Ông Kpă Long: "Thôi việc thì phải đi làm thuê kiếm sống, nhưng tôi tiếc!”

Google News

Nhân vật trong bài “Gia Lai: Thôi việc bằng thông báo miệng, huyện ủy Chư Pưh yêu cầu báo cáo” - Kpă Long cho biết mình đang đi làm thuê để kiếm sống, nhưng rất buồn...

Cụ thể, ông Kpă Long- dân tộc Jrai, nguyên phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Chư Pưh, bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ vụ án, ông Kpă Long sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học chính quy ngành Lâm sinh thuộc Đại học Tây Nguyên năm 1996; tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị - hành chính thuộc Học viện Chính trị Khu vực III năm 2015. Lý do phạm tội được xác định do không phát hiện hồ sơ không đủ điều kiện vẫn ký đề nghị UBND huyện cấp Giấy CNQSD đất. Quá trình điều tra không chứng minh được ông Long có yếu tố trục lợi. Tòa xét thấy ông có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt 12 tháng tù, cho hưởng án treo.
Ong Kpa Long:
Ông Kpă Long đang làm thuê cho doanh nghiệp để kiếm sống. Ảnh NVCC  
Sau đó ông Kpă Long bị khai trừ đảng, bãi miễn đại biểu HĐND, cách chức phó ban dân tộc HĐND. Tháng 12/2022, ông được thông báo thôi việc bằng thông báo…miệng của trưởng phòng Nội vụ huyện.
“ Tôi là người dân tộc Jrai luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bản thân được đào tạo ngành Lâm sinh, nhưng lại bố trí phân công nhiệm vụ công tác về lĩnh vực đất đai, nên trong quá trình công tác chuyên môn cũng đã luôn cố gắng hết mình để không xảy ra sai sót. Nhưng do tin tưởng vào cán bộ chuyên môn cấp dưới, khi được tham mưu tôi đã ký trình để ra sai sót và bị điều tra, truy tố. Trải qua mấy chục năm công tác, trước sự việc này tôi trăn trở và xót xa, đau đớn…" Kpă Long nói. 
Ong Kpa Long:
Ông Kpă Long cùng vợ và cháu nội. Ảnh NVCC 
" Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, cha 74 tuổi già yếu ốm đau liên tục; vợ làm nông nhưng bệnh tật triền miên đang có chỉ định mổ… Tất cả trông chờ vào đồng lương của tôi. Con thì đang học luật năm 2 phải bỏ vì buồn và cũng chẳng có tiền để học. Từ đầu năm 2023 đến nay, hằng ngày tôi đi làm thuê đủ việc như phụ hồ, đào hầm rút, lau dọn nhà xưởng… Khó nhất là trước đây trước đây tôi có vay ngân hàng 150 triệu để xây nhà, trả bằng cách trừ lương. Nay tôi không có khoản nào để trả, đành chịu thôi, cứ đến tháng ngân hàng thông báo, tôi năn nỉ họ khoanh nợ, nhưng cũng không biết là khoanh đến bao giờ. 
Vừa rồi (ngày 15/3), tôi đến thử việc cho một doanh nghiệp trồng và bán chanh dây trên địa bàn, họ nói lương 5 triệu/ tháng, Tôi đã làm được nửa tháng rồi. Công việc là làm giàn cho cây leo, chẻ trụ, buộc lạt, tưới nước… Vất vả lắm, mỗi ngày lao động đúng 8 tiếng, đi trễ là trừ lương. Muốn tập trung công việc, nhưng đôi lúc rất buồn. Tôi mong muốn được trở lại làm chuyên môn như những gì mình được đào tạo...” ông Long bày tỏ.
Mất việc thì phải đi tìm việc khác để làm, nhưng điều đáng tiếc là một cán bộ người dân tộc được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn lại đang bị bỏ phí. Hơn nữa, cách giải quyết chế độ nghỉ việc không thỏa đáng khiến người lao động nhiều băn khoăn, thắc mắc mà không biết kêu ở đâu... Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết thắc mắc cũng như chế độ cho ông Long.
Về vấn đề buộc thôi việc công chức khi bản án tuyên nhưng cho hưởng án treo; ThS, Luật gia Nguyễn Quang Quý (Chi hội Luật gia Sở Tư pháp) cho biết: “ Nói bị tuyên án đương nhiên bị khai trừ đảng, bị mất chức vụ và cũng đương nhiên bị buộc thôi việc là không đúng.
Căn cứ Điều 13, Nghị định 112/2020/NĐ-CP , ngày 18/9/2020 của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc căn cứ pháp lý phải trong phạm vi Điều này. Mặt khác, về trình tự thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức phải theo quy định, tức thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật, trừ trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thành lập Hội đồng.
Thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật trong trường hợp này theo quy định pháp luật nhằm xem xét, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi, thái độ ăn năn, hối cải... Rồi cân nhắc các tiêu chuẩn về chính trị, về chuyên môn sau đó Hội đồng bỏ phiếu kỷ luật hay không kỷ luật. 
Ví dụ, có thể bị khai trừ đảng, mất chức vụ quản lý, nhưng công chức vẫn chưa đến mức bị buộc thôi việc thì công chức ấy vẫn có thể tiếp tục làm việc với vai trò công chức chuyên môn. Trong xử lý hình sự, mục đích chính vẫn là giáo dục, răn đe, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi mà xử lý đúng đắn mới phát huy tính nhân đạo của pháp luật.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Nghệ An: Kỷ luật, chuyển công tác giáo viên tát học sinh:

(Nguồn: VTV8)

Hà Ngọc Chính