Tù nhân nhiều mưu mẹo
Albert Michael Sinclair hay còn gọi là Mike Sinclair (26/2/1918 – 25/9/1944) là một tù nhân người Anh tại nhà tù Colditz trong Thế chiến thứ 2. Là chỉ huy Tiểu đoàn 2, Quân đội Hoàng gia, Sinclair bị quân đội Đức bắt giữ vào tháng 7/1939.
Tổng cộng, Mike Sinclair đã tiến hành 8 cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Colditz trong đó một cuộc bị ngăn chặn từ trước.
|
Albert Michael Sinclair là một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất tại nhà tù Colditz với kế hoạch vượt ngục độc đáo. |
Thất bại liên tiếp nhưng chưa bao giờ Sinclair thôi nghĩ đến khát vọng tự do. Và cuộc vượt ngục vào tháng 4/1943 được đánh giá là táo bạo, bài bản nhất của ông.
Một ngày, những người bạn tù bỗng nhận xét vu vơ về sự tương đồng thể chất giữa Mike Sinclair và một trong những người chỉ huy phòng vệ của quân Đức - Trung sĩ Fritz Rothenberger.
Ban đầu Sinclair không mấy quan tâm nhưng trong một lần chứng kiến sự phục tùng của những tên canh gác, cộng thêm khả năng nói tiếng Đức trôi chảy, ông bỗng nảy ra ý tưởng “có một không hai”.
Theo kế hoạch, Sinclair sẽ bắt chước dáng vẻ bên ngoài của Fritz Rothenberger đồng thời tìm hiểu đến từng chi tiết cả thói quen, phong cách riêng, cử chỉ, giọng nói của hắn, Sinclair càng ngày càng giống hệt Rothenberger, kể từ bộ quân phục, bộ ria mép đến dáng đi.
Mike Sinclair sau đó tìm thêm sự trợ giúp của hai người tù khác đóng giả làm lính canh để đổi gác với những tên lính đang làm nhiệm vụ. Họ cùng thống nhất rằng sau khi ra được bên ngoài theo đường cổng chính, mỗi người sau đó sẽ phải tự nỗ lực để thoát thân, sử dụng các giấy thông hành và bản đồ được giấu kín ở phía mặt sau của những hộp đựng thuốc xì gà.
Kế hoạch bài bản
Quy mô của lần đào tẩu này đòi hỏi cả nhóm phải nỗ lực hết mình, cũng như cần một khối lượng lớn trang bị dùng cho việc cải trang. Ngoài ra, mỗi người tù tham gia cũng sẽ phải có một giấy thông hành giả nếu muốn thoát ra khỏi nước Đức.
Mọi loại chất liệu đã được sử dụng để tạo ra các vật dụng cần thiết phục vụ cho cuộc đào tẩu, trong đó bản đồ là thứ cực kỳ quý và luôn khan hiếm với những người tù trốn trại.
Để có bản đồ, Mike Sinclair đã nghĩ ra một cách để làm ra các bản copy. Bằng cách sử dụng chất giêlatin có trong những gói đựng đồ cứu trợ của Hội Chữ thập Đỏ, họ đã làm ra những khay chứa một loại chất lỏng trong suốt và sau đó đặt các tấm bản đồ lên trên bề mặt này.
Khi tấm bản đồ gốc được dỡ ra, chất lỏng lúc này đã đông lại và lưu giữ những đường nét trên bản đồ và do đó những người tù có thể làm ra các bản copy khác của tấm bản đồ trên những tờ giấy sạch.
Ngoài ra, với những tấm giấy thông hành, người Đức thường sử dụng con dấu cao su cũng là một thách thức cho những người chuẩn bị đào tẩu. Một người tù trước đây vốn là một sĩ quan được giao nhiệm vụ dùng lưỡi dao lam khắc phù hiệu của phátxít Đức lên những chiếc đế giày làm bằng cao su.
Những con dấu giả này sau đó được nhúng vào một hỗn hợp làm từ mực và phấn không phai rồi đóng lên những tờ giấy thông hành giả.
Cuối cùng, “giờ G” cũng đã đến, Sinclair quyết định thực hiện cuộc vượt ngục đầy tham vọng vào 21h ngày 19/5/1943 theo đúng như kịch bản. Trong bộ dạng của Fritz Rothenberger, Sinclair đã đổi gác được hai nhóm lính gác đầu tiên.
Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở vọng gác cuối cùng, khi nhìn màu của tấm giấy thông hành của ông, toán lính gác này liền sinh nghi.
Chuông báo động reo lên và sau đó những sĩ quan Đức có mặt tại hiện trường. Trong một tình huống lộn xộn sau đó, Sinclair đã bị bắn vào ngực. Bằng chứng về trình độ đóng giả và khả năng thông thạo tiếng Đức của Sinclair là một số tên lính gác có mặt tại hiện trường vẫn nhầm tưởng rằng sĩ quan Fritz Rothenberger bị trúng đạn.
Rất may, viên đạn chỉ sượt qua tim của Sinclair. Sau đó, ông bị bắt lại nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì đến những kế hoạch cho lần vượt ngục tiếp theo dù rằng sau lần này, Sinclair bị liệt vào danh sách tù nhân cực kỳ nguy hiểm cần canh phòng cao độ.
Theo Huyền Anh/Dân Việt