Từ dấu hiệu ở cổ, bé gái 11 tuổi đi khám phát hiện mắc căn bệnh khiến dậy thì muộn, chậm tăng trưởng

Google News

Khi phát hiện cổ con gái to bất thường, người mẹ đưa đi khám bất ngờ phát hiện mắc căn bệnh tưởng chỉ người lớn tuổi mới mắc. Đáng nói căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng và dậy thì của trẻ.

Khoảng 3 - 4 năm nay, người nhà cháu P.N.B.L (11 tuổi, Hà Nội) phát hiện vùng cổ trẻ to bất thường, to hơn các bạn cùng lứa tuổi, liên tục tăng dần kích thước, kèm theo biểu hiện khô da, táo bón. Lo lắng, gia đình đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để tìm nguyên nhân.

Tại bệnh viện, qua khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm và siêu âm tuyến giáp cho thấy thùy trái và thùy phải kích thước to bất thường, tuy nhiên không phát hiện cấu trúc dạng nang, khối đặc. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, chỉ số TSH tăng cao vượt ngưỡng thông thường, cho thấy dấu hiệu suy giáp. Chỉ số xét nghiệm anti TPO, anti TG tăng cao, cho thấy sự xuất hiện của kháng thể kháng giáp trong máu.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Thủy, chuyên khoa Nhi – người trực tiếp thăm khám cho bé L cho biết, qua các kết quả thăm khám và chụp chiếu, bệnh nhi được xác định mắc viêm tuyến giáp Hashimoto giai đoạn suy giáp.

Theo bác sĩ Thủy, viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh lý không hiếm gặp ở trẻ với tỷ lệ mắc 1-3%. Với ca bệnh này, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn suy giáp, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tâm thần và vận động. Nếu trẻ lớn có thể gây chậm dậy thì, ngừng dậy thì, kinh nguyệt không đều, rong kinh, vô kinh ở trẻ gái. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú bằng liệu pháp hormone thay thế và duy trì bình giáp theo phác đồ riêng biệt của bác sĩ.

Bác sĩ Thủy cho biết thêm, Viêm tuyến giáp Hashimoto (hay còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn) là tình trạng viêm tuyến giáp mạn tính do rối loạn miễn dịch. Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp mắc phải.

Bệnh thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thông thường từ 30-60 tuổi. Ở trẻ em và thanh thiếu niên tỷ lệ mắc thấp hơn, nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Khi thấy trẻ có bất thường ở bất kể bộ phận nào trên cơ thể cần phải cho đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời. 

Lý giải về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Dương Thị Thủy nhấn mạnh, bệnh do đa yếu tố, gồm những tương tác phức tạp của di truyền, môi trường và nội tiết, gây ra phản ứng miễn dịch không phù hợp chống lại tuyến giáp. Bệnh thường diễn biến thầm lặng, người bệnh không có biểu hiện trong nhiều năm, chỉ phát hiện khi cổ to bất thường hoặc chỉ số xét nghiệm máu bất thường.

Khi bệnh tiến triển nặng đến giai đoạn suy giáp có thể gây ra các triệu chứng sau ở trẻ:

- Dậy thì muộn, chậm phát triển chiều cao, lâu biết lẫy/ bò;

- Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, vô kinh dẫn đến vô sinh;

- Mệt mỏi, uể oải và ngủ li bì;

- Khó tập trung, trầm cảm;

- Tăng cân bất thường;

- Táo bón;

- Da khô;

- Tóc khô, dễ gãy rụng;

- Thường cảm thấy lạnh;

- Cứng khớp và đau cơ.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh lý mạn tính không thể chữa khỏi, trẻ cần duy trì điều trị kéo dài, gần như suốt đời nhằm ổn định hoạt động của tuyến giáp, kiểm soát suy giáp và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng bởi nếu tuân thủ điều trị, trẻ vẫn có thể có cuộc sống và sự phát triển bình thường.

Bác sĩ Thủy khuyến cáo, phụ huynh cần theo dõi thường xuyên, nhắc nhở trẻ tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ bị bệnh tuyến giáp nên xét nghiệm máu 3 - 6 tháng/lần để đảm bảo nồng độ hormone tuyến giáp duy trì ở mức bình thường.

LÊ PHƯƠNG.