Mộ phần khủng long đặc biệt này được tìm thấy từ năm 2014 ở khu vực Đài tưởng niệm Quốc gia Grand Staircase-Escalante ở miền nam Utah. Cuộc khai quật và nghiên cứu kéo dài nhiều năm trời đã tiết lộ T-rex (Tyrannosaurus rex) là một con khủng long mang kỹ năng của loài sói.
Một hộp sọ T-rex được khai quật tại khu vực - Ảnh: Alan Titus/AP
Loài sói là một trong những dã thú gây ám ảnh nhất bởi kỹ năng săn mồi theo bầy, có chiến thuật cụ thể khiến các con mồi mạnh mẽ hơn nhiều hoặc đi theo đàn vẫn bị quật ngã. Đó cũng là điều T-rex đã làm hàng chục triệu năm trước, trong kỷ phấn trắng, theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi tiến sĩ Alan Titus, nhà cổ sinh vật học từ Cục Quản lý đất đai Mỹ.
"Tôi sẽ không tìm thấy bất kỳ một địa điểm nghiên cứu nào khác thú vị và có ý nghĩa khoa học lớn như vậy trong suốt sự nghiệp" - tiến sĩ Titus nói với AP.
Hiện trường khai quật -Ảnh: Alan Titus/AP
Phát hiện này là bằng chứng đem giả thuyết khủng long bảo chúa là động vật săn mồi có tính xã hội, được đưa ra cách đây nhiều thập kỷ, trở thành hiện thực. Quan điểm này trước đây bị tranh cãi dữ dội vì nhiều nhà khoa học cho rằng bộ não bò sát sơ khai của loài khủng long chưa đủ phát triển để có các hành vi xã hội. Tại địa điểm khai quật, phân tích hóa thạch và đất đá cho thấy bầy khủng long bạo chứa đã chết và chôn cùng với nhau chứ không phải là xương bị dồn đống do thảm họa thiên nhiên.
Khủng long bạo chúa - ảnh: SHUTTERSTOCK
Theo Daily Mail, khu vực khai quật này phong phú đến nổi mỏ đá nơi các hài cốt được phát hiện đã được đổi tên thành "Cầu vồng và Kỳ lân" bởi những thứ được đưa lên quá sức tưởng tượng. Ngoài đàn khủng long bạo chúa, các nhà khoa học còn phát hiện hài cốt của 2 loài khủng long khác, một con cá sấu non, bảy loài rùa, nhiều cá voi và cá đuối cổ đại. Tuy nhiên chỉ có xương các T-rex là chết cùng với nhau. Các động vật khác có thể được thiên nhiên di chuyển đến qua các thay đổi phức tạp trong hàng chục triệu năm.
Theo Thu Anh/Người lao động