Xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ
Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng và ngày một rõ nét. Theo ước tính của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), tỷ lệ chuyển dịch hiện là 25%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Adidas đang dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam . |
Riêng nửa đầu năm 2014, các hãng thời trang như Nike, Adidas,
Puma đã chuyển lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh sang nhà máy của Việt Nam.
Không chỉ các ông lớn này, Tập đoàn Target Sourcing Services, một trong 10 nhà phân phối lớn nhất thế giới và Tập đoàn Dansu cũng đã khảo sát và có ý định mở rộng, đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều công ty từ trước đến nay vốn chỉ đặt hàng Trung Quốc sản xuất ở các sản phẩm túi xách cao cấp như Lancaster, Sequoia Paris nay cũng muốn đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo LEFASO, 2 hãng da giày khác là Timberland và Puma đã ngỏ ý muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng số lượng đơn hàng đang gia tăng từ Trung Quốc.
Lý do các thương hiệu lớn của thế giới muốn rút các đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam được cho là để tránh những rủi ro tiềm tàng từ Trung Quốc - nơi vẫn được coi là công xưởng lớn nhất thế giới. Ngoài ra, giá nhân công và các chi phí về môi trường tại Trung Quốc đang tăng được xem là một trong những lý do khiến nhiều thương hiệu lớn muốn di dời một số dây chuyền sản xuất khỏi đây.
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với Nike, Adidas, Puma... là những ưu đãi lớn về thuế.
Hiện ngành da giày được hưởng lợi rất nhiều thông qua các hiệp định, ưu đãi thương mại mà phía các nhà nhập khẩu EU, Mỹ và các nước trong khối ASEAN dành cho Việt Nam.
Cụ thể: Ưu đãi về thuế quan phổ cập (GSP), Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết các sản phẩm giày dép của Việt Nam thuộc nhóm 12a và 12b được đưa ra khỏi danh mục “trưởng thành” của EU và được hưởng GSP. Đó là một lợi thế cho Việt Nam. Tương tự, thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (FTA) cũng giúp Việt Nam được miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của VN vào EU, nguồn vốn từ EU vào Việt Nam cũng được thu hút nhiều hơn.
Với Hiệp định thương mại tự do ASEAN, cam kết thuế quan của các nước nhập khẩu thuộc khối ASEAN trong năm 2014 sẽ là 1% - 3%, đến năm 2015 sẽ là 0% đối với giày dép các loại. Điều này cũng khiến ngành da giày – túi xách Việt Nam có lợi thế. Đặc biệt, với TPP, trải qua 19 vòng đàm phán, giày dép luôn được ưu tiên đàm phán mở cửa thị trường, mà theo đó, giày dép Việt Nam xuất sang Mỹ được hưởng lợi rất nhiều.
Thực tế trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tranh thủ đổ vốn vào Việt Nam để hưởng những ưu đãi mà Việt Nam chưa tận dụng hết doanh nghiệp của chính mình.
Trước các thương hiệu trên, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã đầu tư 2 tổ hợp sản xuất điện thoại và sản phẩm điện tử ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Tập đoàn này cũng đang chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử với tổng số vốn trên 1 tỷ USD tại TP.HCM.
Với những ưu đãi thuế mà Samsung nhận được, ngân sách nhà nước Việ Nam chỉ được hưởng một phần rất nhỏ.
Cụ thể là Samsung hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mặc dù sự hiện diện của Samsung đi cùng với kỳ vọng sự chuyển giao công nghệ sẽ được tạo ra, các doanh nghiệp Việt sẽ tham gia trong chuỗi sản xuất đó song thực tế, ở Samsung Bắc Ninh, có nguồn tin cho rằng trong tổng số 52 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cấp cho Samsung, chỉ có 4 doanh nghiệp là có 100% vốn Việt Nam.
Số doanh nghiệp trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Trong khi đó, đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.
Theo Dân Việt