Thớt là dụng cụ nhà bếp quen thuộc trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, nhiều người không biết hoặc không chú ý đến cách dùng sao cho đúng nên dễ biến thớt trở thành "ổ vi khuẩn" gây ra đủ thứ bệnh nguy hiểm.
1. Chỉ dùng một chiếc thớt
Có nhiều gia đình sử dụng chung một chiếc thớt để cắt, thái cho cả đồ ăn chín và tươi sống. Tuy nhiên, các thực phẩm tươi sống như thịt đỏ, thịt trắng và hải sản có thể chứa vi khuẩn Ecoli và Salmonella - loại vi khuẩn gây ra các bệnh tiêu chảy, bệnh đường ruột…
Nếu bạn vừa dùng thớt để sơ chế các thực phẩm tươi sống trên, sau đó lại thái rau củ hay trái cây sẽ dễ dẫn đến lây nhiễm chéo. Chính vì thế, bạn nên dùng riêng 2 loại thớt khác nhau để bảo đảm sức khỏe.
2. Dùng nước rửa bát để vệ sinh thớt
Nước rửa bát thông thường thực ra chỉ làm sạch vi khuẩn trên bề mặt thớt mà không loại bỏ được vi khuẩn ẩn sâu trong thớt. Bất ngờ chưa?
Chưa kể lượng hóa chất lưu lại trên thớt rất dễ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người trong nhà. Cho nên thay vì sử dụng chất tẩy rửa hóa học, bạn hãy dùng giấm, chanh, muối tự nhiên để vệ sinh thớt sau khi sử dụng.
3. Sử dụng cả 2 mặt thớt
Vì không chú ý, nhiều người thường sử dụng 2 mặt của thớt để cắt, thái thực phẩm. Tuy nhiên, các mặt phẳng dùng để kê thớt khi sử dụng thường là nền nhà, kệ bếp, bậc thềm…
Đây đều là các nơi không hoàn toàn sạch sẽ, chứa nhiều vi khuẩn. Khi sử dụng cả 2 mặt thớt như vậy, vi khuẩn rất dễ bám vào cả 2 bề mặt.
4. Dùng một chiếc thớt quá lâu
Sau thời gian sử dụng, mặt thớt sẽ có nhiều vết cắt. Lâu ngày ở vị trí này, thức ăn sẽ bị giắt vào tạo nên ổ vi khuẩn.
Vì vậy, với thớt dùng cho thức ăn chín, khoảng từ 6 - 8 tháng, bạn nên thay thớt một lần. Còn với thớt sử dụng cho đồ tươi sống cũng nên thay hàng năm.
Theo An Chi / Vietnamnet