Mùa vịt, món ăn từ loại gia cầm phổ biến này có thể chế biến từ món bình dân trong mâm cơm gia đình tới cao cấp trên bàn tiệc. Vịt nấu cam là một món nằm trung dung giữa hai loại này, hoàn toàn có thể nấu vào ngày thường tùy vào cảm hứng của bà nội trợ bởi không quá cầu kỳ, lại có thể trở thành món ăn ngon mắt, ngon miệng bày trên bàn vào dịp cuối tuần đãi khách. Bất kể ngày nào, chỉ cần lũ nhóc trong nhà mè nheo, bà mẹ chiều con cũng có thể ra chợ xách con vịt đã được vặt lông sạch sẽ và vài thứ gia vị đơn giản về nhà, nửa tiếng vào bếp là sau đó có thể nghe giọng nhóc tỳ thỏ thẻ: Mẹ ơi, món gì thơm thế! Vậy thử xem sao nhỉ!
Trong giỏ đi chợ để chế biến món vịt nấu cam tất có 1 con vịt, thêm 4-5 quả cam vàng mọng nước, một nhánh gừng tươi (nếu trong nhà không có sẵn rượu gừng), 1 lạng dừa bào nhỏ, 1 mớ rau mùi.
Trước tiên, đem vịt rửa lại cho kỹ, nhặt sạch lông măng. Để tẩy mùi hoi của vịt, xát rượu gừng (gừng tươi giã nát chế chút rượu trắng) lên khắp bề mặt da của con vịt. Sau đó đem chặt vịt làm 4 miếng to, đầu cổ cánh chặt riêng. Vịt đem áp chảo cho sém vàng. Chú ý không để thịt vịt bị khô. Đem thịt vịt đã rán bỏ lên giấy thấm dầu, thấm hết dầu mỡ. Chặt thịt thành những miếng vừa ăn (bằng bao diêm) rồi đem ướp với chút bột gia vị trong 30 phút.
Cam vắt lấy nước, lọc bỏ hạt. Vỏ cam xắt chỉ ướp với vài thìa đường. Cho vỏ cam ướp đường lên bếp, sên thật nhỏ lửa tới khi đường tan, quyện với vỏ cam thì bắc ra. Không cho quá nhiều đường và không để lửa to khiến đường bén khét. Dừa nạo cho vào nồi hoặc tô lớn chế lưng bát con nước, vắt lấy nước cốt.
Cho ít dầu vào chảo phi thơm hành củ, trút thịt vịt vào đảo cho ngấm gia vị. Trút nước cam vào chảo, đậy vung, khi sôi thì giảm lửa để sôi liu riu khoảng 15 phút. Lúc này thịt vịt đã mềm, ngấm vị cam. Mở vung, cho nước cốt dừa, vỏ cam vào, nêm lại gia vị cho vừa miệng, đun sôi lại là được. Múc món vịt nấu cam ra đĩa sâu lòng. Có thể trang trí với vài lát cam cắt mỏng, trên cùng rắc vài cọng rau mùi.
Nước cốt dừa là gia vị làm tăng độ ngậy béo, ngọt thơm của món ăn. Tùy khẩu vị mà cho nhiều hay ít. Cũng có người thích thanh đạm sẽ bỏ qua gia vị này, chỉ chú trọng tới vị chua ngọt của cam. Tương tự như vậy, vỏ cam là thứ hương hoa, cho vào để tăng thêm hương vị của món ăn, không nên lạm dụng. Món này có thể làm sẵn cho lọ thủy tinh đậy kín cất tủ lạnh dùng dần.
Món vịt nấu cam hợp khẩu vị của cả trẻ lẫn già. Có thể ăn với cơm, với bún, nhưng hợp nhất là ăn với bánh mỳ nóng giòn.
Theo Thu Ba/ Sức khỏe và Đời sống