Mắc khén là một trong những loại hạt gia vị nổi tiếng ở Tây Bắc. Chúng còn có tên gọi khác là hoàng ô môi, cóc hôi. Từ xưa, người dân vùng cao đã sử dụng hạt mắc khén kết hợp với hạt dổi làm gia vị trong hầu hết các món ăn.
Theo đó, mắc khén được sử dụng để làm chẩm chéo, thịt trâu nướng, bò gác bếp, lạp xưởng, cá nướng... giúp món ăn dậy mùi thơm nức mũi. Quả mắc khén có hình tròn, hạt hình cầu khi chín mắc khén có màu đen óng. Người dân vùng cao cho biết thứ hạt rừng này có mùi khá giống với tinh dầu của vỏ cam nhưng thơm nhẹ hơn, ăn có vị cay cay, tê đầu lưỡi chứ không cay nồng như hạt tiêu.
Mắc khén dọc hoang dại trong núi rừng Tây Bắc
"Cây mắc khén mọc hoang ở các tỉnh miền núi Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang... Trước đây bà con dân tộc Thái, dân tộc Mường vào rừng hái hạt này về dùng. Hoa của cây mắc khén cũng tỏa ra mùi tinh dầu rất thơm", chị Thanh (ở Sơn La) chia sẻ.
Chị Thanh cho biết mùa mắc khén bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Cây mắc khén có gai ở thân nên để thu hoạch, người dân phải dùng vợt dài để quèo xuống. Quả mắc khén mọc thành từng chùm, khi quả già và chín, người ta sẽ hái cả chùm về gác trên kệ bếp cho khô rồi dùng dần trong năm mà không sợ bị hỏng, mốc.
Trên chợ mạng, các cửa hàng bán đặc sản vùng miền hoặc sàn thương mại điện tử, hạt mắc khén được bán với giá tới 300.000 đồng/kg.
Hạt mắc khén có vị cay và thơm, được sử dụng như một gia vị phổ biến cho các món ăn truyền thống nức tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.
"Hạt này rất nhẹ, 1kg được nhiều lắm nên các chị em chỉ cần mua 2-3 lạng trữ trong gian bếp là có thể sử dụng được vài tháng", chị Thanh nói thêm.
Từ thứ quả dại chỉ có ở rừng núi, giờ đây chúng đã thành đặc sản nổi tiếng được nhiều đầu bếp và người dân thành phố săn lùng. Thế nhưng, hạt mắc khén trong tự nhiên càng ít đi, số lượng không có nhiều và khó thu hoạch. Chục năm gần đây, nhiều hộ dân ở Tây Bắc đã mở rộng mô hình trồng cây mắc khén để bán ra thị trường.
Chị Doãn (ở huyện Thuận Châu, Sơn La) cho biết: "Cây mắc khén hợp với loại đất bạc màu, cằn cỗi, không cần chăm sóc và không tốn chi phí... Sau khi thu hoạch, hạt mắc khén được thương lái thu mua tận nơi để bán về các thành phố. Hạt tươi có giá khoảng 100.000 đồng/kg còn hạt khô giá đắt gấp đôi. Khi về các thành phố giá cả đội lên do chi phí vận chuyển đường dài".
Gia đình chị Doãn thu về hàng chục triệu đồng mỗi vụ nhờ hạt mắc khén. "Mình thấy trên thị trường được bán với nhiều mức giá khác nhau, nhưng người mua cần tìm địa chỉ uy tín, đừng vì ham rẻ mà mua phải loại hạt kém chất lượng, không dậy mùi thơm. Ai bán cũng giới thiệu hạt xịn, thơm, cay nồng, nhưng nếu không quen biết, hoặc không được xem tận mắt thì khó có thể mua được hàng chuẩn", chị Doãn nói.
H.A