Theo Sở GDCK Hà Nội, cổ đông lớn Huỳnh Cao Tuấn vừa thực hiện mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu SSN của CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon) hôm 28/6 vừa qua với giá thỏa thuận bình quân 2.700 đồng/cp. Rẻ hơn giá 1 cốc trà đá vỉa hè.
Như vậy, ông Huỳnh Cao Tuấn đã chi ra tổng cộng hơn 10 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Seaprodex Saigon từ 11,46% lên 21,64% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp một thời khá nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản Việt Nam. Ông Tuấn chỉ đứng sau ông Nguyễn Nhân Kiệt, người đang nắm giữ 25% cổ phần SSN.
Trong tháng 4 và tháng 5, ông Huỳnh Cao Tuấn đã có 2 lần mua cổ phiếu SSN, tương ứng 2,5 triệu đơn vị và 1 triệu đơn vị.
|
Đại gia kín tiếng tranh thủ Seprodex Sài Gòn giảm giá để mua vào. |
Ông Huỳnh Cao Tuấn mua SSN trong bối cảnh cổ phiếu này đang ở mức đáy lịch sử sau khi giảm khoảng 70% kể từ đầu năm tới nay. Cổ phiếu SSN đã giảm từ mức gần 14.000 đồng/cp hồi đầu tháng 2/2019 xuống dưới 4.000 đồng/cp hồi tháng 4 và tháng 5 và xuống sát 2.000 đồng/cp hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7/2019.
Với mức vốn hóa hơn 550 tỷ đồng ở thời điểm đỉnh cao, cổ đông của SSN đã chứng khiến túi tiền bốc hơn khoảng 440 tỷ đồng.
Seaprodex Sài Gòn được biết đến là một doanh nghiệp thủy sản được thành lập từ 1993 với thương hiệu khá nổi tiếng trong nước. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa với việc Nhà nước thoái gần như toàn bộ vốn (năm 2013 với giá 10.500 đồng/cp), doanh nghiệp này đã nhanh chóng bỏ ngành nghề kinh doanh cốt lõi ở vào khoảng năm 2016 để chuyển sang lĩnh vực bất động sản với cơ sở là nhiều mảnh đất vàng tại Sài Gòn mà doanh nghiệp này sở hữu, quản lý.
Trên thực tế, trước khi cổ phần hóa, sự ì ạch đã khiến doanh nghiệp thủy sản này làm ăn thua lỗ. Sau khi chuyển sang tay tư nhân, Seaprodex Sài Gòn đã bắt đầu chứng kiến có lãi nhờ bán tài sản nhưng gần đây bắt đầu gặp khó khăn do dự án bất động sản vướng mắc về thủ tục giấy tờ chậm triển khai, trong khi gánh khoản nợ và lãi ngân hàng lớn.
Đây là lý do khiến giá cổ phiếu lao dốc. Tuy nhiên, với quỹ đất khá lớn và tham vọng nhảy vào lĩnh vực bất động sản nếu thành hiện thực thì đó sẽ là một cú huých lớn đối với các cổ đông. Đây có thể là yếu tố khiến cổ phiếu SSN vẫn đang được các nhà đầu tư gom mua vào.
|
Rẻ hơn trà đá, đại gia bỏ 10 tỷ nhảy vào làm chủ đất vàng Sài Gòn. |
Quá trình chuyển đổi ngành nghề của Seaprodex Sài Gòn bắt đầu từ năm 2015. Doanh nghiệp khi đó phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 96 tỷ lên 396 tỷ đồng với dự định đầu tư mở rộng sản xuất chế biến thủy sản (với mặt hàng chủ lực là cá tra và bạch tuộc) xuất khẩu sang Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đầu 2016 doanh nghiệp này đã bất ngờ chuyển sang BĐS với việc bỏ ra hơn 300 tỷ đồng mua dự án 8.000 m2 tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.
Seaprodex Sài Gòn cũng hợp tác với Traseco tác đầu tư dự án Centa Park tại quận Tân Bình (trị giá cả ngàn tỷ đồng) nhưng vướng mắc các thủ tục pháp lý khác nên tiến độ xây dựng thi công dự án bị chậm cho dù hàng trăm khách hàng đặt cọc giữ chỗ.
Theo kế hoạch, tại ĐHCD 2017, Seaprodex Sài Gòn muốn tăng mạnh quỹ đất và tổng tài sản lên 5 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020 (so với mức hơn 1 ngàn tỷ hiện nay). Tới năm 2020, quỹ đất sạch là 10ha trong nội thành TP.HCM.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Seaprodex Sài Gòn khá bi đát, doanh thu và lợi nhuận tụt giảm và dự án BĐS bế tắc. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM cũng không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục ảm đạm. Nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục giúp VN-Index tăng trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, hầu hết các nhóm khác như ngân hàng, bất động sản, dầu khí... đều có dấu hiệu suy yếu.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo CTCK BSC, VN-Index tiếp tục hướng tới 985 điểm trước mùa công bố KQKD quý II. Xu hướng tích cực của các thị trường thế giới, và KQKD sơ bộ khá tích cực của một số cổ phiếu hỗ trợ VN-Index tăng điểm, phá vỡ diễn biến giao dịch giằng co 4 tuần trước đó.
Cổ phiếu VHM, GAS và nhóm cổ phiếu Ngân hàng (VCB, CTG, BID) là động lực tăng điểm chính của VN-Index tuần qua. Thị trường tăng điểm trên diện rộng với 16/18 ngành tăng điểm. Thông tin về vòng đàm phán Mỹ - Trung khởi động lại trong tuần tới và hoạt động công bố KQKD quý II vẫn là động lực chính cho thị trường trong tuần tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/7, VN-Index tăng 2,3 điểm lên 975,34 điểm; HNX-Index tăng 0,04 điểm lên 104,38 điểm và Upcom-Index tăng 0,82 điểm lên 55,38 điểm. Thanh khoản đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Minh/Vietnamnet