Gợi ý 5 món lẩu ngon, dễ nấu nóng hôi hổi cho cả nhà nhâm nhi dịp Tết Dương lịch

Google News

Những món lẩu này vô cùng thích hợp để thưởng thức trong dịp Tết Dương lịch lạnh như thế này.

1. LẨU CÁ CHÉP MĂNG CHUA

Nguyên liệu:

- 1 con cá chép 2kg

- 1 lít nước dừa - 1kg bún - 6quả cà chua - 1 quả khóm (dứa) - 300g măng chua - 1 bịch nấm kim châm - 3 cây sả - Ớt - Ngò.

- Rau ăn kèm: Rau muống, bắp chuối, rau cần đước (nước), bông súng

- 2 muỗng canh tỏi băm - 1 muỗng canh sả băm - 1 muỗng canh hành tím băm - 4 muỗng canh nước sốt lẩu Thái

- Gia vị.

Cách làm:

Cá làm sạch, chà muối hột cho sạch nhớt, rửa sạch để ráo. Phần đầu cắt ra chẻ đôi, lọc phi lê phần thân, thái mỏng, xếp ra đĩa. Phần xương cá để riêng lát cho vào nồi nước dùng.

Ép 4 quả cà chua và 1/2 quả dứa, thu được 500ml nước. 2 quả cà chua bổ múi cau, 1/2 quả khóm thái khoanh tròn.

- Phi thơm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng canh sả băm, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 muông canh hành tím băm, 3 trái ớt đập dập, sau đó vớt ra bát.

- Cho sả cắt khúc đập dập vài xào sơ, thêm 1 lít nước dừa, 500ml nước ép, 1 lít nước lọc, xương cá. Đun sôi hạ bớt lửa, ninh tầm 30 phút, vớt bỏ xương. Cho cà chua và dứa vào, nêm 4 muỗng canh nước lẩu Thái, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh bột canh, 1/3 muông canh bột ngọt, 1 muỗng canh đường. Nêm nếm lại vừa khẩu vị là được.

- Măng chua rửa sạch, chẻ làm 4. Phi thơm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng canh tỏi băm. Cho măng vào xào, nêm 1/2 muỗng canh hạt nêm, xào tầm 5 phút tắt bếp, cho măng ra đĩa.

- Các loại rau sơ chế, rửa sạch để ráo, cắt khúc vừa ăn bày ra đĩa.

- Cho nước lẩu ra nồi, cá ăn tới đâu mình nhúng vào nồi tới đó để giữ được độ tươi ngon, dùng kèm măng chua, rau, bún, nước mắm mặn thêm ớt xắt.

2. LẨU GÀ THẬP CẨM

Nguyên liệu làm lẩu gà thập cẩm

(Cho 7 người ăn)

- Gà khoảng 2kg

- Lòng, dạ dày heo: 300 g

- Ngao hoa: 500 g

- Đậu phụ: 3 bìa; 500g xương heo hoặc nước dùng xương gà; 1 gói nấm kim châm; 200g nấm hương; 1 gói nấm rơm hoặc nấm sò, nấm đùi gà; 2 gói thuốc bắc

- Rau ngải, mùng tơi, đậu bắp, khoai lang, ngô ngọt (những loại rau bạn thích)

- 1-2 quả trứng vịt lộn

- Bánh đa, bún hoặc mì tôm ăn kèm

- Muối, hạt nêm, bột canh, sa tế, mì chính, hành khô, ớt, chanh

Cách làm lẩu gà thập cẩm ngon

Bước 1: Sơ chế gà

- Gà làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Phần đầu, cổ gà, chân có thể cho vào nồi nước xương ninh lấy nước dùng làm nước lẩu. Xếp thịt gà lên đĩa

Lưu ý: Để chặt gà ngon, đẹp thì nên dùng dao sắc, nặng; thớt phải sạch, nặng gỗ tốt.

Bài 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại

- Nấm kim châm, nấm hương, đậu bắp, bí đỏ, cà chua, các loại rau cải, rau ngải, rau cần, hoa chuối, rau diếp rửa sạch và để ráo.

- Lòng, dạ dày heo rửa sạch cắt miếng vừa ăn.

- Ngao hoa, tôm rửa sạch bày lên đĩa

Bước 3: Nấu nước dùng lẩu

- Xương heo rửa sạch với muối hạt sau đó chần sơ rửa lại cho sạch rồi cho vào nồi hầm lấy nước.

- Sau khoảng 30-45 phút cho nước dùng ra nồi lẩu, đập 2 quả trứng vịt lộn vào đun nhỏ lửa thêm nấm hương, thuốc bắc, ngô ngọt, nấm hương vào đun, nêm nếm gia vị vừa miệng.

Bước 4: Trình bày

Xếp tất cả các lên bàn, bật bếp đun nhỏ lửa xếp đồ ăn xung quanh. Giờ thì chỉ việc thưởng thức ngay thôi. Ăn lẩu gà nóng hổi trong thời tiết sẽ lạnh sẽ là vô cùng hấp dẫn.

3. LẨU THÁI VỚI NƯỚC DÙNG TỪ CỦ QUẢ

Nguyên liệu:

- Táo: 1 quả.

- Lê: 1 quả.

- Dứa: 1/2 quả.

- Sả: 3 cây.

- Quế: 1 miếng nhỏ.

- Cà chua: 5 quả.

- Ngô (bắp): 1 bắp.

- Đậu phụ: 3 miếng.

- Tôm: 500g.

- Thịt bò: 500g.

- Gia vị thêm: nấm, rau, hoa chuối, mỳ tôm, sa tế, váng đậu…

Cách làm:

Bước 1: Nấu nước lẩu

- Táo, lê rửa sạch bổ làm 4 hoặc 6 bỏ hạt.

- Dứa gọt vỏ lấy 1/2 quả bổ múi cau.

- Ngô cắt khúc.

- Cà chua bổ làm 4, có thể chần qua nước sôi để bóc vỏ ngoài (cà chua nhớ bỏ phần trắng trong lõi, vì ăn nó vào không tốt cho cơ thể).

- Sả đập dập cắt khúc.

- Tất cả nguyên liệu trên cho vào nồi đun sôi tầm 25-30 phút. Nêm nếm gia vị cho phù hợp và cho vào 1 thìa canh sate, điều chỉnh độ cay cho phù hợp với sở thích.

- Trước khi ăn vớt bỏ táo, lê, sả, quế ra khỏ nồi.

Vậy là có ngay một nồi nước dùng lẩu Thái thuần chay, ngọt thanh, thơm lừng, không bao giờ lo bị ngán bởi dầu mỡ.

Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu nhúng lẩu

- Tôm chích 1 đường phía dưới đầu để lấy phân và chỉ tôm.

- Thịt bò thái mỏng và ngang thớ.

- Đậu phụ, váng đậu cắt miếng vừa ăn.

- Rau mang đi rửa sạch, ngâm với muối trước khi ăn.

- Hoa chuối thái mỏng cho vào âu nước muối và xíu giấm ngâm 15 phút sau đó rửa sạch lại.

Và bây giờ thì bày ra và thưởng thức thôi. 

4. LẨU BẮP BÒ NHÚNG MẺ

Nguyên liệu (4 người ăn):

- Bắp bò (lõi rùa, bắp hoa): 1kg - 1,2kg. Có thể nhúng thêm nạm nếu ai thích hơi mỡ, (hoặc thêm thêm tuỷ bò càng ngon).

- Rau nhúng: lá lốt, tía tô, hoa chuối, cải cay (cải chân tức là cải còn non).

- Khế, đậu, bún, cà chua, hành tây, hành tím, tỏi, ớt, chanh, sả, dứa ai thích chuối xanh cho cũng ngon.

- Gia vị: mẻ, hạt nêm, đường, mì chính, bột canh, mắm nêm.

Cách nấu lẩu bắp bò nhúng mẻ:

Bước 1: Cách nấu nước lẩu 

- Hoà tan 1 muôi canh mẻ với 200ml nước, lọc lấy nước bỏ cái mẻ đi.

- Phi thơm tỏi, sả, hành khô băm rồi cho nước mẻ vào đun, nêm nếm gia vị nêu trên cho vừa (mì chính để sau cùng).

Lưu ý: phải dùng mẻ thật ngon thật ngấu, tủy khẩu vị thích nhiều hay ít chua để điều chỉnh.

- Có thể dùng nước quả lê, quả táo xay lọc làm nước dùng, nhưng nhúng bò vào đã ngọt rồi có thể không cần cho thêm, chỉ cần đun nước mẻ là được. Nói chung tùy khẩu vị. 

- Lá lốt, tía to thái nhỏ.

- Nước mẻ sôi thì thả, hành tây, cà chua, khế.

Bước 2: Cách làm mắm nêm để chấm

- Tỏi, sả, hành khô xay nhỏ.

- Dứa 1 quả xay nhuyễn với chút nước.

- Phi thơm sả, hành, tỏi lên cho mắm nêm vào (4 thìa ăn cơm).

- Mắm sôi kĩ, cho dứa xay vào đun tiếp, nêm nếm cho vừa, lúc ăn thêm nước cốt chanh và ớt.

Bước 3: 

- Cho nồi nước dùng ra nồi lẩu, thả đậu vào.

- Thả tía tô, lá lốt vào cho thơm nước rồi nhúng bắp bò. Bắp bò ăn chín tới mới giòn ngọt tránh để chín kĩ quá.

Có thể cuốn bằng bánh tráng với đầy đủ bún dứa rau thơm rồi chấm mắm nêm cũng ngon.

5. LẨU CHÁO LÒNG

Nguyên liệu:

- Lòng non: 300gr

- Sụn 100gr

- Thịt mũi, má heo: 200gr

- Rau húng chó, răm, hành khô, hành lá, tía tô (ai thích lạc có thể thêm vào)

- Tiết heo

- Hạt tiêu, mì chính

- 1 chai cô ca cắt phần đầu làm phễu nhồi 

Cách làm:

Phần lòng dồi:

- Lòng heo để đảm bảo vệ sinh nên lộn bên trong ra rồi nhào với bột mỳ để khử mùi tanh và các dịch. Sau đó rửa sạch và vắt 2 quả chanh vào rửa lại cho sạch là xong.

- Các loại hành lá, răm, húng chó rửa sạch thái nhỏ. Thịt tai, mũi chần qua, thái hạt lựu.

- Sụn xay hoặc băm rồi đem trộn cùng hỗn hợp thịt mũi, má thái hạt lựu.

- Cuối cùng trộn hỗn hợp rau với thịt ướp, thêm mì chính và 1 chút tiêu (không cho gia vị mắm muối do tiết heo đã mặn)

- Tiếp theo, cắt lòng non từng đoạn, buộc 1 đầu. (Nên làm hỗn hợp nhân từng ít một tránh đông ở ngoài, để nhân đông ở trong lòng sẽ ngon hơn).

- Sau khi chuẩn bị xong bắt đầu trộn hỗn hợp nhồi lòng. Cứ 2 bát con tiết canh, một bát nước và một bát hỗn hợp thịt và rau (nếu mọi người thích nhiều tiết hơn sẽ tăng thêm tiết nhưng tỷ lệ là 1 tiết :1/2 nước). Sau đó nhồi vào lòng. Lưu ý, khi dồn để tránh không khí bên trong lòng. Sau khi nhồi xong, buộc chặt đầu còn lại, cứ thế làm đến hết là hoàn thành.

- Luộc dồi: Đun sôi một nồi nước, sau đó thả dồi vào, vặn nhỏ lửa, mở vung đun đến khi tiết bên trong chuyển màu đen thậm gần chín thì lấy xiên nhọn chọc để thoát hơi và nước ra ngoài, đun 1 lúc rồi ngâm dồi là chín.

Cách làm phần cháo

- Sau khi luộc lòng dồi xong phần nước luộc sẽ để dung để nấu cháo. Nấu cháo theo tỷ lệ nước gấp 5 lần gạo (nấu cháo hơi loãng để còn nhúng đồ).

- Có thể nấu bằng nồi cơm điện để cháo đỡ bị khê, còn nếu nấu bếp gas hoặc bếp điện phải dùng xoong đế dày tránh cháo bị khê hoặc bén nồi. Trong nồi cháo không cần cho bất kỳ gia vị gì vì khi luộc lòng nước tiết chảy ra mặn rồi.

Ăn lẩu

- Trong lúc ninh cháo thì tranh thái lòng dồi, gan, tim, dải, lòng non sắp sẵn vào đĩa.

- Hành khô bóc rửa sạch phi thơm.

- Tía tô các, hành lá thái nhỏ sắp đĩa riêng, phần đầu của hành lá để sống sắp đĩa riêng.

- Bước cuối cùng chuẩn bị nồi ăn lẩu, bỏ 1 cái thìa inox vào nồi xong rồi mới đổ cháo lên làm như vậy để tránh cháo bị bén và khê.

- Tiếp theo đổ lòng dồi, tim, gan… mỗi thứ một vào. Tiếp theo cho hành phi, tía tô vào nồi lẩu ăn như một nồi lẩu bình thường. Bạn có thể nhúng kèm các loại rau mà mình thích.

Chúc các bạn thành công!

MINH NGỌC