Vừa qua, cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố, bắt giam 2 bị can là BSCKII Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Tâm thần TƯ 1 do bao che, tiếp tay lập bệnh án giả, giúp đối tượng vi phạm pháp luật trốn án.
Ông Dương Duy Đặng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BV Tâm thần TƯ 1 cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra mới chỉ phát hiện 2 bị can trên làm giả duy nhất hồ sơ bệnh án của Lê Thanh Tùng (32 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) – một đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án cố ý gây thương tích, có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau với chi phí 85 triệu đồng.
|
BV Tâm thần TƯ 1 |
Theo ông Đặng, trong suốt 2 tuần qua, chưa có thêm cán bộ, nhân viên y tế nào của BV bị cơ quan điều tra triệu tập.
Khi PV đề cập đến lỗ hổng khiến 2 nhân viên y tế nói trên lợi dụng để vi phạm, ông Đặng cho biết, do ngay khi cơ quan điều tra đến thông báo lệnh bắt tạm giam là tịch thu luôn bệnh án nên phía BV chưa được xem, chưa biết lỗ hổng ở khâu nào. BV đang đợi kết luận của cơ quan điều tra sau đó mới có trả lời chính thức.
“Ngoài ra phía cơ quan đã đưa cho chúng tôi danh sách 94 hồ sơ bệnh án nghi ngờ làm giả mạo, yêu cầu BV cung cấp các bản bệnh án photo để cơ quan công an nghiên cứu”, ông Đặng thông tin.
Từ danh sách này, phía BV cũng đã bắt đầu tra soát lại, cho thấy đa số là bệnh nhân đã nằm viện và đang nằm viện. Có trường hợp từng nằm viện 2-3 lần, có bệnh nhân đã từng được Viện Pháp y tâm thần TƯ (Bộ Y tế) giám định, sau đó đưa vào BV Tâm thần TƯ 1 điều trị bắt buộc và có một số trường hợp khác nghiện ma tuý, đưa vào cai nghiện bắt buộc...
Ông Đặng cho biết, bình thường quy trình khám bệnh ở BV khá chặt chẽ, tất cả bệnh nhân đều phải có giấy giới thiệu từ tuyến dưới chuyển lên, trừ một số trường hợp vào cấp cứu hoặc không có giấy tờ.
Song những trường hợp này sẽ được bác sĩ yêu cầu gia đình viết cam kết với nhiều nội dung để khẳng định bệnh nhân không vi phạm pháp luật, đồng thời phía BV cũng chụp ảnh bệnh nhân trước khi nhập viện. Tuy nhiên thực tế vẫn có một số hồ sơ bệnh án thiếu ảnh do lúc bệnh nhân vào cấp cứu, máy ảnh bị hỏng.
Về quy trình lập hồ sơ bệnh án, ông Đặng cho biết bệnh nhân sau khi khám ở phòng khám, sẽ được chuyển về khoa nội trú để bác sĩ lập hồ sơ bệnh án. Đến khi ra viện, người bệnh chỉ giữ mỗi giấy ra viện và đơn thuốc, còn bệnh án sẽ được lưu trữ tại phòng kế hoạch tổng hợp của BV.
Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Mạnh Phát, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Tâm thần TƯ 1 cũng cho rằng, việc hồ sơ bệnh án bị làm giả cũng có thể xảy ra với một số đối tượng có nghiên cứu rất kĩ mặt bệnh, “diễn như thật”, đánh lừa bác sĩ.
Để phát hiện được, đòi hỏi bác sĩ phải rất có kinh nghiệm, nhìn nhận, mô tả triệu chứng, hội chẩn, xin ý kiến tập thể.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet