Dự án “ma” nào gây chấn động thị trường BĐS 2018?

Google News

(Kiến Thức) - 2018 có thể coi là năm bùng nổ của các dự án "ma". Hàng loạt dự án rao bán rầm rộ ngay cả khi chưa được cấp phép. Có dự án bán đất đã 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giao nền cho khách. 

Loạt dự án "ma" của Alibaba
Nhắc đến những dự án ma khiến dư luận dậy sóng nhất năm 2018, không thể bỏ qua các dự án của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Tháng 11, UBND huyện Long Thành có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh giao dịch, mua bán đất nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Theo UBND huyện Long Thành, dù không được cấp phép thực hiện bất cứ dự án nào trên địa bàn huyện nhưng Công ty địa ốc Alibaba vẫn rầm rộ rao bán nhiều dự án đất nền tại đây.
Du an “ma” nao gay chan dong thi truong BDS 2018?
 Alibaba vẽ ra hàng loạt dự án và phân lô bán nền ở Đồng Nai. Ảnh: Zing.
Tại huyện Long Thành, Alibaba đã liên kết với Công ty cổ phần Địa ốc Tia Chớp (Địa ốc Tia Chớp; địa chỉ 52, quốc lộ 51, ấp Tập Phước, xã Long Phước) để thực hiện rao bán chui 21 dự án ở các xã như Phước Bình, Long Phước, An Phước. Đã có hàng trăm khách hàng ở tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận tham gia đóng tiền đặt chỗ.
Các vị trí mà Alibaba rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, làm giao thông của các cá nhân. Địa ốc Alibaba và đối tác đã tự ý vẽ bản đồ giao thông, chia nhiều lô đất nhỏ không đúng thực tế để rao bán.
Nguồn tin trên báo Tiền Phong cho biết, tháng 12/2018, công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với UBND xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) để làm rõ việc xây dựng không phép, rao bán trái phép “Khu dân cư Alibaba Tân Thành” của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba, có trụ sở ở TP HCM).
Theo ông Nguyễn Công Bộ, cán bộ địa chính UBND xã Châu Pha, không có cá nhân, tổ chức nào liên hệ UBND xã để nộp hồ sơ hoặc thông báo làm dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở mang tên Khu dân cư Alibaba Tân Thành.
Du an “ma” nao gay chan dong thi truong BDS 2018?-Hinh-2
Dự án Khu dân cư Alibaba Tân Thành có quy mô 13ha với 860 nền đất. Ảnh: Diaocalibaba. 
Ngoài ra, UBND xã cũng xác định 1 khu đất diện tích 134.996 m2 đã xây dựng cơ sở hạ tầng, dựng cột đá ghi biển hiệu "Khu dân cư Alibaba Tân Thành, một chữ tín vạn niềm tin". Đáng chú ý, khu đất này của ông Nguyễn Ngọc Sự (xã Ninh Hiệp, quận Gia Lâm, Hà Nội), mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm.
Trước đó, ngày 26/11/2017, công ty CP Địa ốc Alibaba đã mở bán dự án Khu đô thị Alibaba Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo quảng cáo từ Địa ốc Alibaba, Dự án Alibaba Tân Thành sở hữu vị trí đắc địa, nằm ngay đường Châu Pha Tóc Tiên nối sân bay quốc tế Long Thành tới trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có quy mô 13ha với 860 nền đất. Alibaba Tân Thành sẽ bao gồm đầy đủ hệ thống điện, đường giao thông, trường học...
Tuy nhiên, cơ quan CSĐT công an Bà Rịa Vũng Tàu xác định, khu đất công ty Alibaba rao bán "Khu dân cư Alibaba Tân Thành" thực tế không có giấy phép đầu tư dự án, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư, chưa làm hồ sơ xin cơ quan chức năng cho phép thực hiện dự án, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa làm hồ sơ nghiệm thu hạ tầng, tách thửa. Khu đất chưa được phép phân lô...
Khu đất số 770 Kha Vạn Cân (Thủ Đức, TP HCM) của Nam Việt Homes
Phản ánh đến Kiến Thức, nhiều khách hàng cho biết đã đóng tiền để giữ chỗ mua đất nền tại dự án CIVITAS Linh Đông (địa chỉ số 770, đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM) của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Việt Homes (Nam Việt Homes). Dự án này có quy mô toàn khu là 20 lô, giá trị mỗi lô từ 5 tỷ đến 12 tỷ đồng/lô.
Theo lời hứa của CĐT, ngày khách hàng được nhận đất nền, nhận giấy chứng nhận chủ quyền đất theo hợp đồng là cuối tháng 6/2018. Tuy nhiên, đã qua thời hạn nhiều tháng nhưng khách hàng vẫn không được nhận đất. Điều khiến khách hàng lo lắng nữa đó là dự án CIVITAS Linh Đông bỗng bị phong tỏa, phía ngoài có nhiều sơn đỏ với nội dung “đất đang tranh chấp”.
Du an “ma” nao gay chan dong thi truong BDS 2018?-Hinh-3
 Phối cảnh dự án Civitas Linh Đông. Ảnh: Vietnamnet.
Bất ngờ hơn, sau khi tìm hiểu, Kiến Thức được biết, không chỉ lãnh đạo UBND phường Linh Đông mà đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức cũng phủ nhận tính pháp lý của dự án CIVITAS Linh Đông được Nam Việt Homes trưng ra để "dụ" khách.
“Liên quan đến thửa đất số 75 tờ bản đồ số 41 phường Linh Đông tọa lạc tại địa chỉ số 770 Kha Vạn Cân, khu phố 5, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, hiện nay UBND quận chưa có hồ sơ pháp lý nào của cấp có thẩm quyền công nhận việc triển khai xây dựng dự án nhà ở hay hồ sơ xin làm hạ tầng giao thông tại thửa đất này”, văn bản số 2017 của Phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức nói rõ.
Không những thế, ngày 18/10, ông Nguyễn Tích Thiện, Chủ tịch UBND phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM cũng đã có công văn phản hồi đến báo Kiến Thức trả lời về tính pháp lý của dự án này:
“Hiện nay, khu đất nói trên chưa có thông tin về dự án nhà ở, chủ sử dụng không lập hồ sơ đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định. Riêng việc tại khu đất treo nhiều panô quảng cáo dự án nhà, đất nền…để rao bán, UBND phường đã mời đơn vị có thông tin liên quan trên nội dung quảng cáo đến làm việc và xử lý nếu vi phạm lĩnh vực quảng cáo”, Chủ tịch phường Linh Đông khẳng định.
Khu dân cư 6a Intresco (Bình Chánh, TP HCM)
Một dự án khác phải kể đến là Khu dân cư 6a Intresco tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư.
Khu dân cư 6A được Ban Quản lý khu Nam TP HCM phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 vào năm 2002. Sau khi được phê duyệt, dự án khu dân cư 6A được đem ra huy động vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, gần 15 năm qua, dự án chưa được triển khai và vẫn nằm trên giấy.
Du an “ma” nao gay chan dong thi truong BDS 2018?-Hinh-4
 Khách hàng mặc áo đỏ, in dòng chữ “Dự án 6A Intresco thu tiền 15 năm chưa xong giải tỏa"  tập trung trước trụ sở Intresco sáng 5/9. Ảnh: Vietnamnet.
Lý do mà chủ đầu tư dự án đưa ra cho việc chậm triển khai là ách tắc đền bù giải tỏa bởi giá bán trước đây thấp, giờ giá đất lên, người dân đòi đền bù cao nên chủ đầu tư chưa thương thảo được.
Bức xúc, sáng 5/9, hàng chục khách hàng mặc áo đỏ, in dòng chữ “Dự án 6A Intresco thu tiền 15 năm chưa xong giải tỏa”, tập trung trước trụ sở Intresco, để yêu cầu công ty này bàn giao phần đất mà họ đã mua từ 15 năm trước, tại Khu dân cư 6A, (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Hoàng Minh (tổng hợp)