Trung Quốc biến cường kích JH-7A thành tiêm kích hạm?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia Trung Quốc cho rằng họ có thể biến máy bay cường kích JH-7A thành tiêm kích hạm trên tàu sân bay để tăng khả năng tấn công.

Theo Tạp chí Khán Hòa, hiện tại Không quân Trung Quốc sử dụng rất nhiều máy bay cường kích JH-7A. Loại này có tải trọng vũ khí nhiều nhất so với các máy bay cường kích khác, với khả năng hành trình xa, việc sửa chữa bảo dưỡng đơn giản, không tốn kém nhiều chi phí nên số lượng máy bay này vẫn tiếp tục được trang bị trong Quân đội Trung Quốc.
Hiện nay, lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc đã triển khai khoảng 200 chiếc JH-7A đặt ở một số căn cứ gồm cả gần biên giới Triều Tiên và gần các đảo tranh chấp với Nhật Bản.
 Máy bay cường kích JH-7/JH-7A.
Đề cập tới việc liệu JH-7A có trở thành tiêm kích hạm trên tàu sân bay hay không? Chuyên gia quân sự Từ Quang Dụ cho biết, khả năng này là rất cao, bởi vì nó là loại máy bay ném bom của Không quân Trung Quốc, căn cứ vào bán kính chiến đấu của JH-7A cho thấy nó có thể mở rộng phạm vi tác chiến tới các vùng phía đông bắc, phía Nam của lãnh hải Trung Quốc, tấn công những tàu thuyền xâm nhập trái phép vào vùng biển của nước này.
Ngoài ra, ông Từ Quang Dụ cũng nhấn mạnh, việc đưa JH-7A trở thành tiêm kích hạm cho tàu sân bay nhằm mục đích chính là mở rộng phạm vi tác chiến, bán kính phạm vi tác chiến của nó lên tới hơn 1.600 km. Khi đó, tàu sân bay sẽ trở thành một sân bay di động, hỗ trợ JH-7A mở rộng, thọc sâu vào trận địa của đối phương.
Ông Từ Quang Dụ nhấn mạnh, trong cuộc chiến tranh tương lai, Không quân Trung Quốc không chỉ cần mở rộng phạm vi tại các vùng biển tây Thái Bình Dương mà còn ở các vùng biển khác nữa. Nếu xét về bán kính tác chiến thì JH-7A hoàn toàn có khả năng trở thành tiêm kích hạm cho tàu sân bay. Mặt khác, về yếu tố kĩ thuật, trọng lượng của máy bay JH-7A khoảng 30 tấn, điều này có thể phù hợp với mức cho phép của tàu sân bay.
 Ảnh đồ họa dân mạng Trung Quốc vẽ JH-7A biến thành tiêm kích hạm với cánh gấp.
Vấn đề còn lại là phương thức cất cánh trên tàu sân bay, với trọng lượng 30 tấn, JH-7A có khả năng cất cánh từ boong phóng nhảy cầu trên tàu Liêu Ninh, vì tiêm kích hạm J-15 cũng nặng chỉ gần 30 tấn.
Tuy nhiên, ông Từ Quang Dụ cho rằng, vấn đề cất cánh trên hạm không là trở ngại với JH-7A. “Tàu sân bay nội địa tương lai của Trung Quốc không còn áp dụng cất cánh bằng boong phóng nhảy cầu mà dùng máy phóng. Ưu điểm của loại hình này là nó cho phép máy bay có trọng lượng lớn có thể cất cánh”, ông này nói.
JH-7/JH-7A (hay còn gọi là FBC-1 Flying Leopard - "báo bay") là máy bay cường kích phản lực siêu âm 2 chỗ ngồi do Viện thiết kế 602 thiết kế và Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An (XAC) sản xuất từ đầu những năm 1990.
 JH-7A có thể mang được tên lửa chống radar và tên lửa chống tàu mặt nước tầm xa.
Thiết kế JH-7 được đánh giá là mẫu máy bay chiến đấu có tỷ lệ nội địa hóa rất cao của Trung Quốc, đặc biệt là ít chịu ảnh hưởng của thiết kế nước ngoài hơn so với mẫu J-10 hay J-11.
JH-7 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Tây An WS-9 cho tốc độ cực đại 1.808km/h trên độ cao 11km và tầm bay 3.650km, trần bay 15,5km.
Máy bay có khả năng mang tới 6,5 tấn vũ khí gồm tên lửa không đối không PL-5, tên lửa chống tàu YJ-8/82K, tên lửa chống radar YJ-91 và bom có hoặc không điều khiển.
Ánh Dương