Sốc phản vệ độ II và loạt hậu quả vì côn trùng đốt

Google News

Mới đây, một cụ ông ở Quảng Bình bị sốc phản vệ độ II sau khi bị kiến đốt. Trước đó, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do côn trùng cắn.

Sốc phản vệ sau khi bị muỗi đốt
Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, gần đây cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ độ II.
Bệnh nhân là ông P.V.H. (94 tuổi trú tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới), vào viện trong tình trạng khó thở, ngứa và ban đỏ nổi khắp cơ thể.
Soc phan ve do II va loat hau qua vi con trung dot
 Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: Dân Trí.
Chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ, các bác sĩ ngay lập tức tiêm thuốc Adrenalin và chuyển khoa hồi sức tích cực và chống độc để theo dõi, điều trị. Theo người nhà bệnh nhân, cụ H. có tiền sử hen phế quản và nhiều lần dị ứng do muỗi đốt.
Suy đa tạng vì ong vò vẽ đốt
Tháng 10/2023, Khoa Cấp cứu – Hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận 2 anh em bệnh nhi D.Q.T. (nam, 5 tuổi) và D.M.T.D. (nữ, 3 tuổi) trú tại Kiên Giang, được chuyển viện với chẩn đoán ong vò vẽ đốt, tổn thương đa cơ quan.
Thông tin trên VTV cho biết, khai thác bệnh sử ghi nhận, trước nhập viện 1 ngày, các bệnh nhi cùng người chị họ 8 tuổi chơi ở sân vườn sau nhà thì bất ngờ gió thổi làm tổ ong trên cây rơi xuống, ong vò vẽ bay ra đốt ở đầu, mặt, mình, tay, chân. Người nhà phát hiện đưa 2 bệnh nhi đến bệnh viện địa phương (chị họ bị đốt ít và bỏ chạy kịp nên tình trạng ổn định).
Tại đây, các bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, khó thở, tay chân lạnh. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi được điều trị cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Soc phan ve do II va loat hau qua vi con trung dot-Hinh-2
 Bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam.
Lúc vào viện, bệnh nhi D. trong tình trạng trụy tim mạch, khó thở tím tái, vàng da vàng mắt, tiểu ít, ghi nhận khoảng 55 vết ong đốt ở đầu cổ, lưng, tay, chân. Bệnh nhi được đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc và được làm một xét nghiệm cấp cứu với kết quả cho thấy tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận nặng, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng kali máu. 
Bệnh nhi D. được nhanh chóng chuyển Khoa Hồi sức, được tiến hành lọc máu liên tục, sau 2 đợt lọc máu, tình trạng bệnh nhi cải thiện. Còn bệnh nhi T. bị ong đốt 28 vết, tổn thương gan nặng, chưa tổn thương thận, suy hô hấp. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch 1,5 nhu cầu và kiềm hóa nước tiểu, điều trị hỗ trợ gan, trẻ cải thiện dần, cai được máy thở tỉnh táo, tiểu khá.
Nguy kịch sau khi bị kiến xoan đốt
Cũng trong tháng 10/2023, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cứu sống một bệnh nhân bị sốc phản vệ nguy kịch do kiến xoan đốt.
Bệnh nhân T.T.T. (46 tuổi, trú tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang) được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện khoảng 10 phút, bệnh nhân đang đi làm, bị kiến xoan đốt vào sườn bên phải. Sau khi bị đốt, bệnh nhân vã mồ hôi, tím tái, ngất lịm đi... nên được người xung quanh đưa thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nguy kịch và được cấp cứu nhanh chóng, điều trị bằng nhiều biện pháp như hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt.
Sau 10 phút nỗ lực "chạy đua với tử thần", huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tự thở và tỉnh táo hoàn toàn.
Bị ong đốt hơn 100 nốt, bé trai 10 tuổi tử vong
Tháng 9/2023, một bé trai 10 tuổi tử vong do bị suy đa tạng, rối loạn đông máu sau khi bị ong đốt. Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh viện đã tiếp nhận, cấp cứu bé trai B.L (10 tuổi, ở Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt, rải rác khắp cơ thể khi đang trên đường đi học.
Ngay sau khi bị ong đốt, bé L. được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng trong tình trạng tỉnh táo nhưng mệt và khó thở nhiều. Ngay sau khi xử trí ban đầu, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Bé L. được đưa vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng. Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành hỗ trợ chức năng cơ quan cho bệnh nhi.
Soc phan ve do II va loat hau qua vi con trung dot-Hinh-3
 Con ong được gia đình bệnh nhân chụp lại. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.
Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, cần duy trì thêm nhiều thuốc trợ tim, vận mạch. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi.
Mặc dù đã được điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Sốc phản vệ độ 3 do kiến đốt
Vào tháng 7/2023, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu cho một trường hợp hy hữu sốc phản vệ sau khi bị kiến đốt.
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, bệnh nhân là chị N.T.T. (39 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ). Cách nhập viện 4 ngày, chị T. bị kiến đốt vào vùng vai trái gây ngứa khắp cơ thể.
Sau khi điều trị tại một số cơ sở, tình trạng bệnh không thuyên giảm, người bệnh đã nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do kiến đốt.
Người bệnh có tiền sử bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin và bệnh lý tăng huyết áp. Sau 12 giờ dùng thuốc điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế, các triệu chứng của người bệnh thuyên giảm và sức khỏe dần ổn định.
Chạy ECMO, lọc máu cứu trẻ 5 tuổi bị ong đốt
Năm 2022, bé trai 5 tuổi L.G.B (Bình Tân, TP HCM) bị tấn công bởi hơn 15 mũi chích từ ong vò vẽ trong vườn.
Vết ong đốt được người nhà sơ cứu giảm đau tại chỗ bằng lá môn và vôi trầu. Khi vào đến cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã 8 giờ sau tai nạn, bệnh nhi L.G.B đừ, môi tái, oxy máu thấp, tay chân mát lạnh, mạch khó bắt, huyết áp tụt nghiêm trọng, vàng da vàng mắt.
Bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, tăng nhanh liều vận mạch nhiều loại, kháng viêm mạnh toàn thân, kháng dị ứng, nhanh chóng xử trí một trường hợp phản vệ. Tuy nhiên, độc tố vẫn không được khống chế và tình trạng suy đa tạng tiến triển nhanh chóng.
Soc phan ve do II va loat hau qua vi con trung dot-Hinh-4
 Cấp cứu cho bé trai 5 tuổi bị ong vò vẽ chích.
Bệnh nhi bị suy gan thận, chức năng tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rối loạn đông máu, tổn thương phổi rất nặng, thở máy và trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Bệnh nhi được chỉ định chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục.
Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi dần cải thiện, được cai ECMO sau hơn nửa tháng và rút ống nội khí quản ổn định. Sau một tháng điều trị, tình trạng suy đa tạng cải thiện tốt, tổn thương phổi dần ổn định trở lại.
Xử lý thế nào khi bị sốc phản vệ?
Sốc phản vệ là tình trạng dị ứng nặng xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Các trường hợp sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ, sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ. Ở mức độ 1, người bệnh sẽ nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt. Khi ở mức độ 2 sẽ thêm triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy. Tại mức độ 3, người bệnh tụt huyết áp, trụy mạch. Ở mức độ 4, người bệnh ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong.
Mức độ nặng, nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị.
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, khi xuất hiện những triệu chứng sốc phản vệ sau, người bệnh cần được cấp cứu ngay:
- Khó thở
- Đau, tức ngực
- Huyết áp thấp
- Mạch yếu và nhanh
- Chóng mặt
- Người bệnh lú lẫn, lơ mơ…
Nguyên tắc khi cấp cứu sốc phản vệ là phải khẩn trương, thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay tại chỗ cho đến khi đảm bảo được đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng adrenalin, truyền dịch... rồi mới được chuyển đi nơi khác.
Trong thời gian chờ đợi y bác sĩ cấp cứu, nên thực hiện những việc sau:
Lập tức dừng tất cả các yếu tố dị nguyên gây nguy cơ.
Đặt bệnh nhân nằm thoải mái tại chỗ ở tư thế chân cao đầu thấp, hạn chế người tụ tập quanh bệnh nhân, tạo môi trường thoáng khí cho bệnh nhân.
Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê. Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi cho bệnh nhân.
Nếu có chút hiểu biết về thuốc, hãy chuẩn bị Adrenalin - thuốc thường được sử dụng trong chống sốc phản vệ. Tiêm bắp cho nạn nhân với liều lượng phù hợp.
Phải khẩn trương thực hiện các thao tác trên đến khi đảm bảo nạn nhân thở được, ổn định hô hấp, tuần hoàn rồi mới chuyển bệnh nhân đi nơi khác.
Bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên (như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Phản vệ có thể phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)