Chủ tịch Hồ Chí Minh và những năm Dần đặc biệt trong lịch sử Việt Nam

Google News

Lịch sử Việt Nam ghi dấu những năm Dần đặc biệt gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là những sự kiện lịch sử mang ý nghĩa quan trọng với toàn thể dân tộc. Báo Tri thức và Cuộc sống xin điểm qua những năm Dần đặc biệt trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm Canh Dần (1890)
Ngày 19/5/1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời nơi làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) trong một gia đình Nho yêu nước và giàu truyền thống cách mạng.
Ông Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm đường cứu nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất từ năm 1945 đến năm 1969.
Năm Nhâm Dần (1902)
Tết Nhâm Dần 1902, rời kinh đô Huế, hai anh em Nguyễn Tất Đạt (Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung) được cha đưa về quê để tiếp tục học chữ Hán, sau đó là học Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh, theo học trường Quốc học Huế, rồi theo cha đến Quy Nhơn (1909). Nguyễn Tất Thành được cha cho học thêm tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này).
Chu tich Ho Chi Minh va nhung nam Dan dac biet trong lich su Viet Nam
 Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: VOV. 
Năm Giáp Dần (1914)
Trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Nguyễn Tất Thành đã theo tàu rời Mỹ về Pháp, sau đó sang Anh và bắt tay ngay vào học tiếng Anh. Thành vừa nhận cào tuyết cho một trường học, đốt lò, đổ than, phụ bếp, làm thuê cho một khách sạn để có tiền kiếm sống, vừa tranh thủ thời gian tự học tiếng Anh.
Đầu tháng 8/1914, Nguyễn Tất Thành đã gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh. Động thái đó là tấm lòng của một bậc con cháu với một nhà cách mạng tiền bối, thể hiện sự trân quý về mặt tình cảm, sự ngưỡng mộ về tình yêu nước và muốn cứu nước của cụ Phan Chu Trinh.
Năm Bính Dần (1926)
Sau khi rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) vào cuối năm 1924 để “tiệm cận” dần với Tổ quốc, tháng 6/1925, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã cải tổ “Tâm tâm xã”, thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, chuẩn bị những điều kiện tư tưởng chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Ngày 14/1/1926, với bí danh Vương Đạt Nhân, Người được mời dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Quốc Dân Đảng (Trung Quốc). Trong phần phát biểu tại Đại hội, Người đã kêu gọi : “Tất cả các dân tộc bị áp bức hễ cùng chịu áp bức của chủ nghĩa đế quốc thì phải cùng nhau liên kết lại... Không phân biệt nước nào, dân tộc nào. Tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta”.
Ngày 21/1/1926, nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của V.I. Lê Nin, Người đã viết bài “Lê Nin và phương Đông” đăng trên báo “Gudok”, xuất bản ở Moscow. Người viết “Lê Nin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa” và khẳng định những đóng góp lớn lao của Lê Nin với phong trào giải phóng dân tộc.
Năm Mậu Dần (1938)
Năm 1938, sau một thời gian công tác ở Liên Xô, ngày 29/9/1938, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi biên chế của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, sau đó rời Moscow đi về phương Đông. Mùa Đông năm 1938, nhờ mối liên hệ giữa 2 Đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đến văn phòng Lan Châu của Giải phóng quân Trung Quốc để từ đó đi Tây An. Theo sự sắp xếp của tổ chức, Người nhận quân phục và phù hiệu Bát Lộ Quân với quân hàm Thiếu tá, bí danh là Hồ Quang.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong đời hoạt động cách mạng của Người khi ở nước ngoài. Song trong giai đoạn này, một nhân cách lớn - nhân cách Hồ Chí Minh được bộc lộ. Những thử thách của thực tiễn cách mạng càng chứng tỏ Người là một chuẩn mực văn hóa - chính trị kiệt xuất.
Năm Canh Dần (1950)
Năm 1950 ghi dấu 3 sự kiện lịch sử đặc biệt với dân tộc Việt Nam.
Thứ nhất, với những hoạt động ngoại giao tích cực, mềm dẻo, linh hoạt của Người trong chuyến thăm Trung Quốc, Liên Xô đầu năm 1950, lần lượt các nước Trung Quốc, Liên Xô, Đông u công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Uy tín và địa vị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nâng cao trên trường quốc tế. Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nước XHCN anh em, bạn bè quốc tế.
Chu tich Ho Chi Minh va nhung nam Dan dac biet trong lich su Viet Nam-Hinh-2
 Tháng 6/1950, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyên biên giới Việt - Trung. Ảnh: TTXVN. 
Thứ hai, khi thế và lực của cuộc kháng chiến chống Pháp có nhiều thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định chủ động mở chiến dịch Biên giới và đã giành thắng lợi vang dội, chọc thủng “Hành lang Đông – Tây”, khai thông biên giới Việt –Trung, bảo vệ an toàn Căn cứ địa Việt Bắc.
Thứ ba, Người cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Đó là những dấu ấn đậm nét làm nên những quyết định lịch sử và có tầm nhìn chiến lược của Người, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên phủ lịch sử.
Năm Nhâm Dần (1962)
Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh 72 tuổi và không ai nghĩ rằng, đây là năm Dần cuối cùng trong cuộc đời của Bác.
Chu tich Ho Chi Minh va nhung nam Dan dac biet trong lich su Viet Nam-Hinh-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu anh hùng, dũng sĩ miền Nam trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc (năm 1969). Ảnh: Báo Hà Tĩnh. 
Năm 1962, khi tiếp Đoàn đại biểu nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Người mong muốn miền Nam sớm được giải phóng để vào thăm đồng bào, cán bộ và chiến sĩ thân yêu.
Ngoài cái lo làm sao “Nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, Người trăn trở về tình trạng mất dân chủ và tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, lo nhiều đến công tác tổ chức và cán bộ.
Ngày 23/10/1962, trong phiên họp Bộ Chính trị, Người rất nhấn mạnh: “Tổ chức trước hết là con người. Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”.
Nhìn vào thực tế của công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Đảng, chúng ta càng thấy rõ sự tài tình, sáng suốt và nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Tài liệu tham khảo: “Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Hà Nội, 2016.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu