Dùng ví điện tử phải xác thực tài khoản
Hôm nay (7/7) là tròn 6 tháng kể từ ngày Thông tư 23/2019/TT-NHNN (Thông tư 23) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Một trong những quy định bắt buộc là các chủ tài khoản ví điện tử phải làm hồ sơ mở ví điện tử và cung cấp xác thực thông qua CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn. Đối với người dùng chưa đủ 14 tuổi, việc xác thực có thể được thực hiện thông qua giấy khai sinh.
Đáng chú ý khi theo quy định tại Thông tư này, kể từ hôm nay (7/7), tất cả các tài khoản chưa thực hiện cung cấp đủ hồ sơ mở ví điện tử sẽ bị đơn vị cung ứng chấm dứt việc cung cấp dịch vụ.
|
Đảm bảo thông tin cá nhân là điều người dùng quan ngại nhất trong quá trình xác thực ví điện tử. Ảnh: Trọng Đạt.
|
Đây là quy định nhằm quản lý chặt hơn đối với hoạt động giao dịch thông qua ví điện tử tại Việt Nam. Việc xác thực tài khoản sẽ giúp khẳng định người dùng là chủ sở hữu của tài khoản ví điện tử, tăng cường bảo mật, giảm thiểu việc gian lận, trộm cắp danh tính, hoạt động rửa tiền và các hoạt động phạm pháp khác.
Sau ngày 7/7/2020, những tài khoản ví điện tử chưa được xác thực sẽ bị tạm khóa và người dùng chỉ có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn thành xác thực. Điều này cũng có nghĩa, những người sử dụng các ví điện tử phổ biến như MoMo, ZaloPay, ViettelPay sẽ hoàn toàn có thể bị đơn vị cung ứng chủ động khóa tài khoản.
Đây cũng là lý do các ví điện tử đang tích cực vận động khách hàng của mình nộp ảnh chân dung, ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong vài tháng gần đây.
Bảo mật thông tin: Lo ngại lớn nhất khi xác thực ví điện tử
Chia sẻ với PV VietNamNet, lãnh đạo một ví điện tử lớn tại Việt Nam cho biết, càng gần đến ngày hết hạn, số lượng người dùng xác thực thông tin cá nhân tại ví điện tử này lại càng tăng cao gấp bội so với những ngày trước đó.
Đơn vị này hiện đang cung cấp phương thức xác thực khá đơn giản thông qua việc chụp ảnh CMND hoặc căn cước công dân. Tuy vậy, cách thức đăng ký không phải điều làm khó người dùng ví điện tử bởi phần lớn nhóm khách hàng của dịch vụ này là những người trẻ hoặc những người có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ.
Chị Hoàng Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, băn khoăn lớn nhất của chị khi xác thực ví điện tử là liệu thông tin của bản thân có bị lọt ra ngoài hay không.
“Nhiều vụ việc lộ lọt thông tin gần đây của các công ty công nghệ lớn, hay đơn giản hơn là những cuộc gọi làm phiền sau khi đặt vé máy bay khiến tôi phải đặt câu hỏi về những rủi ro khi đăng ký xác thực ví điện tử.", chị Ngân chia sẻ.
Tuy vậy, chị cho biết vẫn sẽ xác thực dù rất lo ngại bởi đây là quy định chung. Chỉ mong sao cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người dùng ví điện tử, vị độc giả trên cho biết.
Đại diện một ví điện tử lớn cho biết lo ngại trên chứng tỏ người dùng đã ý thức được về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin và tài khoản cá nhân.
Trước những lo ngại về vấn đề bảo mật, vị chuyên gia này khẳng định đơn vị của ông đã hình thành một quy chuẩn chung và tự động hóa đối với việc lưu trữ thông tin. Điều này là nhằm mục đích hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp đối với thông tin cá nhân của các khách hàng.
Người dùng hoàn toàn có thể yên tâm trong quá trình xác thực bởi việc lưu trữ và xác thực thông tin của các ví điện tử đều có sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, vị chuyên gia này chia sẻ.
Theo Trọng Đạt / Vietnamnet