Ngày 30/9, ông Trần Minh Thái, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, đã ký kết luận thanh tra về công tác quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2013-2017 tại Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai.
Cụ thể, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã thanh tra 7 công trình, trong đó có 2 công trình (Dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Núi Thành và Tam Kỳ) có sai phạm lớn về chất lượng công trình, về khối lượng nghiệm thu, khối lượng thanh toán, công trình chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng…
“Ưu ái” nhà thầu Thaigroup, gây thoát ngân sách nhà nước
Theo kết luận thanh tra, tại 2 công trình Phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ thi công dở dang, UBND tỉnh Quảng Nam cho dừng thực hiện để bàn giao, quyết toán dự án, đã xác nhận khối lượng hoàn thành, chưa lập hồ sơ quyết toán.
Cụ thể, Công trình Phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Núi Thành do Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Group thi công nghiệm thu thanh toán các đợt, xác nhận khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành không đúng và vượt so với thực tế thi công với tổng số tiền hơn 467 triệu đồng.
Công trình Phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũng do Thai Group thi công tính vượt, tính trùng khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành ở nhiều thành phần công việc so với khối lượng thực tế thi công như: bê tông móng, đệm đá dăm tại mối nối tuynel; đào, đắp cát cống dọc, tuynel…và áp dụng đơn giá thanh toán cấp phối đá dăm nền đường sai (thực tế thi công cấp phối đá dăm loại II nhưng thanh toán cấp phối đá dăm loại I) với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ rõ, từ tháng 10/2015, Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt giá khởi điểm bán cát tận thu từ dự án đường cứu hộ, cứu nạn huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ.
Theo đó, tờ trình xác định chủng loại cát tận thu để tính giá bản là cát san nền, đơn giá sau khi trừ cảc khoản chi phí là 23.097 đồng/m3.
|
Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai. |
Sau đó, tỉnh phê duyệt giá khởi điểm bán cát tận thu từ dự án là 23.000 đồng/m3. Tiếp đến, đại diện Phòng Kế hoạch tài chính, Ban quản lý dự án hạ tầng thuộc Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup đã làm việc và xác nhận cát đấu giá là 857.315 m3.
Ngày 6/4/2016, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Nam ký hợp đồng bán đấu giá số cát tận với giá khởi điểm là 19,7 tỷ đồng bằng hình thức trọn gói (không kiểm đếm tài sản khi bàn giao) và tỉnh Quảng Nam phê duyệt kết quả đấu giá cho đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Quảng Nam (Tập đoàn Thaigroup).
Sau khi trúng đấu giá, ngày 28/6/2016, đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Ban quản lý dự án hạ tầng thuộc Ban quản lý KKT mở Chu Lai, Công ty CP Tập đoàn Thai Group và các đơn vị tư vấn giám sát đã làm việc xác nhận khối lượng cát thừa còn lại có 645.602m3.
Đến tháng 11/2018, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai có công văn gửi Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Quảng Nam về việc nộp tiền bán cát tận thu từ dự án phòng, chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn khối lượng cát bàn giao chỉ 499.609 m3, giá trị là 11,5 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi xác định lại khối lượng cát mất đi tương ứng số tiền thất thoát là 8,2 tỷ đồng. Tất cả các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc mua bán cát, đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh kết quả đấu giá, xác định số công nợ…đều do ông Trần Đình Quang – Phó Trưởng Ban quản lý KKT mở Chu Lai ký.
Thanh tra tỉnh Quảng Nam nêu rõ, thời điểm xác nhận khối lượng cát này là ngày 28/11/2015. Khi đó các gói thầu đã hoàn thành. Như vậy, khối lượng cát còn lại là 857.315 m3. Khối lượng này được xác nhận tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 75/HĐ-MBTS ngày 10/10/2016 được ký kết giữa Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Quảng Nam và Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Quảng Nam và nhiều giấy tờ khác liên quan.
Đến thời điểm này, các văn bản đó đều có hiệu lực thi hành và có giá trị pháp lý cao nhất trong việc xác định khối lượng cát. Ngoài ra, chưa có văn bản tương ứng nào được thay thế có hiệu lực pháp luật.
Đáng chú ý, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tổ chức bản đấu giá cát thừa tận thu từ dự án phòng, chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn theo hình thức bán đấu giá trọn gói, không kiểm đếm khi bàn giao tài sản. Việc này có dấu hiệu “ưu ái” để cho nhà thầu trực tiếp thì công dự án là Tập đoàn Thaigroup trúng đấu giá mua cát. Đồng thời, nhằm mục đích loại trừ, hạn chế các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác muốn tham gia đấu giá. Việc này đã trực tiếp làm giảm tính hiệu quả, cạnh tranh trong đấu giá, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Mặc dù cát được bán theo hình thức bán trọn gói, không kiểm đếm số lượng nhưng ngay sau khi Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Quảng Nam trúng thầu, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai lại tổ chức kiểm đếm khối lượng cát bàn giao. Vì vậy, việc kiểm đếm khối lượng thực tế là không được xem xét, không chấp nhận. Do đó, đơn vị trúng thầu phải thanh toán số tiền 19,7 tỷ đồng như hợp đồng đã ký.
Sai phạm xử lý thế nào?
Từ những kết quả thanh tra trên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiến nghị thu hồi nộp NSNN tổng số tiền sai phạm gần 13 tỷ đồng. Trong đó Ban quản lý KKT mở nộp vào ngân sách NN số tiền gần 4,5 tỷ đồng, do chưa thực hiện thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường từ việc bán cát tận thu. Công ty CP Đầu tư Thủy điện Quảng Nam nộp hơn 8,2 tỷ đông, tương ứng 357.705,22m2 cát.
Kết luận thanh tra tỉnh Quảng Nam nêu rõ là tất cả các sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Thủ trưởng và Kế toán Ban KTM Chu Lai, Ban quản lý dự án hạ tầng và Trung tâm Phát triển hạ tầng.
Đồng thời khẳng định đây là việc làm trái cần phải được kiểm điểm để làm rõ va xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc đối với các cá nhân có sai phạm. Do vậy, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh này chuyển hồ sơ vụ việc đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng đối với ông Trần Đình Quang (người ký các văn bản) và các cá nhân liên quan.
Hải Ninh