Tăng cường phối hợp giữa VUSTA và LHH địa phương: Cần có sự đột phá!

Google News

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc tăng cường phối hợp trong các hoạt động KH&CN giữa Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và LHH các địa phương là nhiệm vụ cần có sự đột phá để đạt được hiệu quả cao.

Cần tăng cường phối hợp thực hiện hoạt động KH&CN trong hệ thống Vusta
Vusta bao gồm 93 hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố, gần 500 đơn vị KH&CN trực thuộc, thu hút hơn 2,2 triệu trí thức KH&CN tham gia. Vusta có nhiệm vụ định hướng, điều phối, hỗ trợ, triển khai cũng như phối hợp triển khai các hoạt động KH&CN trên phạm vi toàn quốc, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà khoa học, tổ chức KH&CN với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, nhằm đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tiễn.
Tang cuong phoi hop giua Vusta va LHH dia phuong: Can co su dot pha!
 
Bên cạnh đó, Vusta tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tạo điều kiện cho các hội ngành trực thuộc và Liên hiệp hội các địa phương tham gia vào các dự án KH&CN quốc gia và quốc tế. Vusta cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các chính sách, chiến lược phát triển KH&CN, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cho Liên hiệp hội các địa phương và các hội ngành trực thuộc.
Tăng cường phối hợp trong các hoạt động KH&CN giữa Vusta với Liên hiệp hội các địa phương là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Thực tế cho thấy, khi Liên hiệp hội các địa phương kết hợp chặt chẽ với Vusta, chất lượng nghiên cứu và ứng dụng KH&CN được nâng cao nhờ sự hỗ trợ nhiều phương diện từ Vusta. Hơn nữa, sự phối hợp này mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức KH&CN quốc tế. Thông qua Vusta, Liên hiệp hội các địa phương có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN.
Kết quả của nhiều dự án KH&CN được triển khai trong những năm gần đây là minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa Vusta và Liên hiệp hội các địa phương như: Dự án “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”. Đây là dự án có khối lượng công việc đồ sộ, được triển khai trên địa bàn rất rộng, do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ, với sự kết nối của Vusta; Đề tài “Ứng dụng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên các cây trồng đặc thù có lợi thế canh tranh phù hợp với biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận và vùng lân cận”, do Liên hiệp hội Ninh Thuận thực hiện và được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao; Dự án nuôi hàu sữa Thái Bình Dương tại Hà Tĩnh và Nghệ An do Liên hiệp hội Hà Tĩnh thực hiện cũng được người dân hồ hởi tiếp nhận. Mô hình này hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế cao, là niềm hy vọng lớn về hướng phát triển kinh tế cho người dân ven biển.
Tang cuong phoi hop giua Vusta va LHH dia phuong: Can co su dot pha!-Hinh-2
Các chuyên gia, nhà khoa học của Vusta kiểm tra, đánh giá hiệu quả của Dự án nuôi Hàu sữa tại Hà Tĩnh.
Thành công của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Quỹ Vifotec (đơn vị trực thuộc Vusta) tổ chức cũng là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp này. Giải thưởng tôn vinh các công trình nghiên cứu và ứng dụng xuất sắc, khẳng định uy tín trong lĩnh vực KH&CN, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và thúc đẩy sản xuất. Có nhiều yếu tố làm nên thành công của Giải thưởng, trong đó có vai trò của Liên hiệp hội các địa phương trong tổ chức và triển khai Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, tạo nền tảng tuyển chọn công trình xuất sắc tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam. Có thể nhận thấy, việc tăng cường phối hợp hoạt động KH&CN giữa Vusta và Liên hiệp hội các địa phương không chỉ nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN mà còn góp phần to lớn trong cổ vũ phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo, phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới điển hình trong hoạt động KH&CN.
Điều kiện “cần” và “đủ” tạo bước đột phá trong phối hợp thực hiện hoạt động KH&CN
Về điều kiện cần, trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa Vusta và Liên hiệp hội các địa phương, tránh tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán. Việc này không chỉ giúp xác định rõ trách nhiệm của từng bên, mà còn tạo ra động lực để các bên chủ động tham gia vào các hoạt động KH&CN, tạo nền tảng vững chắc cho sự phối hợp.
Một yếu tố quan trọng khác là cần xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chung giữa Vusta và Liên hiệp hội các địa phương. Hệ thống này sẽ giúp các bên dễ dàng chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình hoạt động và phối hợp một cách hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều phối các hoạt động KH&CN cũng là điều không thể thiếu. Các công nghệ hiện đại như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) có thể được sử dụng để xây dựng một hệ thống quản lý thông tin đồng bộ, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự cam kết từ phía Vusta và Liên hiệp hội các địa phương cũng sẽ đảm bảo cho sự phối hợp hiệu quả. Cam kết này không chỉ nằm ở lời nói mà cần được thể hiện qua hành động cụ thể, từ việc phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động KH&CN, đến việc thường xuyên đánh giá và cải thiện quá trình phối hợp.
Về điều kiện đủ, là phải bảo đảm có nguồn lực tài chính ổn định, đủ lớn để triển khai các hoạt động KH&CN. Vusta và Liên hiệp hội các địa phương cần tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực hiện có để đạt hiệu quả cao nhất. Vusta cần chủ động tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN và tăng cường hỗ trợ các bên liên quan về mặt kỹ thuật và tài chính; xem xét đề xuất với Chính phủ cơ chế cho phép chi một khoản ngân sách chung cho Liên hiệp hội các địa phương thông qua Vusta và do Vusta quản lý. Hàng năm, Liên hiệp hội các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động KH&CN, Vusta thẩm định, cấp kinh phí dựa trên kế hoạch hoạt động cụ thể của từng địa phương và chịu trách nhiệm quyết toán ngân sách. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết giữa Vusta và Liên hiệp hội các địa phương, mà còn đảm bảo sự sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính trong các hoạt động phối hợp.
Liên hiệp hội các địa phương, cần chủ động đề xuất các dự án phối hợp với Vusta, nâng cao năng lực tự chủ và sáng tạo trong các hoạt động KH&CN, và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Nhân lực cũng là một yếu tố có tính quyết định. Việc đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ KH&CN thông qua các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề sẽ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và khả năng thực hiện các dự án KH&CN. Vusta cần thiết lập các bộ phận đầu mối và nhóm làm việc chuyên trách. Các bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm điều phối, giám sát và đánh giá các hoạt động phối hợp, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.
Việc tăng cường phối hợp trong các hoạt động KH&CN giữa Vusta và Liên hiệp hội các địa phương với những bước đột phá nêu trên sẽ thúc đẩy các hoạt động KH&CN đạt hiệu quả, giúp giải quyết các vấn đề cụ thể mà từng địa phương đang gặp phải.

ThS. Nguyễn Ngọc Vũ (Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội Bình Phước)