Nhân viên bán vé sống bằng... hy vọng
Liên quan đến nhà ga hơn 1.500 tỷ đồng ở Quảng Ninh chỉ phục vụ 1 chuyến tàu/ngày, chia sẻ với PV , chị Lương Thị Quỳnh (SN 1990, nhân viên bán vé tàu) cho biết, sau khi học Trung cấp ngành thư ký khách hóa vận, năm 2011 chị Quỳnh bắt đầu đi làm ở một số ga tàu hỏa cùng tuyến Hạ Long – Yên Viên. Đến năm 2015, sau khi lấy chồng, chị Quỳnh được về làm việc tại ga Hạ Long.
Từ đó đến nay, hàng ngày, cứ gần 6h, chị Quỳnh lại bắt xe buýt từ Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh) để ra ga Hạ Long làm việc.
7h hàng ngày, chị Quỳnh đã có mặt tại ga. Nhưng thời gian thực sự làm việc rất ít (chỉ khoảng 1-2 tiếng đồng hồ), còn lại chị ngồi trực hoặc làm một số công việc lặt vặt khác.
Khi có khách đến liên hệ hỏi về các chuyến tàu đi - đến một số tỉnh phía Bắc, chị Quỳnh sẽ tư vấn, bán vé và làm thủ tục chuyển đổi chuyến, tuyến, vé cho khách. Cao điểm nhất là từ khoảng 12h đến khoảng 13h40 trước khi tàu rời ga đi Yên Viên (Hà Nội).
Đến 17h, chị Quỳnh lại ra Quốc lộ 18 bắt xe buýt về nhà, với quãng đường cả đi và về khoảng 80 km.
|
Chị Lương Thị Quỳnh - Nhân viên bán vé, chấp nhận mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, hàng ngày vẫn vượt 80km đến ga bán vé cho 1 chuyến tàu. |
Cứ như vậy, mấy năm nay, với đồng lương trên 2 triệu đồng/tháng, phải đi sớm về muộn nhưng vì yêu nghề, đặc biệt khi công ty đã cổ phần hóa, chị Quỳnh cũng được mua cổ phần nên coi công ty như nhà của mình.
Chị cố gắng bám trụ, chờ đợi trong tương lai, khi được nhà nước tiếp tục đầu tư, toàn bộ dự án đường sắt Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân được hoàn thành, nhà ga sẽ đón thêm nhiều đoàn tàu đi – đến mỗi ngày.
Nữ nhân viên này cũng hy vọng khi đó doanh thu của công ty tăng cao, đồng nghĩa với việc thu nhập của cán bộ, công nhân viên cũng sẽ khá lên.
Ngẩng mặt nhìn lên trần phòng làm việc, rồi đưa ánh mắt, chỉ tay xung quanh khu vực nhà chờ, phòng bán vé, chị Quỳnh chia sẻ: “Đấy anh xem, cơ sở vật chất ở đây đã được nhà nước đầu tư khá hiện đại, đầy đủ, thuộc loại nhà ga hiện đại bậc nhất Việt Nam mà giờ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Hàng ngày, chúng em nhìn cũng thấy tiếc lắm. Nhìn xe khách người ta chở khách nườm nượp suốt ngày, còn nhà ga chúng em thì hiu hắt, cũng thấy tủi anh ạ”.
|
Sắp đến giờ chạy tàu, chỉ có 1 đôi nam nữ mua vé đợi lên tàu về Hà Nội. |
Chị Quỳnh cho biết thêm, ngoài 4 ngày nghỉ hàng tháng, còn lại bất kể mùa đông hay mùa hè, nắng hay mưa, đường đi làm xa, đồng lương lại ít ỏi không đủ sống nhưng những nhân viên nhà ga vẫn phải đi làm đều đặn.
Nói là đi làm nhưng thực ra thời gian làm việc không được bao nhiêu, còn lại cứ người nào ngồi ở vị trí đó, với công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Nhìn cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị hiện đại giờ không được khai thác có hiệu quả và đang có dấu hiệu xuống cấp, nhiều cán bộ, nhân viên ở đây cũng thấy chạnh lòng.
Tàu khách kiêm tàu hàng
Theo ghi nhận của PV, khoảng hơn 12h, khi đoàn tàu hỏa với 3 toa "chợ", 1 toa chở khách vừa dừng tại sân ga, hàng chục tiểu thương nhanh thoăn thoắt kẻ trên, người dưới đưa đón hàng từ các toa tàu xuống sân ga.
Sau đó, hàng hóa được vận chuyển vào một cái lán rộng khoảng 200 m2, nơi người mua, người bàn trao đổi hàng hóa.
Từ gà, vịt đến các loại rau, củ, quả... đều được tiểu thương thu gom vận chuyển từ Hà Nội trở xuống Hạ Long (Quảng Ninh).
Một nông dân bán rau muống (TP Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, do nhà gần điểm đón khách của đoàn tàu, bác chuyển cả tạ rau muống bắt tàu xuống Hạ Long bán tại sân ga này trong khoảng thời gian hơn 1 tiếng giữa hai chuyến đến - đi.
Trừ cước phí tàu, bác cũng bán được vài trăm nghìn đồng mỗi chuyến. Xong việc, bác nông dân này lại lên tàu về TP Uông Bí.
Trong khi đó, một tiểu thương ở Hạ Long cho biết, do chuyến tàu hàng ngày chủ yếu chở hàng hóa nông sản, nên chị lập đường dây phía đầu ga Yên Viên (Hà Nội).
Trên đó, người ta thu mua rồi vận chuyển đến ga Yên Viên gửi tàu về dưới Hạ Long, chị chỉ việc ra ga Hạ Long đúng giờ, đón tàu, lấy hàng về Hạ Long bán. Công việc ngày qua ngày thuận lợi nên ngày nào chị cũng nhiệt tình với hình thức buôn bán kiểu này.
“Nhờ có tàu mà bà con nông dân, tiểu thương chúng tôi cũng kiếm được lời lãi cao hơn vì cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt rẻ hơn đường bộ”, một tiểu thương chia sẻ.
|
Nhà ga nghìn tỉ, mỗi ngày chỉ đón 1 chuyến tàu đến với hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản, khách không mấy khi có người đi. |
Ông Nguyễn Đức Đại – Trưởng ga Hạ Long cho biết, mỗi chuyến tàu, doanh thu của đơn vị chỉ đạt 5 triệu đồng/chuyến, may ra chỉ đủ tiền dầu.
Còn lại các chi phí khác như lương cán bộ, nhân viên vận hành, hao mòn, bảo dưỡng thiết bị… công ty phải bù lỗ do chi phí chạy một chuyến tàu lớn gấp nhiều lần tiền vé thu được.
Tuy nhiên, để phục vụ nhiệm vụ công ích, an sinh xã hội, đảm bảo việc đi lại của nhân dân, nhất là đối với những hành khách hay bị say xe thì tàu hỏa là phương tiện tốt nhất để họ lựa chọn di chuyển từ Hạ Long về Hà Nội và một số địa phương khác.
Hàng ngày, cán bộ, công nhân viên nhà ga Hạ Long ngoài thời gian làm việc thực sự (1-2 tiếng/ngày) thì chỉ còn biết ngồi ngắm cơ ngơi đồ sộ, hoành tráng của một nhà ga xếp vào loại hiện đại bậc nhất Việt Nam đang dầm mưa dãi nắng, có dấu hiệu xuống cấp, 3 năm nay vẫn mỗi ngày một chuyến đến - đi.
Theo Minh Khang-Kiều Mi/VTC News