Trước "giờ G" thi tốt nghiệp THPT 2024: Bí quyết vàng để sĩ tử giảm áp lực, căng thẳng trong lúc làm bài thi

Google News

Bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh, việc sĩ tử có áp lực, căng thẳng là điều dễ hiểu. Theo các chuyên gia, nhiều em cố nhồi nhét, ôn "tốc lực" trong ngày cuối nhưng đây là điều không cần thiết, không mang lại hiệu quả.

Giữ tinh thần thoải mái, hiểu những điểm mạnh, điểm yếu và hãy tin vào bản thân

Sáng mai (27/6), các sĩ tử sẽ thi môn đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024. Bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh, việc sĩ tử có áp lực, căng thẳng là điều dễ hiểu. 

Theo Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, các sĩ tử chịu nhiều áp lực, đầu tiên là về điểm số, sợ không đạt được như ý muốn. Thứ 2 là sợ không thể đạt được kỳ vọng của gia đình. Tiếp đó là áp lực với bạn bè đồng trang lứa, sợ bị so sánh kết quả.

Sáng mai, các sĩ tử bước vào môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024 (Ảnh minh họa)

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành cho biết các thí sinh cần giữ sự thoải mái, tập thói quen tư duy ngược. Nghĩa là hãy tập trung vào quá trình thay vì kết quả, dù kết quả thế nào không quan trọng bằng cả quá trình cố gắng hết sức. "Hãy xem kỳ thi này là để đánh giá năng lực của bản thân. Với mỗi năng lực sẽ có những con đường, định hướng khác nhau nên các em hãy giữ tinh thần thoải mái, hãy tập trung vào quá trình và tâm thế sẵn sàng đón nhận. Để có tâm lý thoải mái, trước ngày thi các thí sinh hãy có chế độ ăn uống sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, đừng lo lắng quá dẫn đến mất ngủ. Ăn khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng để điểm rơi phong độ đúng ngày thi cả về sức khỏe, tâm lý, tinh thần.

Ôn tập là cả một quá trình, thời điểm này là để hệ thống lại kiến thức, không được tập trung toàn bộ sức lực để rồi vào phòng thi không đủ sức để làm bài hiệu quả", thạc sĩ Thành đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử.

Trong khi đó chị Hoàng Thị Thu Nhiên - Giám đốc một trung tâm hỗ trợ tâm lý ở Hà Nội cũng cho biết các sĩ tử thi THPT chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là việc sợ không làm được bài, sợ không đạt nguyện vọng 1,... từ đó dẫn đến rơi vào căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Theo chị Thu Nhiên, để có tâm lý tốt nhất, hãy tập trung vào chính mình. Hiểu những điểm mạnh, điểm yếu và hãy tin vào bản thân. Hãy tự đặt câu hỏi: “Bạn có thể làm tốt bằng cách nào?”, “Có bất kỳ điều gì cần lưu ý lúc này không?”, “Làm gì để khắc phục nó được nhiều nhất?”, “Lo sợ có giúp gì không?”… Khi có sự sẵn sàng về tâm lý, đó là lúc áp lực được giảm bớt.

Một tâm lý tốt có thể giúp ích rất nhiều cho các sĩ tử khi làm bài thi

"Việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, điều độ cũng rất quan trọng. Không ăn đồ ăn lạ, tránh việc ảnh hưởng đến sức khoẻ trước ngày thi. Việc nghỉ ngơi sẽ giúp kiến thức đã học được ngấm sâu, vận dụng một cách tốt nhất trong bài thi. Nhồi nhét quá nhiều chỉ tạo thêm áp lực, tăng tâm lý lo lắng, căng thẳng.

Ngoài ra có thể dành thời gian để nghe nhạc, chơi thể thao, thư giãn theo sở thích. Ngủ đủ giấc, tránh thiếu ngủ làm mất khả năng tập trung, mệt mỏi, thậm chí có thể làm trễ giờ thi vì ngủ quên vào buổi sáng", chị Thu Nhiên chia sẻ.

Những lưu ý nếu gặp phải tình huống cấp bách trước giờ thi và trong quá trình làm bài thi

Một số tình huống éo le có thể xảy ra trước giờ thi như: đi muộn, quên giấy tờ, quên dụng cụ… Khi gặp những tình huống này, các sĩ tử cần bình tĩnh, nhờ cậy sự giúp đỡ từ thầy cô, lực lượng chức năng, tình nguyện viên tiếp sức mùa thi để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.

Thạc sĩ Võ Minh Thành chia sẻ: "Khi vào vào phòng thi, nhiều bạn bị tâm lý sợ đề khó, đề dài. Nhưng hãy tư duy theo kiểu đề khó là chung cho cả nước, nguyên tắc là phải đọc một lượt hết đề từ trên xuống dưới, chọn những câu nào dễ và vừa sức để làm trước, câu khó làm sau. 

Hãy nhờ sự trợ giúp khi nào cần từ các thầy cô, lực lượng chức năng, tình nguyện viên khi gặp tình huống bất trắc ảnh hưởng đến kì thi (Ảnh minh họa)

Nhiều em còn áp lực khi thấy các bạn xung quanh làm tốt, xin giấy nhiều. Các em hãy nhớ rằng chất lượng luôn hơn số lượng. Kì thi này không phải cạnh tranh mà chỉ cần đủ điểm là đã có cơ hội xét tuyển vào các trường đại học theo mong muốn. Vì thế, hãy tập trung làm bài của mình thật tốt, đừng bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh".

Theo thạc sĩ Thành, nhiều sĩ tử cũng hoang mang khi thấy thí sinh cùng phòng làm bài xong sớm. "Tôi khuyên các em không nên ra khỏi phòng thi sớm, hãy tận dụng hết thời gian của mình, nếu làm xong sớm hãy rà soát lại bài vài lượt, tìm và chỉnh sửa lỗi sai để chắc chắn bài thi của mình đã hoàn chỉnh trước khi nộp bài. Đồng thời đừng áp lực bởi kết quả môn thi trước, bình tĩnh thi xong môn nào thì qua môn đó, tập trung cho những môn còn lại".

Thạc sĩ Đỗ Thị Trà Mi - Giáo viên một trường cấp 3 ở Hà nội cho biết khi làm bài các em hãy bấm thời gian, phân bổ thời gian hợp lý cho các câu hỏi. 

Trong phòng thi, thí sinh lưu ý với các bài thi trắc nghiệm, tô đúng số báo danh, tô bằng bút chì, viết họ tên bằng bút bi. Với môn thi tự luận, nếu xin thêm giấy phải ghi đầy đủ thông tin trong tất cả các tờ, ghi số tờ.

Khi nhận đề thi, kiểm tra kĩ đề, nếu bị rách, mờ nhòe, sẽ được đổi sau 5 phút. Sau thời gian này, thí sinh phải chịu trách nhiệm về đề thi của mình. Đọc kĩ đề thi, phân bổ thời gian làm bài hợp lý, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau.

"Hãy giữ cho mình tâm lý thoải mái nhất khi nhận đề thi. Bình tĩnh đọc một lượt, ghi ra giấy nháp những câu vừa sức để làm trước, không nên sa đà vào những câu hỏi quá khó mà bỏ lỡ những câu hỏi ở phần kiến thức cơ bản", cô Trà Mi chia sẻ. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 29/6. Ngày 26/6, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Ngày 27/6, buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán. Ngày 28/6, buổi sáng thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (tuỳ vào lựa chọn của thí sinh đã đăng ký từ trước), buổi chiều thi Ngoại ngữ. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng.

Theo số liệu thống kê, sẽ có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024 trên cả nước.

H.A