Mỹ: tranh cãi “nảy lửa” việc nâng cấp bom hạt nhân B-61

Google News

(Kiến Thức) - Dự án nâng cấp kho bom hạt nhân B-61 đang khiến Quốc hội Mỹ nổ ra những tranh cãi mạnh mẽ về tính khả thi.

Washington đang có kế hoạch chi hàng tỷ USD để nâng cấp bom hạt nhân B-61, được đưa sử dụng từ những năm 1970 trong lực lượng Không quân Mỹ. B-61 được thiết kế để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Liên Xô ở Châu Âu trong thời kì chiến tranh lạnh. Đây là một dự án gây nhiều tranh cãi trong Quốc hội Mỹ hiện nay, trong quá trình nước này đang tiến hành nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình.
Một số nhà lập pháp và các chuyên gia quân sự của Mỹ đang nỗ lực bác bỏ dự án này nhằm tránh lãnh phí hàng tỷ USD tiền thuế của người dân, cũng như việc dự án này có thể làm hỏng quá trình đàm phán với Nga về hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược.
 Bom hạt nhân B-61.
Nhưng hiện tại các tướng lĩnh hàng đầu của lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ lại cho rằng việc nâng cấp và duy trì B-61 là cần thiết nhằm bảo vệ an toàn nước Mỹ trước các nguy cơ tấn công của kẻ thù. Và các loại vũ khí khác không cần thiết có thể bị loại bỏ nhằm dồn sức cho lực lượng răn đe hạt nhân của nước này.
"Bom hạt nhân B-61 là vũ khí duy nhất trong kho lưu trữ các vũ khí thuộc bộ 3 răn đe hạt nhân có thể đáp ứng các nhiệm vụ ở cấp chiến thuật và chiến lược", Tướng Robert Kehler, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược của Mỹ, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội nước này vào tuần trước.
Được thiết kế như một vũ khí "chiến thuật" tầm ngắn để ngăn chặn Quân đội Liên Xô xâm lược Tây Âu, B-61đã phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ từ những năm 1970.
Bom B-61 có 5 biến thể khác nhau, có sức công phá ước tính từ 0,3-360 kiloton (tương đương với sức công phá của 360.000 tấn thuốc nổ TNT).
Washington đã loại bỏ hàng ngàn đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Châu Âu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng hiện tại vẫn duy trì 180 quả bom B61 ở châu Âu, loại vũ khí hạt nhân duy nhất của Mỹ vẫn được triển khai trên các nước Châu Âu, tại các căn cứ của NATO ở Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dưới dự án nâng cấp của Tổng thống Barack Obama, các thiết kế cơ bản quả bom sẽ được thay đổi bằng biến thể B61-12 sẽ có trọng lượng nhỏ hơn và chính xác hơn. Đuôi bom được lắp thêm các bộ phận cánh lái sẽ giúp cho các quả bom có thể tiêu diệt các mục tiêu chính xác hơn và sẽ làm giảm số lượng của các nguyên liệu hạt nhân cần thiết để phá hủy mục tiêu.
Theo Lầu Năm Góc những cải tiến này là cần thiết đối với loại vũ khí đã lỗi thời như B-61. “Bom hạt nhân B61 có tuổi thọ trung bình là trên 25 năm, nó sử dụng các công nghệ lạc hậu, và đòi hỏi phải thường xuyên bảo trì”, tướng Không quân Mỹ Robert Kehler nói thêm.
 Ảnh minh họa.
Việc hiện đại hóa B-61 cũng sẽ cho phép chính quyền Obama ngưng sử dụng bom hạt nhân mạnh nhất của nước này - B83, và giảm số lượng đáng kể các nguyên liệu hạt nhân trong kho vũ khí của nước này.
"Cách tiếp cận này sẽ cho phép chúng ta cắt giảm một số lượng nhất định kho vũ khí hạt nhân trong khoảng thời gian ngắn", Madelyn Creedon, trợ lý về các vấn đề chiến lược toàn cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
Tại một bài phát biểu của mình tại Berlin vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi cần có sự hợp tác hơn nữa giữa Nga và nước này trong các cuộc đàm phán về hiệp định cắt giảm kho vũ khí chiến lược của 2 bên. Ngoài ra ông cũng hứa sẽ làm việc các nước Châu Âu trong vấn đề cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân của các nước này.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ rất không hài lòng về số tiền nước này phải bỏ ra để nâng cấp B-61 với ước tính con số ban đầu từ 4-8,1 tỷ USD .Nhưng theo tính toán của Bộ quốc phòng nước này con số này đã lên tới hơn 10 tỷ USD.
"Việc nâng cấp và kéo dài tuổi thọ của bom hạt nhân B-61 là chuyện không hề đơn giản: Kế hoạch nâng cấp nó rất tốn kém, hoàn toàn không khả thi và không cần thiết”, Kingston Reif - nhà khoa học hạt nhân của Mỹ phát biểu với báo giới về việc phản đối dự án nâng cấp B-61.
Hiện tại, những nghị sĩ quốc hội cũng như các nhà khoa học phản đối dự án hoàn toàn hoài nghi về tính thiết thực của dự án này, nhất là khi nước Mỹ đang trong thời kì cắt giảm ngân sách mạnh nhất là dành cho quốc phòng. Điều đáng nói hơn lại hiện tại lực lượng Không quân Mỹ đang cần tiền cho tài khóa mới để triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 và các dự án máy bay ném bom tầm xa mới hay các tên lửa hành trình mới.
 Dự án nâng cấp kho bom B61 có thể ngốn khoảng 8-10 tỷ USD.
Toàn bộ ngân sách dành cho việc nâng cấp B-61 sẽ được đích thân Tổng thống Obama giám sát và nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi được duyệt, một phần của việc làm này là do tác động của sức ép cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Châu Âu. Các nhà lập pháp của Mỹ cho rằng việc làm này là hoàn toàn không cần thiết trong lúc này.
Tom Collina - Giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ nhận xét: “Thật phi lý khi bỏ ra hàng tỉ USD để duy trì những vũ khí mà tổng thống từng tuyên bố rằng ông muốn loại bỏ”.
Ngoài ra, ông Collina còn cho rằng việc cải tiến bom B61 có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán cắt giảm vũ khí với Nga vì “nếu Mỹ nâng cấp bom B61 có độ chính xác cao hơn ở châu Âu thì Nga chắc chắn sẽ có phản ứng”.
Trà Khánh