10 lần so với tốc độ thông thường. Tuy nhiên đây có phải là “Toán tư duy” cần phải dạy cho trẻ hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. 

“Áo khoác tư duy” rất rộng mà theo Tiến sĩ Howard Gardner (nhà tâm lý học Đại học Harvard Mỹ) có 8 loại hình thông minh trong thuyết đa trí tuệ và kỹ năng tính nhẩm chỉ là một thành tố bé nhỏ trong “Trí thông minh Toán học – Logic”. Khâu tính toán chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc xử lý bài Toán có lời văn - một dạng Toán cơ bản trong chương trình phổ thông và luôn có trong thực tiễn đời sống cũng như là hình thức tối thiểu khi biểu đạt các vấn đề của Toán học. Để giải quyết chính xác các bài Toán có lời văn, trước khi tính toán bạn cần phải hiểu đúng vấn đề để chuyển hóa yêu cầu bài Toán dưới dạng phép tính.

Tức là cần phải đặt phép tính đúng trước khi tính toán đúng. Việc chuyển hóa này gọi là “tư duy logic” hay còn gọi là “tư duy kỹ sư” còn việc tính toán chỉ là “công nhân” thực hành. Ngoài ra nếu để ý các bài Toán có lời văn trong SGK và sách bài tập tiểu học có số liệu đơn giản theo sát với đời sống nên không ăn nhập với nghệ thuật “trình diễn” tính nhẩm với nhiều con số sáng tác ngẫu nhiên. Trong đó có các số rất lớn để tạo ra các phép Toán “bắn chỉ thiên lên trời”, thầy Phương chia sẻ.

Thầy giáo Trần Phương và đội tuyển thi Toán học trẻ quốc tế IIMC 2022. Bên phải là Trần Hoàng Lâm. Em trai của Trần Xuân Bách) vừa giành Huy Chương Vàng Á Quân APMOPS 2023 tại Singapore.

Theo thầy Phương, nếu đồng nhất dạy “tính nhẩm, tính nhanh” là dạy “Toán Tư duy” sẽ không chính xác. Con người không cần phải tự biến mình thành kho dữ liệu chứa “hổ lốn” các thông tin không sắp xếp vì đã có Google, cũng không cần phải ghi nhớ nhiều quy tắc tính toán riêng biệt vì nếu gặp các phép tính phức tạp (kể các phép toán đại số hay giải tích như căn thức, logarit, Tích phân) thì chúng ta có một công cụ tính toán toàn năng và siêu tốc đó là “máy tính”. 

Nhưng con người cần phải biết phân tích logic các sự vật hiện tượng để biểu đạt các mối quan hệ chính xác dưới dạng Toán học. Thậm chí với sự ra đời của Chat GPT thông minh toàn diện thì con người cần phải học logic để luôn biến “máy tính” và Chat GPT là những “người hầu cận” thân thiết.

“Nhìn chung học Toán tính nhẩm tính nhanh không phải là tư duy chính thống để dạy trẻ em phát triển tư duy trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. 4,5 tuổi là giai đoạn vàng để phát triển cả về nhân cách, cảm xúc và tư duy, trong đó giáo dục Toán học bắt đầu từ việc làm quen với “Số và Hình” rất quan trọng.

Nếu trẻ ham học thì có thể chọn các trang mạng quốc tế như Khan Academy hoặc các trang  trong nước có uy tín để cha mẹ là người thầy đầu tiên của con. Với các bé có năng khiếu Toán học thì cần định hướng lộ trình phát triển tư duy Toán học kết nối với Công nghệ thông tin nói riêng và STEM nói chung”, thầy Phương gợi ý. 

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên: Nếu thật sự vì lợi ích của con cái, cha mẹ cần chọn lọc việc học 

Theo tôi, việc khuyến khích học sinh học tốt môn Toán là một điều tốt, ở cà trường học lẫn phía cha mẹ. Toán học và Ngôn ngữ tạo nên nền tảng của tư duy trừu tượng, tư duy logic và cả tư duy sáng tạo. Toán tư duy chỉ là một cách gọi chứ không phải là một bộ môn hay phân môn của toán học. Nhiều chương trình học được gọi là Toán tư duy trên thị trường hiện nay về bản chất là môn Toán được dạy theo hướng ứng dụng, để giúp học sinh giải quyết một số vấn đề thực tiễn. 

Do cách học môn Toán trong trường vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực hành và ứng dụng nên toán tư duy tạo ra sự hấp dẫn với phụ huynh và học sinh. Tính nhanh, tính nhẩm là một vài trong số các kỹ năng Toán được dạy trong trường học chứ không có gì mới hay đột phá cả. Việc học sinh tìm hiểu thêm Toán ứng dụng, hay Toán phổ thông của các nước khác cũng có thể bổ ích với các em nếu áp dụng khoa học, liều lượng vừa phải, không mang tính cưỡng bức, nhồi nhét, lấy thành tích... 

Ngoài ra thời lượng học môn Toán cũng cần cân đối so với tổng thể các môn học khác nữa, cũng như cân đối với thời gian vận động, nghỉ ngơi, giải trí, ngủ... Do vậy, cha mẹ cần xác định rõ lý do học thêm môn Toán ngoài trường, mục tiêu của việc học, nội dung học, phương pháp học có phù hợp không. Và quan trọng nhất là con có thích học không, có tự nguyện học hay đang đáp ứng một sự sắp đặt "từ trên xuống" của cha mẹ. Nếu thật sự vì lợi ích của con cái, cha mẹ cần chọn lọc việc học và không nên học những gì không cần thiết.

ÁNH TUÂN