Tin tức 24h: Không khí lạnh tăng cường vào ngày đầu đi làm trở lại sau Tết, nhiều nơi mưa phùn

Google News

Sau chuỗi ngày tăng nhiệt, nắng gắt, miền Bắc chuẩn bị đón một đợt không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt miền Bắc giảm, nhiều nơi kèm theo mưa phùn và sương mù.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh tăng cường, nhiều nơi mưa phùn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng. Sáng và đêm trời rét. Trong đó, thời tiết Hà Nội hôm nay cũng chung hình thái trên với nền nhiệt cao nhất đến 26 độ C.

Sang ngày mai (15/2) sẽ xuất hiện một đợt không khí lạnh tăng cường yếu khiến những khu vực trên có mưa nhỏ, nền nhiệt cao nhất giảm nhẹ khoảng 2-3 độ C so với trước đó, dao động 22-23 độ C.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến nhiệt độ miền Bắc giảm nhẹ từ ngày mai (15/2).

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong ngày 16/2, không khí lạnh tiếp tục được tăng cường yếu xuống phía bắc nước ta, sau suy yếu. Thời gian này, miền Bắc có mưa nhỏ vài nơi về đêm và sáng, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ có xu hướng tăng. Ngoài ra, khu vực Trung Trung Bộ trở vào Nam Bộ và Tây Nguyên ngày nắng, riêng miền Đông Nam Bộ có nơi nắng nóng 35-36 độ C.

Trên biển, đêm 14/2, vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3 m; biển động. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước ngày 15/2 (mùng 6 Tết):

Hà Nội: Nhiều mây, đêm có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ; ngày có mưa nhỏ rải rác. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ.Nhiệt độ cao nhất 22-24 độ.

Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, đêm có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ; ngày có mưa nhỏ rải rác; riêng khu Tây Bắc đêm và sáng nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, trưa chiều trời nắng. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ, riêng khu Tây Bắc 13-16 độ. Nhiệt độ cao nhất 22-25 độ, riêng khu Tây Bắc 25-28 độ, có nơi trên 30 độ

Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, đêm có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ; ngày có mưa nhỏ rải rác. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ, vùng núi có nơi dưới 16 độ. Nhiệt độ cao nhất 21-24 độ.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Nhiều mây, đêm có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ.

Đà Nẵng Đến Bình Thuận: Có mây, đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ. Nhiệt độ cao nhất: Phía Bắc 27-29 độ, phía Nam có nơi trên 29-32 độ, có nơi trên 32 độ.

Tây Nguyên: Có mây, đêm không mưa, ngày nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ.

Nam Bộ: Có mây, đêm không mưa; ngày nắng, riêng miền Đông có nơi nắng nóng. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ, miền Đông có nơi trên 35 độ.

Mùng 5 Tết, giá vàng SJC, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 14-2 (mùng 5 Tết), giá vàng SJC được một số doanh nghiệp ở TP HCM niêm yết mua vào ở 77 triệu đồng/lượng, bán ra ở 77,6 triệu đồng/lượng - giảm thêm 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Giá vàng SJC giữa các doanh nghiệp, tiệm vàng tiếp tục duy trì sự chênh lệch đáng kể. Công ty Mi Hồng giao dịch vàng SJC quanh 76,8 triệu đồng/lượng mua vào và 77,8 triệu đồng/lượng bán ra - giảm 400.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp như SJC, PNJ đóng cửa trước kỳ nghỉ Tết với giá vàng SJC ở mức 76,7 triệu đồng/lượng mua vào và 78,9 triệu đồng/lượng bán ra. Mức giá này cao hơn cả triệu đồng mỗi lượng so với các tiệm vàng.

Giá vàng trong nước giảm mạnh cả vàng SJC lẫn vàng nhẫn

Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng tiếp tục đi xuống. Hiện giá vàng nhẫn được các tiệm vàng niêm yết ở 62,4 triệu đồng/lượng mua vào và 62,8 triệu đồng/lượng bán ra - giảm khoảng 350.000 đồng/lượng so với hôm qua. 

Năm 2024, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chỉ kéo dài 2 ngày

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết và được hưởng nguyên lương.

Cụ thể, Tết Dương lịch được nghỉ 1 ngày (ngày 1/1 Dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 Dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 Âm lịch).

Năm 2024, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chỉ kéo dài 2 ngày

Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ theo quy định.

Sau Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương là kỳ nghỉ lễ gần nhất, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động trong 1 ngày là ngày 10 tháng 3 Âm lịch.

Năm 2024, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch rơi vào thứ Năm ngày 18/4. Đây là ngày làm việc trong tuần của người lao động nên lịch nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 chỉ nghỉ 1 ngày là thứ Năm ngày 18/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).

Lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Đối với ngày Ngày Chiến thắng (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế lao động (1/5 Dương lịch), năm nay 2 ngày nghỉ này rơi vào ngày thứ Ba, thứ Tư. Đây cũng là các ngày làm việc trong tuần nên người lao động nghỉ đợt lễ này sẽ không được nghỉ bù.

Theo đó, lịch nghỉ 30/4 và 1/5 năm 2024 sẽ kéo dài 2 ngày, từ thứ Ba ngày 30/4 đến hết thứ Tư ngày 1/5.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, Tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).

Về mức lương làm thêm giờ, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm dịp Tết Nguyên đán vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.

Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ, SJC được duy trì ở mức cao quanh 63,4 - 64,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa mở cửa giao dịch sau Tết, còn các tiệm vàng đã mở cửa trở lại từ mùng 4 Tết.

Giá vàng trong nước lao dốc theo đà rơi tự do của giá thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay lúc 9 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) giao dịch ở 1.991 USD/ounce, giảm khoảng 30 USD/ounce - tương đương giảm 900.000 đồng/lượng. 

Cải cách tiền lương từ 1-7: Thủ tướng đã ban hành kế hoạch triển khai

Để thực hiện việc cải cách tiền lương từ 1-7-2024, ngày 31-1, Thủ tướng ban hành Quyết định 135 về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp

Kế hoạch được xây dựng gồm 8 nội dung chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận 64-KL/TW và Nghị quyết 104/2023/QH15; quán triệt thống nhất nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thứ hai, báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã

Thứ ba, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới: (i) Xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang. (ii) Rà soát sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận 35-KL/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm kế thừa, ổn định trong tổ chức bộ máy; chỉ điều chuyển những vị trí thực sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh tương đương.

Thủ tướng đã ban hành kế hoạch triển khai việc cải cách tiền lương. Ảnh: PLO

Thứ tư, xây dựng Tờ trình về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội

Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang: Xây dựng 3 bảng lương và phụ cấp đối với lực lượng vũ trang; hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới; xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang…

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; ban hành Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước.

Thứ bảy, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới.

Thứ tám, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương.

Ban hành kèm theo quyết định là danh mục các nhiệm vụ cụ thể trong việc cải cách tiền lương từ nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đến thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều trường tư tuyển sinh lớp 1 trực tuyến cho năm học 2024 - 2025

Tiền Phong đưa tin, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã thông báo tuyển sinh lớp 1 bán trú năm 2024 - 2025. Đối tượng là học sinh 6 tuổi và cha mẹ có nguyện vọng cho con học tại trường. Trường này thông báo sẽ phỏng vấn trực tiếp học sinh để xét tuyển vào ngày 7/4 và thông báo kết quả 1 tuần ngay sau đó.

Đặc biệt, phụ huynh không cần phải đến trường nộp hồ sơ mà chỉ cần quét mã QR nhập thông tin trước ngày 26/3. Sau đó, qua thư điện tử, phụ huynh được gửi đơn đăng ký xét tuyển lớp 1, các thông tin về chương trình học, học phí, lộ trình ô tô tham khảo…

Bà Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm trường chỉ có hơn 500 chỉ tiêu nhưng số lượng hồ sơ nhận vào khoảng 1.800. Do đó, nhà trường sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp để đánh giá sự tương tác và cách phát âm của học sinh. Điểm khác biệt của mùa tuyển sinh năm nay là nhà trường dự kiến tổ chức một đợt thay vì 3-4 đợt như các năm trước. Thời gian xét tuyển dự kiến vào 7/4, thông báo kết quả sau 15/4.

Trường Tiểu học Marie Curie tuyển 660 học sinh lớp 1 ở ba cơ sở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Kiến Hưng (Hà Đông) và Việt Hưng (Long Biên). Chỉ tiêu ở cơ sở Việt Hưng đông nhất với 300 học sinh (10 lớp), hai cơ sở còn lại mỗi nơi tuyển 180 em (6 lớp).

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Marie Curie, cho biết sẽ có hướng dẫn tuyển sinh năm học 2024 - 2025 ở từng cơ sở vào đầu tháng 3. Năm nay trường tổ chức đăng ký tuyển sinh trực tuyến, chấm dứt việc phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm như các năm.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường tuyển sinh trực tuyến, chấm dứt cảnh phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ từ đêm hôm trước như năm ngoái. Ảnh: Tiền Phong.

Về cách tuyển, trường đón học sinh đến trải nghiệm miễn phí vào một ngày trong tháng 4. Tại đây, các em học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, ăn, ngủ trưa, hoạt động tập thể (văn nghệ - thể thao), tương tự một ngày ở trường.

Những em có khả năng tập trung trong giờ học, tự tin và hợp tác với giáo viên, có nếp ăn, nếp ngủ tốt, có năng khiếu, năng động và tính đồng đội trong hoạt động văn nghệ - thể thao sẽ được chọn.

Bà Lan cho hay sau khi học sinh được chọn vào trải nghiệm, phụ huynh cần mua hồ sơ và đặt cọc (dự kiến khoảng 5 triệu đồng). Nếu trúng tuyển, số tiền này sẽ được trừ vào các khoản đóng góp, nếu không phụ huynh sẽ được trả lại tiền.

"Việc này nhằm hạn chế số lượng tham gia ảo, ảnh hưởng tới kế hoạch của gia đình khác", bà Lan nói.

Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm, đã phát hành hồ sơ từ 24/1, kéo dài đến khi đủ chỉ tiêu. Trường tuyển 12 lớp 1, sĩ số 30-32 học sinh mỗi lớp theo hình thức xét tuyển.

Ngoài đơn đăng ký tuyển sinh theo mẫu, phụ huynh cần nộp thêm bản sao hoặc photo giấy khai sinh của trẻ.

Tiểu học Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) thông báo tuyển là 234 học sinh lớp 1 với 9 lớp (mỗi lớp không quá 26 học sinh), ít hơn năm ngoái 2 lớp. Đại diện nhà trường nêu lý do là cơ sở vật chất hạn chế.

Năm học 2023 - 2024, trường có hai mô hình lớp quốc tế và lớp Cambridge tiêu chuẩn. Tuy nhiên, năm nay phương án này đang được cân nhắc. Khoảng tháng 3, trường sẽ mở cổng đăng ký trực tuyến và đưa ra các thông tin cụ thể, cũng như giải đáp thắc mắc của phụ huynh.

Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy tuyển 5 lớp 1, với 150 học sinh. Trường bắt đầu tuyển sinh từ tháng 12/2023, hiện đã có hơn 80 học sinh đăng ký nhập học. Theo đại diện tuyển sinh, trường vẫn nhận hồ sơ đến khi đủ chỉ tiêu.

Học sinh đăng ký sẽ đến trường phỏng vấn vào thứ 7 hàng tuần, nếu trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học luôn.

Trường Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội (quận Thanh Xuân) phát hành hồ sơ lớp 1 từ tháng 11/2023 cho đến khi hết chỉ tiêu 9 lớp, với 32 học sinh/lớp. Theo lịch dự kiến, trường đã tổ chức xong việc đánh giá năng lực và chỉ còn vòng thi học bổng, dự kiến vào ngày 2/3.

Hàng năm, Hà Nội tuyển sinh lớp 1 công lập vào tháng 7. Các trường tư thục được chủ động tuyển sinh. Hầu hết trường thu hồ sơ sớm, từ khoảng cuối năm trước, theo VnExpress.

H.A