Quan hệ tốt đến mấy cũng phải nhớ 3 điều này, đó mới là khôn ngoan!

Google News

Dấu hiệu của một người thực sự trưởng thành là trong những chặng đường đầy sóng gió của cuộc đời, họ không quá chú ý đến người khác, tự mình thắt dây giày, đi con đường của mình, sống một cách thoải mái và tự nhiên.

Không phải mọi loài cá đều sống trong cùng một vùng biển. Có hàng tỷ người trên thế giới này với ngàn vạn tâm tư. Những gì họ nhìn thấy, những gì họ nghĩ suy, những gì họ trăn trở và hiểu ra đều không giống nhau.

Có những con đường cần tự mình bước đi, có những lý lẽ cần tự mình từ từ lĩnh hội. Con người sống trên đời, điều quan trọng nhất là quan tâm đến bản thân, thay vì dùng suy nghĩ của mình để chi phối người khác.

Đừng xỏ chân vào giày của bất kỳ ai. Dấu hiệu của một người thực sự trưởng thành là trong những chặng đường đầy sóng gió của cuộc đời, họ không quá chú ý đến người khác, tự mình thắt dây giày, đi con đường của mình, sống một cách thoải mái và tự nhiên.

1. Mối quan hệ tốt đến mấy cũng cần có khoảng cách

Giữa người với người, dù mối quan hệ có tốt đến đâu cũng cần có khoảng cách. Quá gần gũi sẽ khiến nhau ngột ngạt, can thiệp quá nhiều chỉ khiến đối phương muốn trốn tránh.

Một nhà văn từng nói: “Mối quan hệ giữa người với người giống như hai cây cùng sinh trưởng. Nếu quá gần nhau, chúng sẽ che bóng của nhau, không thể lớn lên được, thậm chí còn có thể héo úa. Chỉ khi giữ một khoảng cách vừa phải để không cản trở nhau, cây mới có thể cành lá xum xuê, hoa nở đầy màu sắc”.

Khoảng cách tạo nên vẻ đẹp. Trong giao tiếp giữa người với người, giữ một khoảng cách nhất định mới không khiến cho việc chung sống trở nên quá mệt mỏi. Đôi khi, giữ khoảng cách không nhất thiết khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên xa cách, ngược lại còn giúp cho mỗi người duy trì sự độc lập, để tình cảm phát triển một cách tự do và hạnh phúc hơn.

Dần dần, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên thoải mái hơn, thư thái hơn và mối quan hệ cũng không hề trở nên xa xôi vì khoảng cách. Bản thân bạn cũng sẽ có được nguồn năng lượng lớn hơn và trở thành một phiên bản tốt hơn thông qua khoảng cách phù hợp và giao tiếp tốt.

2. Không biết tôn trọng, sớm muộn cũng đường ai nấy đi

Sự tỉnh táo lớn nhất của người trưởng thành là kiềm chế mong muốn sửa sai cho người khác. Mỗi người đều có lựa chọn và kế hoạch riêng cho cuộc sống của mình. Nếu bạn cố gắng áp đặt quan điểm và suy nghĩ của mình lên người khác, cố gắng kiểm soát hành vi và quyết định của đối phương, điều đó sẽ chỉ làm hỏng đi mối quan hệ giữa hai người.

Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận sự khác biệt giữa người với người, học cách lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ cũng như cảm xúc của người khác. Hãy tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của nhau, bao dung hơn để mối quan hệ phát triển lành mạnh và ổn định.

Daniel Goleman, tác giả của cuốn sách "Trí tuệ cảm xúc" nói rằng: "Mức độ bạn khiến người khác cảm thấy thoải mái quyết định độ cao bạn có thể đạt được".

Những người không biết tôn trọng, tùy tiện đánh giá, chỉ trích người khác cuối cùng sẽ bị người khác ghét bỏ, đôi bên sớm muộn sẽ đường ai nấy đi. Người khôn ngoan có thể nhìn thấu quy luật phát triển của mọi việc, không tùy tiện chỉ trích người khác, không tùy tiện đánh giá bất kỳ ai, dù nhìn thấu họ cũng không nói ra.

Đó là bởi họ hiểu rằng, những người có quan điểm khác nhau, đối với cùng một vấn đề, tự nhiên sẽ có những cách nhìn khác nhau, điều chưa trải qua thì khó lòng cảm nhận được. Trời đất bao la, vạn vật huyền bí, không can thiệp vào chuyện của người khác, không dùng góc nhìn của mình để định nghĩa và chi phối hành vi của bất kỳ ai. Chỉ cần trau dồi bản thân, các mối quan hệ giữa người với người sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, đường đời cũng sẽ ngày càng thuận lợi.

3. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, bạn mới có được lòng người

Giữa người với người, mọi thứ đều có sự liên quan, qua lại lẫn nhau. Nếu bạn đưa chân mình vào giày của người khác thì người khác cũng có thể đưa tay vào túi của bạn. Trong giao tiếp, chúng ta nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thông cảm nhiều hơn, chân thành hơn, thân thiện hơn và tôn trọng hơn.

Giữa người với người, điều cấm kỵ nhất là không biết giới hạn, dùng kinh nghiệm của mình để can thiệp vào cuộc sống của người khác, cuối cùng dẫn đến rạn nứt mà chia tay, thậm chí đẩy mình vào tình huống khó khăn.

Chỉ có đôi chân mới biết đôi giày có vừa hay không. Trong giao tiếp, đừng quá nhiệt tình đến mức khiến người khác cảm thấy ngột ngạt. Mối quan hệ có tốt đến mấy cũng không thể không có khoảng cách, khiến người khác cảm thấy bức bách.

Dù là người yêu hay bạn bè, đừng khơi lại nỗi đau của người khác, hãy thông cảm cho họ. Đừng lấy nỗi đau và điểm yếu của người khác ra làm trò đùa. Lời nói phải có chừng mực, giao tiếp phải biết tôn trọng.

Nhà văn Nga Yuri Bondarev đã nói: "Gốc rễ của mọi đau khổ của con người đều bắt nguồn từ việc thiếu ý thức về ranh giới".

Kiểm soát lời nói, không phán xét người khác; kiểm soát bàn tay, không chỉ đạo người khác; kiểm soát đôi chân, không can thiệp vào việc của người khác. Dù là người thân, người yêu hay bạn bè, đừng can thiệp, đừng làm phiền, chỉ cần quản lý cuộc sống của mình, dành không gian cho người khác thì tình cảm mới có thể bền lâu.

BẢO ANH.